Cô trò Trường TH Khánh Nhạc B (Ninh Bình). Ảnh: NT |
Việc làm này giúp dù đang nghỉ hè, học sinh năng lực trung bình, yếu không quên kiến thức, đạt chuẩn yêu cầu đầu ra, vững vàng bước vào năm học mới.
Không bỏ trò lại phía sau
Kết thúc năm học 2022 - 2023, lớp cô giáo Hoàng Thị Tâm, Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Liên Hội (Văn Quan, Lạng Sơn) chủ nhiệm còn một học sinh không đạt chuẩn. Trước kỳ nghỉ hè, cô Tâm đã xây dựng phương án phụ đạo kiến thức cho học sinh này trong hè. Theo đó, cô đề xuất với nhà trường giảng dạy phụ đạo từ tháng 7 đến hết tháng 8 cho học sinh.
“Em này có hoàn cảnh đặc biệt, bố bị khuyết tật, cuộc sống gia đình một vai mẹ gánh vác nên không thể quan tâm, sát sao việc học. Là giáo viên chủ nhiệm, trước học sinh hoàn cảnh như vậy, tôi thấy phải quan tâm, hỗ trợ hết mình; yêu thương coi học trò như con. Tôi không thể để học sinh vì hoàn cảnh khó khăn mà ảnh hưởng đến học tập”, cô Tâm trải lòng.
Cô Tâm cho hay: “Tôi sẽ phối hợp với phụ huynh dạy trực tuyến qua Zalo, mỗi tuần 2 buổi trong tháng 7. Đầu tháng 8, học trò sẽ đến nhà cô học trực tiếp, hôm nào phụ huynh không thể đưa, đón tôi sẽ đến nhà dạy”. Phụ đạo hè không được hỗ trợ kinh phí, nhưng cô Tâm vẫn vui vẻ, sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy. Mọi nỗ lực của cô đều nhằm giúp học sinh tiến bộ, tiếp thu bài hiệu quả.
Tại Trường Tiểu học & THCS Nùng Nàn (Tam Đường, Lai Châu), cô Hoàng Thị Bích Huệ, Hiệu trưởng cho biết: “Trong hè, giáo viên chủ nhiệm sẽ gửi bài tập đến phụ huynh có con có học lực yếu và hướng dẫn việc kèm con học. Học sinh làm xong bài tập, bố mẹ gửi bài để cô giáo chữa; phần nào chưa hiểu các cô sẽ hướng dẫn lại. Đầu tháng 8, thầy cô có mặt ở trường, chúng tôi sẽ huy động học sinh yếu đến trường để phù đạo; các em được gom theo khối và dạy tập trung từ thứ 2 đến thứ 6. Đây là cách giúp học sinh vững vàng tâm thế hiệu quả nhất khi bước vào năm học mới”.
Tương tự, Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh, Ninh Bình), cô Trần Thị Hợi, Hiệu trưởng cho hay: “Năm học vừa qua, trường có 4 học sinh chưa đạt chuẩn vì vậy, giáo viên chủ nhiệm sẽ phụ đạo cho các em tại nhà hoặc kết hợp cùng phụ huynh giao bài tập, hướng dẫn, chữa bài qua trực tuyến và trực tiếp. Quá trình học, các cô sẽ đưa ra các bài tập phù hợp với năng lực để phụ huynh và học sinh cùng học. Cuối tháng 8 nhà trường kiểm tra đánh giá lại, nếu không đạt chuẩn học sinh sẽ bị lưu ban chứ nhất định không để ‘ngồi nhầm lớp’”.
Học trò Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Liên Hội (Văn Quan, Lạng Sơn). Ảnh NTCC |
Đa dạng hình thức bồi dưỡng tiếng Việt
Xác định tiếng Việt là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng dạy học, đặc biệt với học sinh dân tộc nên Trường Tiểu học & THCS Nùng Nàn (Lai Châu) luôn sẵn sàng kế hoạch tăng cường cho học sinh trong hè. Cụ thể, nhà trường đã mời họp phụ huynh có sự tham dự chính quyền địa phương để hướng dẫn tổ chức các hoạt động hè cho học sinh; trong đó đặc biệt chú trọng công tác tăng cường tiếng Việt.
