Những khóa học từ nguồn xã hội hóa
Cô Lâm Hương Giang (Trường THCS Trưng Vương, quận Hải Châu) là một trong số những học viên tham gia khóa tập huấn dạy học theo dự án cho giáo viên Anh văn bậc THCS, do Phòng GD&ĐT Hải Châu tổ chức. Đây là khóa tập huấn được mở vào mùa hè năm 2018 sau khi khảo sát nhu cầu thực tế của giáo viên dạy Anh văn bậc THCS.
“Thời điểm đó, dạy - học theo dự án là một vấn đề mới, nếu không tổ chức bồi dưỡng thì giáo viên sẽ rất lúng túng khi dạy học chương trình tiếng Anh mới, thậm chí là sẽ bỏ luôn một nội dung quan trọng trong sách giáo khoa” – cô Giang nhớ lại. Các trường học có giáo viên tham gia lớp tập huấn hỗ trợ 50% học phí, số còn lại, giáo viên chi trả.
Cô Hương Giang cho biết thêm, những gì thu nhận được từ khóa tập huấn phương pháp dạy - học theo dự án, với cô, vẫn còn rất hữu ích khi thực hiện đổi mới chương trình - SGK. Như với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chương trình tiếng Anh lớp 6, cô Giang yêu cầu học sinh làm một số sản phẩm học tập như làm bộ thẻ nhớ flashcard, làm phim đơn giản…
Những dự án học tập này giúp các em tổng hợp, vận dụng các kiến thức đã học, phát huy tối đa năng lực của học sinh. Cũng từ lớp tập huấn này, nhiều giáo viên đã chủ động tìm đến các khóa học trao đổi về phương pháp dạy học tích cực, dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh… để trau dồi thêm chuyên môn.
Cán bộ quản lý và giáo viên ở Đà Nẵng tham gia khóa đào tạo về Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở bậc phổ thông. |
Ngoài khóa tập huấn dành cho giáo viên Anh văn, để phục vụ cho đổi mới chương trình – SGK, Phòng GD&ĐT Hải Châu còn mở thêm chuyên đề bồi dưỡng cho giáo viên Tin học và cán bộ quản lý phụ trách sáng tạo khoa học kỹ thuật về tổ chức hoạt động sáng tạo, khơi gợi ý tưởng cho học sinh và khóa tập huấn công tác trọng tài cho giáo viên thể dục. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% học phí các khóa học cho giáo viên, số còn lại sẽ theo hình thức xã hội hóa.
Trước khi bước vào khai giảng năm học 2021 – 2022, Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu) đã tổ chức bồi dưỡng thêm cho giáo viên về phương pháp dạy học tích cực, phát huy tính sáng tạo của học sinh theo hình thức xã hội hóa. Giảng viên đứng lớp được mời từ Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội.
Thầy Hồ Ngọc Hưng – Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương - cho biết: Với 6 buổi tập huấn, thảo luận về các phương pháp dạy học tích cực, giáo viên nhà trường còn được giảng viên “chuyển giao” công nghệ dạy học trực tuyến. Ngoài giới thiệu các phần mềm dạy - học trực tuyến, giảng viên còn phân tích thế mạnh của từng phần mềm cùng cách khai thác, sử dụng sao cho hiệu quả, phát huy được sự tích cực, chủ động của học sinh.
Nhờ vậy, dù hình thức dạy học trực tuyến kéo dài hơn một học kỳ, nhưng giáo viên đứng lớp khối 6 Chương trình GDPT 2018 của Trường THCS Trưng Vương vẫn có thể triển khai dạy học theo hướng hình thành - phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.
Chủ trương xã hội hóa trong tổ chức bồi dưỡng theo chuyên đề dựa trên nhu cầu của giáo viên, trong đó người học phải chi trả học phí đối với những khóa tập huấn không nằm trong các dự án đã được Sở GD&ĐT Đà Nẵng triển khai từ khoảng vài năm nay. Thầy Hưng nhận xét: “Những khóa tập huấn như thế, giáo viên tranh thủ trao đổi, thảo luận với giảng viên, báo cáo viên, tham gia đầy đủ cho đến buổi học cuối cùng chứ không phải chỉ có mặt để điểm danh”.
Một cán bộ quản lý của Phòng GD&ĐT Hải Châu cho biết, với việc đồng chi trả học phí, giáo viên sẽ cân nhắc trong việc lựa chọn đăng ký những chuyên đề thiết thực với nhu cầu nâng cao trình độ nghiệp vụ của bản thân nên ý thức tham gia khóa học cũng sẽ khác.
Giáo viên Trường THCS Trưng Vương tham gia tập huấn về phương pháp dạy học tích cực theo hình thức trực tuyến. |
Tiếp lửa cho giáo viên đổi mới
“Phần mềm thì tự giáo viên có thể tìm hiểu để khai thác. Thế nhưng, việc phối hợp các phương pháp, cách tổ chức hoạt động ở lớp, cách tương tác với học sinh để các em dù không gặp trực tiếp cô giáo và bạn bè nhưng vẫn thấy vui trong một không gian học tập khác hoàn toàn thì chúng tôi học được từ giảng viên của khóa học. Trong vai người học, giáo viên hiểu được những mong muốn cũng như tâm lý tiếp thu của học sinh để có những điều chỉnh phù hợp trong dạy học, để học là chính nhưng không khí vui vẻ cũng không hề phụ”, cô Giang chia sẻ
Buổi học chính thức bắt đầu bằng việc kiểm tra việc chuẩn bị bài ở nhà. Nhưng phần này, cô Giang tổ chức dưới hình thức trò chơi trên Quizizz, Nearpod. Ứng dụng Padlet được cô giáo sử dụng để học sinh gửi bài tập. Sau mỗi tiết học, học sinh sẽ làm bài thông qua các phần mềm như MS Form, Socrative… để kiểm tra mức độ hiểu bài…
Một số phần mềm ứng dụng dạy học trực tuyến, cô Lâm Hương Giang được giảng viên giới thiệu từ khóa tập huấn trong đợt hè 2021.
