"Bom lượn tầm xa Gaurav cải tiến thuộc phiên bản mới dành cho máy bay chiến đấu Su-30MKI đã được thử nghiệm lần đầu tiên", Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) cho biết và thông báo bài kiểm tra đã thành công.
Cụ thể vào ngày 13/8, máy bay chiến đấu đa năng Su-30MKI của Không quân Ấn Độ đã ném một quả bom Gaurav ở ngoài khơi bờ biển bang Odisha.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết: "Trong quá trình bay thử nghiệm, một quả bom hàng không được cải tiến đã đánh trúng mục tiêu trên đảo Long Wheeler".
Theo thông báo, loại đạn này được dẫn đường tới mục tiêu bằng cách sử dụng "sơ đồ dẫn đường kết hợp giữa INS (hệ thống dẫn đường quán tính) và dữ liệu định vị vệ tinh GPS".
Loại bom phóng từ trên không nặng 1.000 kg này có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách lớn. Gaurav được cho là có thể đánh trúng mục tiêu từ cự ly 80 - 100 km nhờ đôi cánh giúp nó lượn đi rất xa.
Loại vũ khí nói trên sẽ giúp Không quân Ấn Độ có thêm khả năng đánh bại đối thủ khi được tích hợp vào tiêm kích Su-30MKI - sản phẩm được Tập đoàn Sukhoi của Nga phát triển theo yêu cầu của quốc gia Nam Á.
Máy bay chiến đấu này tích hợp các hệ thống điện tử hàng không của Ấn Độ, cũng như một vài hệ thống con của Pháp và Israel, đi kèm với "phần cứng" chủ đạo do Nga chế tạo.
Việc sản xuất dòng tiêm kích đa chức năng đã được nội địa hóa ở Ấn Độ, tại các cơ sở của Hindustan Aeronautics Limited (HAL) theo giấy phép được Nga cung cấp.
Phi đội Su-30MKI đang và có thể sẽ vẫn là xương sống của Không quân Ấn Độ trong nhiều thập kỷ tới. Tính đến năm 2023, New Delhi có hơn 260 phương tiện này và đang tiếp tục đặt mua mới.