Bóng đá châu Á trỗi dậy ở World Cup 2022?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Không thể mộng mơ về chức vô địch, song có tới 6 đại diện góp mặt ở vòng chung kết World Cup 2022 cùng với những yếu tố “thiên thời, địa lợi”.

Tiền đạo Son Heung-min (7) của đội tuyển Hàn Quốc.
Tiền đạo Son Heung-min (7) của đội tuyển Hàn Quốc.

Dấu hiệu tích cực

Thành tích cao nhất của bóng đá châu Á chính là việc đội tuyển Hàn Quốc giành vé vào bán kết World Cup 2002 ở giải đấu nhiều tranh cãi, sự cố trên sân nhà. Nhật Bản năm đó cũng góp mặt ở vòng 1/8, khi họ là đồng chủ nhà cùng Hàn Quốc. Những lần bóng đá châu Á vượt qua vòng bảng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Saudi Arabia làm nên lịch sử khi lọt vào vòng 1/8 World Cup 1994 trong lần đầu tiên tham dự. Nhật Bản, Hàn Quốc trong giai đoạn mạnh nhất của mình cũng vào đến vòng 1/8 World Cup 2010, nhưng đều thất bại trước Paraguay, Uruguay.

Ở World Cup 2014, các đội bóng đại diện châu Á đều bị loại ở vòng bảng. Đến World Cup 2018, Nhật Bản là đội duy nhất lọt vào vòng đấu loại trực tiếp nhưng thua Bỉ 2-3 ở vòng 1/8 sau khi đã dẫn trước 2 bàn. Tuy không thể làm nên cơn địa chấn, nhưng với lối đá thông minh cùng tinh thần chiến đấu ngoan cường, người Nhật đã để lại ấn tượng rất mạnh. Kết quả đó còn ý nghĩa hơn khi các đại diện còn lại của châu Á gồm Hàn Quốc, Saudi Arabia, Australia và Iran đều gây thất vọng.

Sau 2 thập niên, World Cup trở lại châu Á với rất nhiều sự kỳ vọng. Saudi Arabia, Nhật Bản, Iran và Hàn Quốc dự World Cup 2022 thông qua việc giành 4 tấm vé chính thức ở vòng loại. Qatar được tham gia World Cup nhờ tư cách đội chủ nhà. Bên cạnh đó, chiến thắng của Australia trước Peru ở trận play-off giúp bóng đá châu Á có đại diện thứ 6 dự ngày hội ở Qatar vào cuối năm. Chỉ châu Âu, với 13 đại diện, là khu vực có nhiều đội tuyển tham dự World Cup 2022 hơn châu Á.

Tại Qatar vào cuối năm, Nhật Bản được kỳ vọng tiếp tục gây khó khăn cho các đối thủ. Tuy nhiên, việc họ rơi vào bảng đấu có cả Đức lẫn Tây Ban Nha khiến mọi thứ trở nên khó khăn. Costa Rica, đối thủ còn lại ở bảng đấu, cũng không phải đội bóng dễ chơi. Hàn Quốc, nền bóng đá hàng đầu châu lục khác, cũng rơi vào bảng đấu khác có thể được coi như “tử thần” ở World Cup 2022. Để giành một trong hai tấm vé vào vòng 16 đội, Son Heung-min cùng các đồng đội phải chạm trán Ghana, Bồ Đào Nha và Uruguay.

Tiền đạo Mehdi Taremi (9) của đội tuyển Iran.

Tiền đạo Mehdi Taremi (9) của đội tuyển Iran.

Saudi Arabia xếp trên Nhật Bản ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 châu Á, nhưng gần đây họ thua Colombia và Venezuela trong những trận giao hữu, cả hai đội bóng này đều không vượt qua vòng loại Nam Mỹ. Thế nên, việc rơi vào bảng đấu có Mexico, Argentina và Ba Lan, những đội bóng đang sở hữu các siêu tiền đạo hàng đầu thế giới khiến cho tham vọng vượt qua vòng bảng của huấn luyện viên Herve Renard và các học trò khó khăn hơn rất nhiều.

