Bông hồng quyền lực ngành CNTT Việt

Đảm trách nhiều cương vị quan trọng như Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, Chủ tịch HĐQT FPT Telecom và FPT Retail, chị Chu Thanh Hà được ví như “bông hồng quyền lực” của ngành CNTT Việt Nam. 

Bông hồng quyền lực ngành CNTT Việt

Được biết chị gắn bó với FPT ngay từ khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Lý do nào khiến chị quyết định “đầu quân” về FPT?

Tôi đến với FPT ngay từ lúc chưa tốt nghiệp đại học. Cũng từng có thời gian ngắn rời khỏi FPT để thử sức ở một môi trường khác hấp dẫn hơn về thu nhập.

Tuy nhiên, điều khiến tôi quyết định quay trở lại và “dấn thân” vào FPT chính là linh cảm về triển vọng lâu dài mà công ty có thể đạt được, tính tiên tiến của một công ty kiểu mới ra đời xuất phát từ khát khao thay đổi, đem lại cho mỗi thành viên điều kiện phát triển tài năng tốt nhất.

Điều này thực sự đã thấm trong suy nghĩ, trong định hướng sự nghiệp và lựa chọn để gắn bó và cống hiến sức trẻ của tôi ngày đầu cũng như tận bây giờ.

Tôi luôn cho rằng, những kết quả như chức vụ, thăng tiến, thu nhập, sự tín nhiệm, tin tưởng của mọi người xung quanh sẽ đến một cách tự nhiên sau mọi cố gắng.

Chị Chu Thanh Hà – Phó Tổng Giám đốc FPT
Chị Chu Thanh Hà – Phó Tổng Giám đốc FPT

FPT được đánh giá là một môi trường làm việc dân chủ và năng động. Chị nghĩ thế nào về nhận định này?

FPT luôn mở rộng cửa đối với các bạn trẻ có nhiệt huyết trong công việc. Chúng tôi luôn cố gắng tạo ra một môi trường cởi mở nhất có thể, nơi ý kiến của những người trẻ sẵn sàng được lắng nghe và ghi nhận.

Hướng tới chiến lược “Toàn cầu hóa”, ưu tiên hàng đầu của FPT là tạo một môi trường làm việc chuyên nghiệp và thân thiện. Với phương châm “Chơi hết sức, làm hết mình”, mỗi người FPT đều được ví như ngọn lửa nhỏ góp phần lan tỏa văn hóa công ty tới mọi ngõ ngách nơi có sự hiện diện của FPT.

Là tập đoàn công nghệ với đa số nhân viên là nam giới, nhưng số nhân viên nữ hiện làm việc tại FPT cũng không phải là ít (chiếm 36%). Đánh giá của chị về nhân lực nữ làm việc trong ngành CNTT nói chung và tại tập đoàn FPT nói riêng?

So với nam giới, nhận thức xã hội của nước ta vẫn còn đặt gánh nặng về trách nhiệm của phụ nữ trong gia đình. Bởi thế, bản thân phụ nữ khi tham gia vào công việc xã hội, nhất là với một ngành nghề đặc thù như CNTT, lại càng chịu thêm nhiều áp lực. Đây là một cản trở đối với họ, đặc biệt khi dự án bước vào giai đoạn nước rút, buộc phải thức đêm, làm thêm giờ, làm vào ngày nghỉ…

Đối với tôi, phụ nữ trong tập đoàn FPT là những con người tuyệt vời. Để đạt được thành công tương đương nam giới, họ phải cố gắng gấp bội. Thực tế, số lượng nữ tướng nắm giữ các vị trí trọng yếu khác nhau trong tập đoàn cũng như tại các công ty thành viên không hề nhỏ.

Điều đó cho thấy nhân lực phái nữ vẫn luôn là một phần hết sức quan trọng của mọi tổ chức và ở FPT, vai trò và đóng góp của họ được ghi nhận bình đẳng. Với đặc tính thiên bẩm, phụ nữ FPT thậm chí còn có lợi thế hơn đồng nghiệp nam trong việc tìm hiểu mong muốn của đối tác, khách hàng, cách tiếp cận bền bỉ và mềm dẻo khiến công việc đạt kết quả cao.

Tôi thực sự tự hào về những thành quả mà chị em đã và đang đạt được trong các lĩnh vực kinh doanh đầy khó khăn, thách thức của FPT.
Sinh viên Chương trình Cử nhân Top-up, Khoa Quốc tế - ĐH FPT
FPT nằm trong top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam.

Chương trình Cử nhân Top-up, Khoa Quốc tế - ĐH FPT, vừa triển khai Quỹ học bổng Nữ sinh CNTT lần 2 với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng cao cho Tập đoàn. Theo chị, nữ giới có ưu điểm cũng như nhược điểm gì khi làm việc trong ngành CNTT?

Quỹ học bổng Nữ sinh CNTT sẽ là cơ hội tốt cho các nữ sinh yêu thích, đam mê và muốn lập nghiệp trong ngành CNTT. Tôi luôn đánh giá rất cao những bạn nữ làm việc trong ngành này. Theo tôi, ưu điểm lớn nhất của họ là sự cẩn thận, chăm chỉ, trung thành, tỉ mỉ…

Cũng vì những tính cách vốn có đó, họ luôn hướng đến yêu cầu chi tiết nhất của người dùng sản phẩm CNTT, tính tiện ích của sản phẩm luôn được suy nghĩ thấu đáo. Tuy nhiên, nhược điểm của họ thường là sự hạn chế về thời gian và sức lực để cống hiến cho dự án trong các giai đoạn cao điểm, nước rút hoàn thành. Đồng thời, với đặc thù đổi mới liên tục của CNTT, sự bứt phá để nhanh chóng nắm bắt thay đổi của công nghệ đâu đó sẽ hạn chế hơn so với đồng nghiệp nam. 

Bản thân chị đang nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong một tập đoàn công nghệ. Vậy bí quyết nào để chị giải quyết được những khó khăn trong công việc cũng như phân bổ thời gian dành cho gia đình?

Thực ra bí quyết của tôi rất đơn giản. Trong công việc thì có những cộng sự đắc lực, còn trong gia đình có một bờ vai tin cậy. Tôi luôn thấu hiểu và tìm kiếm sự thấu hiểu bằng tất cả sự tận tụy, chân thành và cởi mở. Đồng thời, lấp đầy mọi khoảng trống thời gian ngoài công việc bằng niềm vui gia đình và đầu tư đầy đủ cho sức khỏe. Không có gì là dễ dàng nếu bạn chưa thực sự cố gắng.

Vậy chị có lời khuyên gì với các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn nữ yêu thích và đam mê ngành CNTT?

Xuất phát từ kinh nghiệm bản thân, tôi luôn mong muốn các bạn trẻ hãy dám sống với ước mơ và đam mê của mình. Chỉ khi làm công việc mình thực sự yêu thích, các bạn mới có thể dốc toàn tâm toàn ý vì nó mà phấn đấu, vượt qua được mọi khó khăn và hướng tới thành công.

Bên cạnh đó, với đặc thù là ngành không ngừng sáng tạo, thay đổi, để có thể tìm kiếm được công việc đúng với sở thích, năng lực của mình cũng như tạo ưu thế cạnh tranh khi tốt nghiệp, ngoài việc tiếp thu kiến thức trong nhà trường, các bạn sinh viên ngành CNTT cần chú trọng tới 4 yếu tố: Đam mê đối với ngành; Trang bị bằng cấp hoặc chứng chỉ CNTT quốc tế phù hợp; Ngoại ngữ; và Kỹ năng mềm.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