Cô Hoàng Thị Bích Huệ, Hiệu trưởng cho biết: “Đối với phụ huynh, chúng tôi động viên tăng cường giao tiếp, trao đổi với con bằng tiếng Việt; Với Đoàn Thanh niên xã, trường bàn giao danh sách học sinh về sinh hoạt hè tại địa phương cho Bí thư đoàn xã đồng thời tham mưu tổ chức các hoạt động vui chơi bổ ích trong thời gian nghỉ hè, trong đó chú trọng việc tăng cường tiếng Việt, ví dụ như tổ chức văn nghệ, sân khấu hoá các tác phẩm trong sách giáo khoa để học sinh rèn luyện tiếng Việt. Kết thúc mùa Hè, Đoàn xã có trách nhiệm bàn giao lại phiếu đánh giá quá trình sinh hoạt của từng học sinh về nhà trường”.
“Với học sinh dân tộc, hàng ngày phụ huynh giao tiếp với con bằng tiếng dân tộc nên cơ hội ít được nói Tiếng Việt. Mặt khác, học sinh lớp 1 và 2 chỉ thời gian ngắn không sử dụng tiếng Việt sẽ quên, khi quay trở lại trường học tập các em rất vất vả và mất nhiều thời gian làm quen lại”, cô Huệ trao đổi.
Từ 15/6, Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh, Ninh Bình) giáo viên chủ nhiệm đã liên lạc với phụ huynh qua nhóm Zalo của lớp để hướng dẫn các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh tại nhà. Cô Trần Thị Hợi, Hiệu trưởng cho biết: “Thông qua các hoạt động như múa, hát, vẽ hay làm công việc nhà để giáo dục, nâng cao tiếng Việt. Sau khi làm xong, học sinh sẽ thuyết trình về ý nghĩ các hoạt động này và phụ huynh quay video gửi giáo viên nhận xét, đánh giá. Việc lồng ghép qua các hoạt động để tăng cường tiếng Việt sẽ giúp học sinh được “chơi mà học” không áp lực”.
Ông Đỗ Văn Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo (Điện Biên) cho biết: “Công tác tăng cường tiếng Việt cho học sinh đặc biệt học sinh người dân tộc luôn được Phòng Giáo dục đặc biệt quan tâm. Theo đó, hàng năm chúng tôi đều chỉ đạo các trường tích cực tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền; phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong việc huy động học sinh trong độ tuổi đến lớp; tuyên truyền phụ huynh học sinh, nhân dân hiểu rõ vai trò giáo dục nói chung và tăng cường tiếng Việt nói riêng”.
Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT còn yêu cầu các trường chủ động rà soát thực trạng, căn cứ vào điều kiện thực tế tại đơn vị tham mưu với các cấp mua sắm bổ sung thiết bị, đồ dùng dạy học; vận động giáo viên tích cực tự làm đồ dùng, đồ chơi, xây dựng môi trường dạy học tiếng Việt phong phú, hiệu quả cho học sinh cả trong và ngoài lớp.
Xây dựng, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn lồng ghép triển khai, hướng dẫn phụ huynh cách tạo môi trường, cơ hội cho trẻ giao tiếp tiếng Việt nhiều cho học sinh. Tăng cường công tác kiểm tra và tự kiểm tra, qua đó phân tích, đánh giá ưu điểm, kết quả đạt được để kịp thời có giải pháp khắc phục và không ngừng nâng cao hiệu quả.
“Tháng 8 hàng năm, Sở GD&ĐT đều có văn bản yêu cầu thực hiện tuần làm quen với lớp 1, theo đó nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch trong đó chú trọng đến dạy môn Tiếng Việt và các kỹ năng như cầm phấn, viết bảng cho học sinh... Thông qua tuần làm quen, thầy cô sẽ nắm được điểm mạnh, yếu của học sinh để cân bằng và bổ sung”. - Cô Hoàng Thị Thanh Thu (Hiệu trưởng Trường TH Thượng Ấm, Tuyên Quang)