Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho hoạt động này còn khó khăn, cần được quan tâm tháo gỡ, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, chất lượng giáo dục mũi nhọn nói riêng.
Trăn trở từ đội ngũ
Bồi dưỡng học sinh giỏi là hoạt động chuyên môn luôn được các nhà trường quan tâm triển khai; bởi đây là trách nhiệm, vừa là danh dự, uy tín và thương hiệu của mỗi trường. Tuy nhiên, thầy Lê Văn Hòa - Giám đốc Trung tâm GDTX - Tin học, Ngoại ngữ tỉnh Quảng Trị bày tỏ băn khoăn khi hiện không có quy định cụ thể nào về chế độ, chính sách dành cho giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi trong trường phổ thông không chuyên.
Thầy Lê Văn Hòa cho biết, Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT ngày 9/6/2017 quy định: Giáo viên được huy động tham gia công tác hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ do phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT tổ chức thì 1 tiết hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn thực tế được tính bằng 1,5 tiết định mức. Như vậy, giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi có được quy đổi tiết dạy hay không là do sự vận dụng của hiệu trưởng nhà trường.
Xét về quản lý Nhà nước, mỗi trường THPT được giao biên chế giáo viên vừa đủ để thực hiện dạy chương trình chính khóa với định mức 17 tiết/tuần. Như vậy, nếu hiệu trưởng phân công giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi thì lấy đâu ra kinh phí để thanh toán chế độ. Cần nói thêm rằng, dạy bồi dưỡng học sinh giỏi là công việc rất vất vả, đòi hỏi tư duy cao, nghiên cứu sâu và không phải giáo viên nào cũng dạy được.
Một số cách làm của hiệu trưởng trường phổ thông được thầy Lê Văn Hòa chia sẻ như giảm tiết dạy định mức cho giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi. Ví dụ, mỗi tuần bồi dưỡng 2 buổi, mỗi buổi 2 tiết, được quy đổi thành 6 tiết/tuần. Như vậy, thay vì dạy chính khóa 17 tiết/tuần, giáo viên bồi dưỡng chỉ còn dạy 11 tiết/tuần.
Cách làm này chỉ triển khai được ở những trường có thừa biên chế. Nhưng hiện nay, nếu thừa biên chế thì phải thực hiện biệt phái giáo viên đến các trường thiếu. Trường hợp giáo viên vừa đủ định mức dạy chính khóa, thực hiện như trên sẽ xảy ra vấn đề dạy vượt số tiết tiêu chuẩn và phải thanh toán thừa giờ theo quy định. Điều này ngân sách không cho phép.
Một cách làm khác là nhà trường xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, trong đó sử dụng một phần ngân sách để chi trả cho giáo viên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, mang tính chất hỗ trợ, động viên. Có trường hợp chi trả hỗ trợ bồi dưỡng gắn với kết quả đạt được. Với cách làm này, giáo viên dạy bồi dưỡng không được trừ tiết dạy định mức.
Từ thực tế tại Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang), cô Hiệu trưởng Đặng Thị Kim Phượng cũng chia sẻ khó khăn liên quan đến chế độ với giáo viên bồi dưỡng. Theo đó, hiện nay, quy định tính tiết dạy bồi dưỡng vào tổng số tiết phải dạy trong năm học (17 tiết/tuần), nên giáo viên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi hầu như không được hưởng chế độ gì thêm.
Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia cần sự tham gia của nhiều thầy cô trong một đội tuyển. Nhưng khi sở GD&ĐT tổ chức tuyên dương, khen thưởng lại chỉ cho một số lượng có hạn, như mỗi đơn vị một giáo viên/môn. Do đó chưa thực sự khuyến khích, động viên đội ngũ tham gia công tác này.
Tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, cô Lê Thị Lệ Thu - giáo viên Trường THCS Huyền Hội (huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) nhận thấy khó khăn khi giáo viên phải hỗ trợ, đồng hành để học sinh tiếp thu khối lượng lớn kiến thức, hiểu để vận dụng kiến thức và phát huy được năng lực. Điều kiện học tập của học sinh không giống nhau, có em không sắp xếp được nhiều thời gian ôn tập vì gia đình khó khăn, phải phụ giúp bố mẹ.
Nhà trường chưa đầu tư cơ sở vật chất cho công tác chuyên môn bồi dưỡng học sinh giỏi. Hôm nào có phòng trống thì giáo viên tận dụng để ôn; nếu không phải học nhờ phòng chi đội, thư viện… Một số phụ huynh không hứng thú cho con tham gia đội tuyển vì phải ôn luyện vất vả, không có thời gian nghỉ ngơi.
