Việc tổ chức thi học sinh giỏi có sự khác biệt so với trước đây, do đó các trường THCS đã chủ động phương án bồi dưỡng để học sinh đạt kết quả cao nhất.
Nhiều điểm mới
Năm học 2024 - 2025 đánh dấu sự đồng bộ của Chương trình GDPT 2018 từ cấp tiểu học, THCS, THPT. Với cấp học THCS, đây là năm thứ 4 ngành Giáo dục triển khai chương trình mới. Mới đây, Sở GD&ĐT TPHCM ban hành kế hoạch thi chọn học sinh giỏi lớp 9, lớp 12 năm học 2024 - 2025.
Theo đó, kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9, lớp 12 được tổ chức nhằm chọn lọc, tuyên dương những học sinh đạt thành tích xuất sắc trong việc học tập các môn học. Từ đó, góp phần động viên, khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo, dạy giỏi, học giỏi. Đồng thời phát hiện người học có năng khiếu về môn học để tạo nguồn bồi dưỡng, thực hiện mục tiêu đào tạo nhân tài cho thành phố và đất nước.
Ông Trần Ngọc Huy - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT TPHCM) cho biết, kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 và lớp 12 cấp thành phố trong năm học 2024 - 2025 có một số môn thi mới phù hợp với Chương trình GDPT 2018. Theo ông Huy, kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 sẽ tổ chức vào ngày 25/2/2025 và có một môn mới đó là Giáo dục kinh tế pháp luật. Riêng với kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 được tổ chức vào ngày 14/3/2025.
Đặc biệt, thực hiện chương trình mới ở cấp THCS không còn các môn học đơn lẻ như Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý; thay vào đó là môn tích hợp gồm Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Do đó, kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố sẽ có môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Riêng môn Công nghệ thi theo định hướng công nghiệp và nông nghiệp. Tất cả môn thi trên sẽ thi viết, trong thời gian 120 phút.
“Đối với môn Khoa học tự nhiên, bài thi gồm có hai phần, trong đó, phần bắt buộc chiếm 30%, với kiến thức đánh giá năng lực chung của các mạch nội dung. Phần lựa chọn chiếm 70%, học sinh được chọn một trong các mạch nội dung liên quan đến năng lực như biến đổi chất, đời sống...
Sở GD&ĐT TPHCM dự kiến đội tuyển học sinh giỏi môn Khoa học tự nhiên khoảng 45 học sinh/địa phương để có lực lượng chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vào các trường chuyên. Phòng Giáo dục Trung học đang soạn văn bản sẽ trình ban giám đốc sớm. Dự kiến, đầu tháng 9, sở GD&ĐT ban hành văn bản, kế hoạch hướng dẫn để các trường thực hiện”, ông Huy chia sẻ.
Nhà trường chủ động
Bước vào hè 2024, các trường THCS tại TPHCM triển khai bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi. Đây lần đầu tiên thực hiện ôn luyện đội tuyển theo Chương trình GDPT 2018 đối với môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý nên các thầy cô đặc biệt chú trọng chuẩn bị nội dung để giúp học sinh nắm chắc kiến thức.
Từng có kinh nghiệm 3 năm ôn thi học sinh giỏi lớp 9, cô Phan Trần Ngọc Thắm - giáo viên môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Nguyễn Hiền (Quận 12) chia sẻ, việc ôn tập cho các đội tuyển học sinh giỏi được nhà trường triển khai từ hè năm nay. Đối với môn Khoa học tự nhiên, học sinh đã học từ lớp 6, do đó quá trình tiếp thu kiến thức cũng thuận lợi. Tuy nhiên, cô Thắm xác định, bồi dưỡng học sinh thi học sinh giỏi kiến thức phải nhiều hơn, bài tập khó hơn, nên giáo viên trực tiếp phụ trách luôn cố gắng cập nhật kiến thức.
“Tôi chuyên về môn Sinh học nên trong quá trình truyền tải kiến thức, những nội dung về Sinh học được truyền tải rất sát. Riêng kiến thức liên quan đến Vật lý, Hóa học, đầu tiên dạy những nội dung nền trước, còn phần chuyên sâu, tôi tham khảo đồng nghiệp trong tổ chuyên môn, sau đó truyền lại cho học sinh cho trọn vẹn”, cô Thắm cho hay.
Ở góc độ quản lý, thầy Đinh Văn Trịnh - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hiền chia sẻ, triển khai bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi đòi hỏi giáo viên phải có độ sâu về kiến thức. Vậy nên, các thầy cô sẽ tự tin hơn khi dạy đúng chuyên môn được đào tạo, còn đối với các nội dung không phải thế mạnh, chắc chắn sẽ có sự lúng túng. Ngoài ra, thầy cô cũng khá áp lực trong việc xây dựng nội dung dạy, đơn cử như việc thiết kế nội dung giảng dạy tích hợp đòi hỏi giáo viên phải đầu tư nhiều thời gian và công sức.
Tương tự, cô Vũ Thị Minh Hiếu - Hiệu trưởng Trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức) cho rằng: “Bồi dưỡng học sinh giỏi đối với môn Lịch sử và Địa lý có thể nhẹ hơn. Tuy nhiên với môn Khoa học tự nhiên kiến thức khá rộng nên quá trình ôn luyện gặp khó khăn nhất định.
Mặc dù là tích hợp, nhưng đối với bồi dưỡng học sinh giỏi, nhà trường vẫn chia ra 3 phân môn. Bởi, nội dung của môn Khoa học tự nhiên có những chuyên đề riêng, liên quan đến kiến thức Vật lý, Hóa học, Sinh học nên trong quá trình ôn tập thầy cô nào có thế mạnh về phân môn nào sẽ hỗ trợ chuyên đề đó, mục đích là hướng dẫn học sinh nắm kiến thức sát sao nhất”.
“Không phải học sinh nào cũng có lợi thế tất cả kiến thức trong môn tích hợp. Chẳng hạn, với những em chỉ có sở trường lĩnh vực Hóa học, việc học bổ sung cả kiến thức Vật lý, Sinh học không dễ dàng. Điều này có thể gây nên sự quá tải với học sinh.
Mặt khác, một số phụ huynh không mấy “mặn mà” với việc để con thi học sinh giỏi, do không có chính sách cộng điểm khi thi vào trường THPT, hoặc phụ huynh sẽ khuyến khích con thi học sinh giỏi môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, để có nhiều ưu thế hơn khi thi vào lớp 10”, thầy Đinh Văn Trịnh chia sẻ.