Đội tuyển số một châu Á - Iran cùng bảng B với Anh và Mỹ, vốn rất giàu kinh nghiệm ở sân chơi World Cup. Đối thủ còn lại ở bảng đấu là xứ Wales cũng ở đẳng cao so với châu Á. Australia nằm ở bảng D, nơi có sự hiện diện của Pháp, Đan Mạch và Tunisia. Trong khi đó, Qatar trong vai trò chủ nhà dễ thở hơn ở bảng A. Ngoài Hà Lan ở trình độ cao thì nếu tính toán kỹ, Qatar hoàn toàn có thể nghĩ kết quả khả quan khi đối đầu Senegal và Ecuador.

Trong loạt trận giao hữu vào tháng 9 vừa qua, hầu hết các đại diện châu Á sẽ góp mặt tại World Cup 2022 đều thi đấu tốt. Trên sân nhà, Hàn Quốc cầm hòa Costa Rica 2 - 2. Nên nhớ đội bóng vùng Bắc Trung Mỹ - Caribbean này từng lọt vào tứ kết World Cup 2014. Saudi Arabia hòa trước đại diện có vé dự World Cup là Ecuador, trong khi Nhật Bản đánh bại Mỹ 2 - 0 và đặc biệt Iran quật ngã Uruguay bằng pha lập công duy nhất của Taremi. Chỉ có Qatar lạc lõng khi để thua Canada 0 - 2.

Theo các chuyên gia, các đội tuyển châu Á sẽ có nhiều lợi thế hơn những đại diện của châu Âu và Nam Mỹ xét về khía cạnh thể lực. Nhật Bản, Hàn Quốc hay Iran, và cả Australia có nhiều cầu thủ đang chơi bóng ở châu Âu. Nhưng số cầu thủ không thể thay thế như Son Heung Min (Tottenham) hay Taremi (Porto) rất hiếm. Vì thế, nhiều đội tuyển châu Á sẽ đón lực lượng cầu thủ từ châu Âu trong trạng thái sung sức nhất và sẽ vào sân không còn tâm lý e ngại… chấn thương.

Truyền thống của các nền bóng đá Đông Á là giải vô địch quốc gia kết thúc trong tháng 11. J-League (Nhật Bản) sẽ kết thúc vào ngày 5/11, còn K-League (Hàn Quốc) thậm chí sớm hơn một tuần. Các cầu thủ Nhật và Hàn chơi ở giải trong nước vì vậy có đến hơn nửa tháng để nghỉ ngơi và hội quân cùng đội tuyển trước thềm World Cup. Trong khi đó, những cầu thủ của các châu lục khác như châu Âu, Nam Mỹ chỉ có 1 tuần hội quân và thi đấu.

Chưa hết, VCK Asian Cup thường diễn ra vào đầu tháng 1, kỳ World Cup năm nay diễn ra với khoảng thời gian gần tương tự (từ cuối tháng 11 đến tháng 12). Có thể nói, các đại diện Đông Á sẽ ít bỡ ngỡ hơn những đội tuyển đến từ châu Âu, Nam Mỹ và Bắc Trung Mỹ – Caribbean. Đặc biệt, sau World Cup 2022 với phần đông cầu thủ châu Á là kỳ nghỉ dài trước khi bước vào mùa giải mới. Còn với châu Âu, sau World Cup 2022 là cuộc chiến khốc liệt ở các giải vô địch quốc gia, Champions League.

Đội tuyển Qatar.

Đội tuyển Qatar.

Khát vọng Qatar

Hàn Quốc hay Nhật Bản đang là thế lực hàng đầu của bóng đá châu Á, song Qatar mới là đội bóng của châu lục nhiều khả năng tiến xa nhất tại kỳ World Cup 2022. Là quốc gia ít dân, Qatar triển khai chính sách “nhập khẩu” tài năng thể thao để rút ngắn những khoảng cách rất lớn với thế giới. Bóng đá của Qatar cũng không phải là ngoại lệ. Học viện Aspire được khánh thành vào năm 2004, được đánh giá là học viện hiện đại nhất thế giới, gánh vác trọng trách tìm kiếm, đào tạo nên những cầu thủ xuất sắc nhất cho Qatar.

