Người học đồng chi trả
Phòng GD&ĐT Hải Châu (Đà Nẵng) vừa triển khai lớp tập huấn dạy học theo dự án cho GV Anh văn bậc THCS trong toàn quận. Trước đó, Phòng cũng đã tổ chức tập huấn cho GV Tin học và cán bộ quản lý phụ trách sáng tạo khoa học kỹ thuật về tổ chức hoạt động sáng tạo, khơi gợi ý tưởng cho HS và khóa tập huấn công tác trọng tài cho GV thể dục.
Bà Trần Thị Thúy Hà - Trưởng phòng GD&ĐT Hải Châu cho biết: “Ngoài tổ chức tập huấn triển khai chương trình - SGK mới theo chủ trương chung của Sở GD&ĐT, về phía Phòng GD&ĐT, căn cứ vào nhu cầu thực tế của quận, sẽ triển khai những chuyên đề phục vụ cho đổi mới chương trình - SGK theo hướng vấn đề gì cấp bách nhất thì làm trước. Phòng GD&ĐT cũng hỗ trợ 50% học phí các khóa học cho GV, số còn lại sẽ theo hình thức xã hội hóa”.
Chủ trương xã hội hóa trong tổ chức bồi dưỡng theo chuyên đề dựa trên nhu cầu của GV, trong đó người học phải chi trả học phí đối với những khóa tập huấn không nằm trong các dự án đã được Sở GD&ĐT Đà Nẵng triển khai từ khoảng 3 năm nay. Đánh giá về những thay đổi trong hình thức tổ chức, bà Trần Thị Thúy Hà cho rằng, với việc tự chi trả học phí, GV sẽ cân nhắc trong việc lựa chọn đăng ký những chuyên đề thiết thực với nhu cầu nâng cao trình độ nghiệp vụ của bản thân nên ý thức tham gia khóa học cũng sẽ khác.
Có cùng nhận xét như trên, bà Trần Thị Kim Vân - Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Thất Tùng cho biết, việc GV chủ động và tự quyết trong lựa chọn chuyên đề bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả của khóa bồi dưỡng, tập huấn hơn là hình thức bắt buộc. Những khóa tập huấn như thế, GV tranh thủ trao đổi, thảo luận với giảng viên, báo cáo viên, tham gia đầy đủ cho đến buổi học cuối cùng chứ không phải chỉ có mặt để điểm danh.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng - cho biết, ngoài chủ trương xã hội hóa theo hình thức người học chi trả học phí, có những chuyên đề, ngành GD-ĐT tự cân đối kinh phí, chủ động kết nối với các bên liên quan để tổ chức bồi dưỡng cho GV và CBQL. Đơn cử như ngành GD-ĐT Đà Nẵng đã phối hợp với Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng tổ chức tập huấn cho giáo viên về những biện pháp ứng xử, gỡ rối cho những rối nhiễu tâm lý trong học sinh. Đây cũng là một cách giúp tránh được những xung đột giữa giáo viên và học sinh trong trường học.
Tập huấn trực tiếp chương trình - SGK mới
Bên cạnh tổ chức các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, bồi dưỡng các chuyên đề tự chọn như những năm trước, kế hoạch trọng tâm hè năm 2018 của ngành GD-ĐT Đà Nẵng là tập trung bồi dưỡng chương trình - SGK mới. Do HS Đà Nẵng được nghỉ hè trọn vẹn 3 tháng, đến 1/9 mới tựu trường để chuẩn bị cho ngày khai giảng 5/9 nên dự kiến khoảng sau 20/8 Đà Nẵng mới triển khai bồi dưỡng chương trình - SGK mới.
Trước đó, ngay trong tháng 5/2018, khi năm học sắp kết thúc, Sở đã gửi chương trình khung về các đơn vị trường học theo khối lớp, theo bộ môn để giáo viên tiếp cận, nghiên cứu. Ông Nguyễn Đình Vĩnh cho biết: “Quan điểm của Sở là dù GV chủ yếu dạy lớp Một thì cũng phải nắm được chương trình của toàn bậc học; với các GV ở bậc THCS, THPT, Sở cũng đã xâu chuỗi lại chương trình khung của từng môn theo từng cấp học. Mục đích là GV dẫu chỉ dạy một lớp nhưng phải biết được tổng thể của chương trình - SGK mới, giúp giáo viên thấy được sự xâu chuỗi, liên kết của chương trình. Điều này Sở rút ra được từ “lỗ hổng” của những lần tập huấn thay sách trước đó”.
Trong tập huấn chương trình - SGK mới, ngành GD-ĐT Đà Nẵng đã có kế hoạch mời Tổng chủ biên và các chủ biên trao đổi với giáo viên về chương trình - SGK mới về tổng thể chương trình cũng như các phân môn cụ thể. Chủ trương của Sở GD&ĐT Đà Nẵng là sẽ hạn chế tối đa hình thức tập huấn gián tiếp, như cách trước đây thường hay làm là cử cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán đi tập huấn rồi về tập huấn lại cho giáo viên.