Bọt chữa bỏng từ dầu mù u và nano nghệ

GD&TĐ - Dầu mù u và nghệ vốn nổi tiếng với công dụng làm lành vết thương, kháng khuẩn là nguyên liệu của bọt chữa bỏng.

Thử nghiệm bọt chữa bỏng trên chuột và thời gian lành vết thương.
Thử nghiệm bọt chữa bỏng trên chuột và thời gian lành vết thương.

Ưu điểm của dạng bọt là mềm, xốp, dễ bao phủ, tránh được việc tác động trực tiếp lên vết thương.

Dễ bôi trên vùng da tổn thương

Nhóm nghiên cứu gồm Đỗ Thị Hồng Tươi, Tiêu Đức Lợi, Nguyễn Thị Như Ý, Nguyễn Thái Dương, Huỳnh Ngọc Thanh Trúc và Phạm Đình Duy - Trường Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu đề tài “Công thức tạo bọt không chứa chất đẩy với vi nhũ dầu tamanu và nanocurcumin giúp tăng cường khả năng chữa lành vết bỏng”.

Theo nhóm nghiên cứu, bỏng da là tình trạng tổn thương mô do tiếp xúc với các nguồn nhiệt, điện, hóa chất hay bức xạ gây ra. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phần lớn các trường hợp bị bỏng xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Trong đó, hơn hai phần ba các ca bỏng xảy ra ở các khu vực châu Phi và Đông Nam Á.

Hầu hết các ca bỏng nặng (từ độ 3 trở lên) hoặc tai nạn giao thông đều có chung đặc điểm là tình trạng tổn thương mất da. Từ đó vi khuẩn xâm nhập vào các mảng vết thương hở gây nhiễm trùng. Ngoài ra, mất da cũng làm cơ thể mất đi một lượng lớn nước và muối khoáng, chất điện giải do sự bay hơi liên tục từ bề mặt vết thương.

Việc chăm sóc tại chỗ vết bỏng, bao gồm sử dụng các loại chế phẩm bôi ngoài da là yếu tố quan trọng góp phần ngăn ngừa nhiễm khuẩn, kích thích mô hóa, giúp vết bỏng nhanh hồi phục hơn. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm bôi ngoài da để trị bỏng.

Tuy nhiên, hầu hết đều ở dạng mỡ, gel hoặc kem. Dù phổ biến và dễ sử dụng song các sản phẩm này có chung một nhược điểm là cần lực phân tán mạnh để bôi thuốc lên các vùng bị bỏng có diện tích rộng, có thể gây đau và khó chịu cho các vết bỏng.

Để khắc phục vấn đề này, các nhà nghiên cứu ở Trường Đại học Y Dược TPHCM và cộng sự đã phát triển chế phẩm dạng bọt chứa dầu mù u và nano nghệ (curcumin) để điều trị bỏng. Ưu điểm của dạng bọt là mềm, xốp, dễ bao phủ, tránh được việc tác động trực tiếp lên vết thương.

Trong khi đó, dầu mù u và nghệ vốn nổi tiếng với công dụng làm lành vết thương, kháng khuẩn nên thường được phối hợp trong các chế phẩm điều trị bỏng. Cả ba công thức nhũ tương tạo bọt do nhóm nghiên cứu xây dựng đều có độ ổn định tốt, tạo ra bọt mịn, có kết cấu nhẹ xốp. Bọt được tạo bằng bình phun bọt không chứa khí đẩy.

Diện tích vết thương giảm 80%

Nhiệm vụ của nhóm nghiên cứu là tìm ra công thức tạo bọt tốt, ổn định và thân thiện với môi trường. Về bản chất, bọt được hình thành từ các bong bóng khí được ngăn cách bởi các lớp màng chất lỏng hoặc rắn.

Theo thời gian, bọt được ngăn cách bởi lớp màng chất lỏng sẽ bị vỡ ra, giải phóng khí trong bong bóng. Khả năng vỡ của bọt phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm độ nhớt và sức căng bề mặt của chất lỏng, áp suất và kích thước bong bóng khí…

Chế phẩm trị bỏng do nhóm nghiên cứu phát triển gồm ba thành phần chính: Dầu mù u, nano curcumin và chất hoạt động bề mặt (surfactant, một chất làm giảm sức căng bề mặt của chất lỏng, thường tạo ra bong bóng trong chất lỏng) và đồng bề mặt (một chất hóa học được thêm vào chất hoạt động bề mặt để cải thiện hiệu quả của nó).

Ba hỗn hợp chất hoạt động bề mặt/đồng bề mặt được sử dụng gồm Tween 80/Propylene glycol (tỉ lệ 2:1); Labrasol/Plurol Oleique CC 497 (6:1); và Cremophor RH40/Propylene glycol (3:2).

Mỗi hỗn hợp được trộn với dầu mù u theo tỉ lệ thay đổi từ 1:9 cho đến 9:1. Sau đó, nhóm thêm nước cất và nano curcumin vào hỗn hợp. Dầu mù u và chất hoạt động bề mặt được mua trên thị trường, còn nano curcumin bắt nguồn từ các nghiên cứu trước đây của các tác giả.

Sau nhiều thử nghiệm, nhóm đã xây dựng thành công một công thức nhũ tương tạo bọt ổn định, đồng nhất, chứa dầu mù u, nano curcumin và chất hoạt động bề mặt/đồng hoạt động bề mặt là Labrasol/Plurol Oleique CC 497 với tỉ lệ 6:1.

Việc xác định các chất hoạt động bề mặt, đồng hoạt động bề mặt và tỉ lệ của các chất này đóng vai trò quan trọng đối với sự hình thành bọt nhũ tương. Với mục tiêu đảm bảo tính thân thiện với môi trường, nhóm nghiên cứu đã sử dụng bình phun bọt không chứa khí đẩy để đựng chế phẩm này. Bọt do bình phun tạo ra có mật độ là 0,08 g/cm3 và bọt vỡ hoàn toàn sau 30 phút.

Để đánh giá khả năng trị bỏng của chế phẩm này, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm trên chuột bị bỏng độ ba. Kết quả cho thấy sau 21 ngày điều trị, diện tích vết thương giảm hơn 80%, tương đương với kem bôi Silvirin thường dùng trong điều trị bỏng độ 2, độ 3, vết đứt rách, trầy da đang có trên thị trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các cơ sở sản xuất hương Báo Ân phơi thành phẩm trước khi đóng bao bì.

Làng hương Hà Tĩnh vào vụ Tết

GD&TĐ - Cùng với nhiều ngành nghề khác, làng hương Báo Ân (Hà Tĩnh) đang chạy đua sản xuất để phục vụ cho Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Madam Pang tiếc nuối vì Thái Lan về nhì ở ASEAN Cup 2024.

Madam Pang xin lỗi người hâm mộ

GD&TĐ - Sau trận chung kết ASEAN Cup 2024 lượt về, tỷ phú Nualphan Lamấmm (Madam Pang) tỏ ra khá thất vọng và gửi lời xin lỗi tới người hâm mộ bóng đá Thái Lan.