Ngay từ năm 2007, những bé trai 12 tuổi tại Qatar chỉ cần có tiềm năng chơi bóng đều được Học viện Aspire thu nhận và chu cấp tối đa. Ngoài ra, từ năm 2005, người của Aspire tỏa đi khắp thế giới tìm kiếm tài năng với chương trình “giấc mơ bóng đá Aspire”. Những mầm non sáng giá nhất sẽ được nhận học bổng và định hướng nhập tịch Qatar. Học viện Aspire từng cho biết, họ đã tìm kiếm tài năng ở nhiều quốc gia khắp các châu lục và sàng lọc tài năng từ 2 triệu cầu thủ trẻ.

Trong hơn một thập kỷ kể từ khi Qatar giành được quyền đăng cai giải đấu vào tháng 12/2010, quốc gia nhỏ bé ở Vùng vịnh với dân số dưới 3 triệu người đã đầu tư đáng kể cho sự kiện. Kinh phí để chi trả cho việc phát triển lực lượng cầu thủ, huấn luyện viên và cơ sở hạ tầng được Liên đoàn Bóng đá Qatar chú trọng đầu tư. Thành quả là đội tuyển quốc gia Qatar tăng từ vị trí thứ 112 lên vị trí thứ 51 trên bảng xếp hạng FIFA.

Đặc biệt, chương trình mang tầm quốc gia của bóng đá Qatar được xây dựng trên nền tảng của lò đào tạo danh tiếng La Masia của Barcelona. Trong đó, huấn luyện viên trưởng hiện nay của đội tuyển quốc gia Qatar, ông Felix Sanchez từng nhiều năm làm việc ở La Masia. Vậy nên, ông Felix Sanchez sau gần 20 năm làm việc với bóng đá Qatar đã lần lượt kinh qua vị trí huấn luyện viên các đội tuyển U16, 19 và giờ là đội tuyển quốc gia. Điều đó giúp chiến lược gia này nắm rõ đội bóng của mình nhất ở World Cup 2022. Sự thấu hiểu và mối liên kết giữa ông Sanchez với dàn sao Qatar được kỳ vọng tạo ra sự khác biệt.

Trước khi các trận đấu tại World Cup 2022 diễn ra, đội tuyển Qatar vẫn tham dự vòng loại World Cup (không tính điểm với tư cách đội chủ nhà), ngoài ra đội này còn tích lũy kinh nghiệm ở Copa America 2019, tranh tài tại Gold Cup CONCACAF năm 2021 và lọt vào đến bán kết. Chỉ trong 3 năm trở lại đây, Qatar đã tham gia 4/6 giải đấu các châu lục trong hệ thống của FIFA, thi đấu tổng cộng 22 trận trong năm 2021. Ấn tượng hơn cả là Qatar đã giành chức vô địch ASIAN cup 2019, đánh bại Nhật Bản 3-1 trong trận chung kết.

Với việc được chơi trên sân nhà, ở kỳ World Cup vốn chịu nhiều tai tiếng trong cuộc đua đăng cai, chắc chắn Qatar sẽ quyết tâm tạo ra những bất ngờ. Huấn luyện viên Felix Sanchez đang sở hữu trong đội hình những cái tên chất lượng như nhạc trưởng Akram Afif và đặc biệt là tiền đạo Almoez Ali - người đang nắm giữ kỷ lục vua phá lưới ghi nhiều bàn nhất tại Asian Cup với 9 bàn thắng. Ngoài ra, ở hàng phòng ngự, thủ thành Saad Al Sheeb - chủ nhân của giải thưởng Thủ môn hay nhất Asian Cup 2019 cũng là ngôi sao được mong đợi sẽ tỏa sáng tại World Cup 2022.

Phải sau 20 năm, châu Á mới lại tổ chức một kỳ World Cup. Chưa bao giờ người hâm mộ châu lục kỳ vọng các đội tuyển của họ có thể gây bất ngờ như giải đấu năm nay.

Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), ông Sheikh Salman bin Ibrahim Al Khalifa phát biểu: “Đây thực sự là thời điểm bóng đá châu Á gây tiếng vang. Không có lời khẳng định nào lớn hơn việc 6 đội tuyển của châu lục, lần đầu tiên trong lịch sử, giành quyền dự World Cup 2022. Người đứng đầu AFC tin World Cup 2022 sẽ chứng kiến sự cải thiện về mặt thành tích của bóng đá châu Á so với giải đấu năm 2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