Đặc biệt, trách nhiệm của giáo viên được giao bồi dưỡng học sinh giỏi rất nặng nề nhưng chưa có quy định nào cụ thể về chế độ bồi dưỡng, như được giảm số tiết dạy. Trong nhà trường cũng chưa có nguồn kinh phí nào hỗ trợ hay khen thưởng khi giáo viên, học sinh ôn luyện có thành tích cao.
Cần chính sách khích lệ
Chia sẻ từ thực tiễn Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa, TP Hà Nội), cô Phó Hiệu trưởng Lê Thị Hương Mai nhắc đến khó khăn khi công tác tự nghiên cứu, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng dạy học sinh giỏi đòi hỏi nhiều thời gian, tâm huyết của giáo viên, cùng với đó là trách nhiệm công việc lớn; chất lượng đội ngũ giáo viên bồi dưỡng chưa đồng đều.
Học sinh luôn đứng trước lựa chọn giữa học chuyên sâu để thi học sinh giỏi rồi tiếp tục ôn tập để thi vào các trường chuyên, hay chỉ học để thi vào lớp 10 THPT không chuyên. Các em và phụ huynh không yên tâm vì phải mất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến kết quả học tập, ôn thi vào 10 sau khi thi học sinh giỏi; nhất là hiện nay học sinh đoạt giải cấp thành phố không được cộng điểm ưu tiên thi vào lớp 10. Môn không có khối chuyên ở THPT, ví dụ như Giáo dục công dân càng khó khăn hơn trong việc chọn đội tuyển học sinh giỏi.
Trước những khó khăn này, Trường THCS Đống Đa đã triển khai đồng bộ các giải pháp về nâng cao trình độ giáo viên; xây dựng kế hoạch ôn tập, bồi dưỡng; tuyển chọn học sinh; lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp, hiệu quả; tư vấn với phụ huynh và học sinh trong việc chọn môn thi; quan tâm khích lệ, động viên, khen thưởng để cả thầy và trò trong đội tuyển nỗ lực phấn đấu đạt thành tích cao…
Ngoài những giải pháp đã và đang được triển khai, nhà trường mong muốn có cơ chế chính sách khuyến khích, ưu tiên cho những học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi. “Xây dựng nhận thức cộng đồng về giá trị, lợi ích của việc bồi dưỡng học sinh giỏi sẽ giúp tăng cường sự hỗ trợ, đầu tư từ các cấp chính quyền, cộng đồng và phụ huynh trong công tác này”, cô Lê Thị Hương Mai chia sẻ.
Để khắc phục khó khăn, hạn chế, thầy Lê Văn Hòa cho rằng cần thiết kế lại định mức tiết dạy cho giáo viên một cách mềm dẻo hơn. Ví dụ, giáo viên THPT từ 16 đến 18 tiết/tuần. Làm như vậy, về mặt tổng thể không tăng tiết và sẽ không làm tăng thêm biên chế giáo viên, cũng không tạo gánh nặng cho ngân sách.
Đồng thời, hiệu trưởng nhà trường có thể sử dụng giáo viên không đủ năng lực bồi dưỡng học sinh giỏi gánh vác thêm công việc, phát huy cống hiến của giáo viên giỏi vào nhiệm vụ đào tạo mũi nhọn. Ngoài ra còn tạo ra động lực cạnh tranh lành mạnh về tự học, tự khẳng định tay nghề trong giáo viên và cũng phù hợp với xu thế trả lương theo vị trí việc làm sau này.
Bên cạnh đó, trong điều kiện kinh tế xã hội phát triển, đời sống người dân được nâng cao đáng kể, Bộ GD&ĐT cũng có thể cho phép nhà trường xã hội hóa bằng cách tìm kiếm sự ủng hộ tự nguyện, thực chất từ phía phụ huynh học sinh để hỗ trợ hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi.
Mặc dù chế độ chính sách cho người dạy còn khiêm tốn và không giống nhau giữa các trường cũng như địa phương, nhưng hiện nay hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi trong các trường phổ thông diễn ra tích cực, bài bản, mang lại hiệu quả cao. Điều này góp phần phát hiện, đào tạo nhân tài cho đất nước và mang lại hiệu ứng giáo dục lan tỏa mạnh mẽ, tích cực trong học sinh, tập thể sư phạm nhà trường. - Thầy Lê Văn Hòa - Giám đốc Trung tâm GDTX - Tin học, Ngoại ngữ tỉnh Quảng Trị