“Bỗng dưng muốn khóc” khi chơi trò cô dâu chú rể trên mạng ảo

Muốn mình bước sang một “trang khác” của cuộc đời trên mạng xã hội, nhiều cô gái không ngần ngại nhờ dân mạng ghép ảnh để mình trở thành một cô dâu lộng lẫy.

“Bỗng dưng muốn khóc” khi chơi trò cô dâu chú rể trên mạng ảo

Thế nhưng, nhiều cô gái đã thành nạn nhân của trò chơi này. Có người bị bố mẹ mắng chửi, thậm chí bị người yêu chia tay sau khi show ảnh mặc váy cô dâu.

Làm cô dâu vì... tò mò

Chỉ cần dạo qua một số trang mạng xã hội, không khó để tìm ra những bức ảnh các cô gái thể hiện đủ các cung bậc cảm xúc khi được khoác trên mình chiếc váy cưới dù không có chú rể bên cạnh. Cô dâu “ảo” trong bức ảnh nhận được hàng nghìn lượt like với những lời bình luận khen ngợi của cư dân mạng.

Trò chơi này đang thu hút các cô nàng trẻ tuổi. Họ nghĩ rằng, chỉ cần gửi những bức hình này cho người yêu để ngầm thúc giục chàng trai của họ cầu hôn mình. Thế nhưng, nhiều cô gái cay đắng nhận ra rằng, một phút vui đùa ở “thế giới ảo” đã giết chết mối quan hệ thực của mình.

Nếu được suy nghĩ lại, có lẽ Ngọc Thúy (24 tuổi, Nghệ An) sẽ không bao giờ chơi thử cái trò dại dột đó. Nói là trò chơi dại dột bởi sau khi đăng những tấm ảnh được cư dân mạng ghép hộ thì cô đã bị bố mẹ “triệu tập” về nhà để giải trình cưới ai, cưới khi nào mà không cho bố mẹ biết. Thậm chí, bố mẹ Thúy còn nâng quan điểm rằng Thúy coi thường bố mẹ, kết hôn, ở với người khác mà không thèm thông báo.

Nói chuyện với PV, Thúy cho biết: “Trên nhiều trang diễn đàn mạng, hàng trăm người đã phát sốt với trào lưu ghép ảnh cá nhân vào các bộ áo cưới lung linh. Cách ghép ảnh rất đơn giản, chỉ cần lấy ảnh gốc của mình, vào các diễn đàn, lên tiếng nhờ các tay ghép ảnh chuyên nghiệp chỉnh sửa ghép ảnh mình vào ảnh cưới là xong. Đầu tiên em cũng phân vân, sợ bố mẹ có “sốc” khi nhìn thấy ảnh của mình trên mạng, họ hàng ở quê có bàn tán gì không. Tuy nhiên, em cũng muốn thử xem mặc áo cô dâu có đẹp, có hút được “like” hay không”.

Thúy lôi phấn son ra trang điểm, chụp một bức ảnh thật đẹp rồi đăng lên các trang mạng nhờ người chỉnh sửa, ghép giúp. Vậy là chỉ sau vài phút, Thúy đã nhận được hơn chục tấm hình cưới đẹp lộng lẫy.

Không ngần ngại, cô đăng lên trang cá nhân của mình với vẻ thích thú, thách thức đám bạn, xem ai có gan cưới mà không có chú rể bên cạnh như cô. Quả nhiên, bức ảnh đó nhận được rất nhiều lượt like, bình luận. Bạn bè cô gái cũng trầm trồ khen cô dâu xinh đẹp. Có người thì lại trách móc vì Thúy cưới mà không thông báo.

“Bỗng dưng muốn khóc” khi chơi trò cô dâu chú rể trên mạng ảo - Ảnh 1

Nhiều cô gái biến mình thành trò đùa trên mạng xã hội.

Sau hai ngày làm cô dâu trên mạng ảo, Thúy nhận được điện thoại của bố mẹ ở quê yêu cầu về nhà gấp. Về đến nhà, Thúy bất ngờ khi cả gia đình đã có mặt đông đủ. Bố cô không nói không rằng, đem hết quần áo của cô vứt ra ngoài sân. “Bố em nói rằng sinh con, nuôi con ăn học để giờ em báo hiếu với bố mẹ như vậy đây. Làng trên xóm dưới bàn tán em có bầu rồi cưới “chui”, bố mẹ không dám mời họ hàng, chòm xóm”, Thúy kể.

Không những thế, mọi người trong gia đình còn bảo, đi đến đâu ai người ta cũng hỏi, con gái sắp lấy chồng à, thấy đăng ảnh cưới lên mạng xã hội. Đến đây, Thúy giật mình, hóa ra vì trò chơi ghép ảnh cô dâu mà mình bị hiểu lầm.

