Bóng bay bơm khí hydro - 'sát thủ' nấp sau trái bóng nhỏ

GD&TĐ - Khi gặp nhiệt độ cao, như ngoài trời nắng nóng, bóng đèn nóng trong nhà hay người hút thuốc lá… bóng bay hydro dễ phát nổ.

Đến nay, Việt Nam vẫn chưa ban hành lệnh cấm bơm hydro vào bóng bay. (Ảnh minh họa)
Đến nay, Việt Nam vẫn chưa ban hành lệnh cấm bơm hydro vào bóng bay. (Ảnh minh họa)

Bóng bay hydro nổ có thể gây bỏng và tổn thương đụng dập mô mềm, mảnh bóng bay thậm chí có thể xuyên qua cổ họng, làm mù mắt.

Nhiều trường hợp thương tích

Sáng 5/9, trong lễ khai giảng tại Trường Tiểu học xã Yên Phú, huyện Yên Định (Thanh Hóa), chùm bóng bay bất ngờ phát nổ khiến 10 học sinh bị bỏng, chủ yếu ở phần cánh tay và mặt.

Nhà trường có treo 2 chùm bóng bay ở hai bên cánh gà sân khấu để trang trí. Khoảng 8h45 khi kết thúc lễ khai giảng, nhiều học sinh chạy lên khu vực sân khấu để lấy bóng. Lúc này, một phụ huynh hút thuốc lá đi ngang qua vô tình chạm phải chùm bóng, gây nổ, khiến học sinh xung quanh bị bỏng.

Trước đó, nhiều vụ tai nạn tương tự đã xảy ra. Nguyên nhân gây bỏng là những chùm bóng bay bơm khí hydro đầy màu sắc phát nổ.

Không ít nạn nhân được đưa vào viện trong tình trạng hốt hoảng, sợ hãi, bỏng ở mặt, cổ, tay, khuôn mặt trợt đỏ, tóc và lông mi bị cháy... Thậm chí, có vụ việc bóng bay trong ô tô phát nổ khiến gương kính của chiếc xe vỡ vụn.

Tại Hà Nội đã từng xảy ra vụ nổ chùm bóng bay trang trí trong tiệc sinh nhật khiến nhiều người bị bỏng. Sự việc xảy ra khi gia đình tổ chức sinh nhật cho người bà 70 tuổi. Gia đình đã mua chùm bóng kép 20 quả lớn và 20 quả nhỏ lồng trong nhau để trang trí.

Sau bữa tiệc sinh nhật, mọi người gom bóng lại để mang về cho trẻ em chơi. Khi một vài người đang gỡ chùm bóng ra khỏi túi thì bóng bay phát nổ, cháy trùm lên mặt và tay.

Có trường hợp tai nạn nổ bóng xảy ra khi người dùng đưa chùm bóng từ sảnh chính vào một phòng nhỏ không có cửa sổ, nóng hơn phòng ở ngoài. Chùm bóng phát nổ khi vừa được đưa qua cửa, khiến người cầm bóng bị cháy xém tóc, mặt và tay.

Khí hydro dễ cháy, nổ

Các bác sĩ khuyến cáo, nếu bị bỏng do khí hydro, cần làm mát bằng nước sạch trong thời gian từ 15 - 20 phút để giúp giảm đau và giảm thương tổn ở vị trí bỏng. Tuyệt đối không dùng kem đánh răng, mỡ trăn… bôi lên vết bỏng. Sau đó, cuốn một lớp gạc y tế mỏng nhẹ nhàng che phủ vết bỏng (không được băng chặt) để tránh nhiễm trùng. Đồng thời, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được các bác sĩ thăm khám và điều trị đúng cách.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết, nguyên nhân gây nổ nằm ở khí hydro hay heli trong bóng bay.

“Bóng bay có thể bay lên khi bơm khí hydro hoặc heli vào trong khiến bóng nhẹ hơn không khí bên ngoài.

Hydro là chất khí nhẹ hơn không khí 15 lần, không màu, không mùi, trong suốt, dễ cháy và nổ ngay cả ở điều kiện nhiệt độ và áp suất bình thường.

Heli là khí trơ nhẹ hơn không khí 8 lần, không màu, không mùi, không cháy ở nhiệt độ và áp suất bình thường”, bác sĩ Phúc giải thích.

Do khả năng cháy nổ lớn, nên hydro còn được sử dụng làm bom nhiệt hạch, sức công phá mạnh gấp 1.000 lần bom nguyên tử.

Vì vậy, những quốc gia phát triển đã cấm bơm khí hydro vào bóng bay. Thay vào đó, chỉ được phép bơm khí heli vì khí này không gây cháy nổ như vậy.

Bác sĩ Phúc cho biết, đến nay Việt Nam vẫn chưa ban hành lệnh cấm bơm hydro vào bóng bay. Trong khi đó, giá hydro chỉ bằng 1/4 heli. Do đó, có thể một số người bán vẫn bơm hydro vào quả bóng.

Khi phát nổ, quả bóng bay chứa hydro có thể biến thành quả cầu lửa gây bỏng. Áp lực tạo ra từ tiếng nổ có sức công phá rất lớn.

Ngoài gây bỏng và tổn thương đụng dập mô mềm, mảnh bóng bay thậm chí có thể xuyên qua cổ họng, làm mù mắt.

Giải thích nguyên nhân, bác sĩ Phúc cho biết, khi gặp nhiệt độ cao, như ngoài trời nắng nóng, bóng đèn nóng, trong nhà nhiệt độ cao, hay người hút thuốc lá tàn thuốc bay, bóng bay hydro dễ phát nổ. Nguyên nhân khác là đùa nghịch với bóng bay hydro.

Thông thường, mọi người thường nghịch và bóp quả bóng bay. Người lớn cũng hay dùng bóng bay để trêu đùa trẻ em. Ví dụ, một số người dùng bóng đập lên đầu, mặt trẻ vì nghĩ không sao. Tuy nhiên, bóng bay chứa hydro với áp suất tăng đột ngột cũng dễ gây cháy nổ.

Một nguyên nhân khác là khi bóng bay hydro gặp phải các vật chứa hydrocarbon thơm, nguy cơ cháy nổ cũng sẽ xảy ra.

Trong vỏ cam, quýt hay chanh có chứa hydrocarbon thơm. Chất hydrocarbon thơm hòa tan rất tốt cao su, trong khi bóng bay được làm từ cao su.

Do đó, khi nước cam ép hay nước chanh bắn vào quả bóng, chúng sẽ phát nổ. Từ đó, tạo ra một phản lực và đám cháy vô cùng nguy hiểm.

Song, bằng mắt thường, không có cách nào phân biệt được bóng bay hydro hay bóng bay heli.

Bác sĩ Phúc cho rằng, cần ban hành lệnh cấm bóng bay ở những nơi đông người. Ví dụ, cần cấm mang bóng bay trên phương tiện giao thông công cộng, cấm dùng trong những bữa tiệc đông người. Trường hợp mua bóng bay để trang trí, bắt buộc phải hỏi người bán, đảm bảo bóng bay được bơm khí heli.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