Quá nửa thời gian của năm học 2021 - 2022, học sinh Đà Nẵng phải học trực tuyến do yêu cầu phòng, chống dịch. Cô Lâm Hương Giang sử dụng khoảng gần mười ứng dụng phần mềm trong giờ dạy trực tuyến của mình. Đầu giờ học, cô giáo cho học sinh xem những video vui nhộn, phù hợp với chủ đề bài học, vừa tạo không khí vui vẻ, các em vừa luyện nghe. Giáo viên điểm danh với sự hỗ trợ của các phần mềm Mentimeter và MS Form trong khi chờ lớp đông đủ, kết hợp thu thập những phần bài học mà các em chưa nắm rõ.
Các nhóm học sinh trình bày kết quả dự án học tập được cô Lâm Hương Giang giao nhiệm vụ. |
Các thầy, cô giáo Trường THCS Trưng Vương thừa nhận rằng, sau khóa tập huấn về phương pháp dạy học tích cực, tự bản thân mỗi giáo viên đều có thêm động lực để làm mới tiết dạy của mình. “Qua làm việc nhóm giữa những giáo viên khác tổ chuyên môn, họ mới vỡ ra rằng, à, ngay trong trường của mình, đã có nhiều đồng nghiệp vẫn ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy, cũng áp dụng nhiều phương pháp dạy học mới mẻ, hiện đại. Giáo viên có thể trao đổi về những tình huống dạy học thực tế với những đồng nghiệp bên cạnh mình mà không phải tìm kiếm trên mạng lưới khắp cả nước”, thầy Hồ Ngọc Hưng nhận xét.
Sở GD&ĐT Đà Nẵng vừa phối hợp với Viện Nghiên cứu & Đào tạo Việt – Anh (VNUK - ĐH Đà Nẵng) tổ chức khóa tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên của các trường THCS, THPT - những người có nhiệm vụ giảng dạy hoặc quản lý các câu lạc bộ khoa học, sáng tạo, khởi nghiệp về giảng dạy khởi nghiệp ở trường phổ thông. Với xu hướng khởi nghiệp tinh gọn, giáo viên được các chuyên gia chia sẻ về quan điểm, mô hình thực tiễn trong đào tạo và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong trường phổ thông.
“Học viên được trang bị kiến thức về tư duy thiết kế (Design thinking) cùng với các kỹ thuật giảng dạy có thể áp dụng sau này, gồm có: Thấu cảm – xác định vấn đề - phát triển ý tưởng – thực hiện mẫu thử - kiểm tra thị trường. Giáo viên cũng được định hướng để phát triển năng lực trong việc kết nối với cộng đồng địa phương với doanh nhân và các thành phần khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đà Nẵng.
Cán bộ quản lý vì vậy sẽ có thêm những kiến thức và kinh nghiệm trong việc thiết kế và lồng ghép khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo vào khung chương trình giảng dạy. Đồng thời, có thể tư vấn, ươm tạo cho các ý tưởng kinh doanh và kích thích tư duy sáng tạo cho một thế hệ học sinh mới năng động hơn, sáng tạo hơn” – TS Nguyễn Thị Mỹ Hương, Viện trưởng VNUK, cho biết.
Ông Mai Tấn Linh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng - cho biết: “Ngoài những kiến thức về khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo, một vấn đề được cho là khá mới mẻ ở bậc phổ thông thì giáo viên tham gia khóa tập huấn còn có cơ hội nâng cao năng lực chuyên môn, được trang bị các phương pháp về khả năng làm việc nhóm, phát hiện vấn đề, giải quyết vấn đề…
Những kiến thức, kỹ năng và tư duy khởi nghiệp được trang bị từ khóa học cũng góp phần thúc đẩy việc đưa STEM – B (STEM – khởi nghiệp) vào giảng dạy trong trường phổ thông, từ đó hình thành cho học sinh khả năng vận dụng các kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày cũng như tư duy thương mại hóa những ứng dụng, sản phẩm của STEM. Đây là nền tảng để thực hiện công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh khi Chương trình – SGK mới được triển khai có chiều sâu”.
Bên cạnh những khóa tập huấn, bồi dưỡng theo hình thức xã hội hóa, có những chuyên đề, Sở GD&ĐT và các trường học tự cân đối kinh phí, chủ động kết nối với các bên liên quan để tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên và cán bộ quản lý. Đơn cử như ngành GD-ĐT Đà Nẵng đã phối hợp với Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng tổ chức tập huấn cho giáo viên về những biện pháp ứng xử, gỡ rối cho những rối nhiễu tâm lý trong học sinh. Hoặc các buổi nói chuyện chuyên đề về tạo cảm xúc tích cực cho giáo viên. Đây cũng là một cách giúp tránh được những xung đột giữa giáo viên và học sinh trong trường học.