Thúy chia sẻ: “Đã vậy, bố mẹ em còn tưởng con gái lấy chồng chui. Em đã giải thích rất nhiều lần rằng đó chỉ là một trò chơi nhưng bố mẹ không tin. Nhất quyết bắt mình đưa “chú rể” về nhà làm đám cưới lại. Chứ không, mang tiếng, mất mặt với thiên hạ”.

Mất người yêu vì trò chơi trên mạng ảo

Cũng không kém phần xót xa, Phương Thanh (25 tuổi, Phú Thọ) cũng lâm vào cảnh dở khóc dở dười. Chỉ sau vài giờ đăng ảnh cô dâu, hạnh phúc đang chớm nở của cô gái này đã vỡ vụn. Nói chuyện với PV, Phương Thanh rớt nước mắt: “Thấy nhiều người chia sẻ trò chơi ghép ảnh cô dâu và nhận được sự chú ý nên tôi cũng muốn thử. Nhưng giờ tôi nhận ra, mình đã phạm phải một sai lầm quá lớn. Những bức ảnh của tôi được dân mạng chỉnh sửa, ghép với rất nhiều bộ váy cưới lộng lẫy nhìn y như thật, thậm chí họ còn ghép tôi với những người đàn ông xa lạ khiến người yêu của tôi cho rằng tôi đã có chồng”.

Trước đó, Thanh muốn bạn bè mình được chiêm ngưỡng cùng và xem họ sẽ nhận xét như thế nào khi mình mặc áo cô dâu. Chỉ sau vài giờ đăng tải trên trang cá nhân, Thanh khiến bạn bè phải giật mình vì bức ảnh quá lung linh. Nhìn bức ảnh mình được mặc váy cô dâu, Thanh thấy thật hạnh phúc. Nhưng người yêu cô thì phản ứng dữ dội.

“Lúc đó đã là 11h đêm, anh ấy gọi điện cho tôi nói rằng đang đứng ở cổng. Vừa ra đến nơi, anh tát tôi một cái thật đau và nói rằng tôi lừa dối anh ấy. Anh nói tôi đã có một đời chồng rồi. Thấy tôi chưa hiểu, người yêu tôi lôi “ảnh cưới” của tôi chụp với người đàn ông khác ra...”, Thanh buồn rầu kể.

Thanh đã cố gắng giải thích rằng đó chỉ là trò chơi đang xuất hiện trên mạng xã hội nhưng người yêu một mực không tin. Sau đó, cô gái này đã gỡ ảnh trên trang cá nhân và xin lỗi về trò chơi này nhưng người yêu vẫn không tin. Tình yêu của cô đã tan vỡ vì trò đùa này.

Trước tình trạng nhiều cô gái trẻ vì a dua, ghép ảnh cô dâu đăng lên mạng xã hội, trao đổi với PV, TS tâm lý Bùi Hồng Quân (sở LĐ-TB&XH) cho rằng: “Ngày nay, giới trẻ đang coi mạng xã hội như một “thực đơn” không thể thiếu trong đời sống. Mặc dù nó là mạng ảo nhưng cũng phức tạp, rối ren và dễ dàng khiến nhiều cô gái gánh chịu hậu quả bởi việc làm của mình như chính ngoài đời thực. Mà hơn hết, áo cưới là một trong những trang phục thiêng liêng nhất giúp cô dâu có thể nổi bật và đẹp nhất trong ngày cưới của mình, đó là ngày trọng đại nhất của cuộc đời. Không những thế, nó còn có ý nghĩa to lớn với người con gái nên không thể biến nó thành trò chơi trên mạng xã hội”.

Cũng theo TS. Quân, việc các cô gái ghép ảnh mình mặc váy cưới là điều không nên bởi hiện nay ở nhiều làng quê, các bậc phụ huynh, người lớn tuổi họ không am hiểu nhiều về các trò đùa trên mạng xã hội. Thấy người khác mặc áo cưới thì cứ đinh ninh rằng họ sắp cưới. Người này đồn người kia rồi “tam sao thất bản” sẽ dẫn đến việc các cô gái “mang tiếng” oan.

Mạng xã hội là con dao hai lưỡi

“Những bức ảnh đó có thể sẽ được ai đó lưu lại và ảnh hưởng đến tương lai của chính các bạn đấy. Vì mạng xã hội không phải là nơi các bạn trẻ muốn làm gì thì làm. Sau những bức ảnh sẽ là những mối quan hệ, những tình bạn đổ vỡ, là lòng tin không còn… Mạng ảo không có nghĩa là không có tác dụng, hậu quả thật. Các bạn trẻ hãy tập thói quen suy nghĩ thấu đáo trước khi có bất cứ hành động gì trên mạng xã hội”.

(TS tâm lý Bùi Hồng Quân, sở LĐ-TB&XH)

Theo doisongphapluat.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.