Bóng đá Trung Quốc chịu nhiều áp lực từ thành tích của bóng đá Việt Nam

GD&TĐ - "Liên đoàn Việt Nam đã xây dựng kế hoạch rất tốt để đẩy nhanh sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Điều này gây nên áp lực cho Trung Quốc", tờ báo Trung Quốc nhận định

Tuyển Việt Nam sẽ so tài với Oman và Nhật Bản trong tháng 3 tới.
Tuyển Việt Nam sẽ so tài với Oman và Nhật Bản trong tháng 3 tới.

Sau thất bại mất mặt trước đội tuyển Việt Nam ở Vòng loại cuối cùng World Cup 2022, khu vực châu Á, đội tuyển Trung Quốc đã phải hứng chịu vô số lời chỉ trích từ người hâm mộ giới chuyên môn và truyền thông trong nước.

Tờ Sohu (Trung Quốc) nhận định về thất bại của bóng đá Trung Quốc trong một bài viết mới đây: "Ở thời điểm ban đầu, Hiệp hội bóng đá Trung Quốc ủng hộ việc nhập tịch với hy vọng các cầu thủ này sẽ giúp ĐTQG Trung Quốc đạt thành tích tốt ở vòng loại và dự World Cup 2022. Vì vậy, hàng loạt cầu thủ đã được nhập tịch như Luo Guofu, Alan, Jiang Guangtai, Ai Kesen để tăng cường sức mạnh cho đội bóng.

Đây đều là những cầu thủ chủ lực ở các CLB thuộc giải Vô địch quốc gia Trung Quốc, với thành tích rất đáng nể. Người hâm mộ cho rằng với những cầu thủ này, đội tuyển nước nhà sẽ thi đấu ấn tượng ở vòng loại World Cup.

Nhưng thực tế đã chứng minh rằng tác động của những cầu thủ này đến mục tiêu tham dự World Cup của Trung Quốc là không nhiều. Dù có những cầu thủ nhập tịch, sức mạnh của tuyển Trung Quốc cũng không mạnh lên là mấy. Ngoại trừ Luo Guofu ghi được 1 bàn, dàn sao nhập tịch gần như không để lại bất cứ điều gì ở vòng loại cuối cùng.

Rõ ràng, họ đã thể hiện quá thiếu thuyết phục khiến cổ động viên của tuyển Trung Quốc cảm thấy thất vọng." 

Trong một diễn biến khác, những chiến lược của Việt Nam để hướng tới mục tiêu giành vé dự World Cup 2026 được trang 163.com của Trung Quốc phân tích kỹ lưỡng: "Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã xây dựng kế hoạch rất tốt để đẩy nhanh sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Điều này thậm chí gây nên áp lực cho Trung Quốc.

Những kế hoạch của Liên đoàn bóng đá Việt Nam được tiến hành theo tình hình thực tế của bóng đá Việt Nam. Các kế hoạch đều được xây dựng để hướng tới việc giành vé dự World Cup 2026 (kỳ World Cup có số đội được tăng lên thành 48 đội).

Liên đoàn bóng đá Việt Nam cố gắng nâng cao trình độ của các đội trẻ như U16, U19, U23. Những "măng non" được tạo điều kiện sang châu Âu tập huấn thường xuyên. Ngoài ra, họ còn mời những đội bóng từ Nhật Bản hay Hàn Quốc đến Việt Nam thi đấu.

Giải trẻ trong nước cũng được mở rộng quy mô. Như giải vô địch U19 quốc gia hiện nay có tới gần 30 đội tham dự.

Có thể thấy bóng đá Việt Nam đang đi đúng hướng và gặt hái được những thành quả ấn tượng. Trong khi đó, Trung Quốc lại chịu nhiều áp lực từ những gì Việt Nam đã và đang thực hiện".

Về phía các cổ động viên Trung Quốc, họ mong muốn đội nhà cần học hỏi Việt Nam để vực dậy nền bóng đá. Ý kiến của cổ động viên Trung Quốc được tờ 163.com trích lại như sau: "Trung Quốc không cần học hỏi Đức, Brazil hay Nhật Bản nữa. Chúng ta nên noi gương chính Việt Nam".

Trang TT Plus còn từng mỉa mai rằng đội tuyển Trung Quốc nên ngưng nhập tịch cầu thủ Brazil sau khi đội nhà để thua muối mặt trước Việt Nam mà chuyển sang nhập tịch cầu thủ Việt Nam, Hàn Quốc thì hơn.

Mặc dù vậy, tờ Sohu cho biết Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách nhập tịch trong những năm tới. Tuy nhiên, sẽ dồn trọng tâm và các cầu thủ có gốc gác Trung Quốc đang thi đấu thành công trên khắp thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.