Hoạt động miễn phí này thường được thực hiện trong Hè và có khó khăn nhất định.
Đến nhà tìm trò
Theo ông Phạm Viết Phúc, quyền Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), trung bình mỗi năm, số lượng học sinh phải bồi dưỡng kiến thức trong Hè tại các nhà trường trên địa bàn khoảng 300 em. Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường tổng hợp danh sách học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học để xây dựng kế hoạch phụ đạo. Thời gian tổ chức ôn tập sau khi giáo viên trả phép hè (khoảng đầu tháng 8), thời lượng gần 1 tháng.
“Để bảo đảm hiệu quả hoạt động này, ngay sau khi trả phép, phòng GD&ĐT chỉ đạo giáo viên đến từng gia đình vận động học sinh ra lớp để tiếp tục ôn tập. Các trường linh hoạt trong phân công giáo viên, như: Học sinh lớp nào, giáo viên đó phụ đạo, hoặc phân giáo viên có năng lực, kinh nghiệm trong phụ đạo học sinh. Đặc biệt phát huy vai trò trách nhiệm của giáo viên là người địa phương trong bồi dưỡng học sinh trong dịp Hè”, ông Phạm Viết Phúc chia sẻ.
Chia sẻ khó khăn của hoạt động này, ông Phạm Viết Phúc cho biết, do trong thời gian học sinh nghỉ Hè nên công tác huy động gặp nhiều khó khăn; thời gian học sinh nghỉ dài nên hầu hết đã quên một số kiến thức cơ bản. Bên cạnh đó, giáo viên vừa phải ôn tập, vừa tham gia tập huấn chương trình thay sách nên khá vất vả. Hoạt động phụ đạo trong Hè là nhiệm vụ nên thầy cô không có chế độ gì.
Tại Trường THCS Quản Cơ Thành (Châu Thành, An Giang) mỗi năm có khoảng 10 học sinh cần phụ đạo. Cô Hiệu trưởng Lê Thị Ngọc Dung cho biết, kế hoạch và chương trình ôn Hè cho học sinh yếu được xây dựng song song với chương trình ôn tập, kế hoạch thi học kỳ II. Về phân công nhiệm vụ, học trò của thầy cô nào, thầy cô đó chịu trách nhiệm bồi dưỡng. Hoạt động này tiến hành từ đầu tháng 6 và hoàn thành trong tháng 7. Thời lượng học cũng linh hoạt, tùy theo môn học và được tổ chuyên môn quyết định. Ví dụ, với môn Toán, thời lượng ôn tập sẽ nhiều hơn (khoảng 4 tiết/tuần, kéo dài từ 7 - 8 tuần).
Khó khăn trong tổ chức phụ đạo chính là việc vận động các em đến trường. Khi học sinh chịu đến trường phụ đạo thì hiệu quả bảo đảm, vì một thầy cô chỉ phụ trách đối đa 2 - 3 học sinh. “Những học sinh yếu phải học phụ đạo thường ý thức học kém và gia đình thiếu quan tâm. Do đó, giáo viên chủ nhiệm thậm chí phải đến tận nhà để vận động học sinh của mình ra lớp. Do đó, hoạt động này chỉ hiệu quả khi có sự cộng đồng trách nhiệm, không chỉ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn mà cả từ phía gia đình học sinh”, cô Lê Thị Ngọc Dung cho hay.
Ảnh minh họa INT. |
Cộng đồng trách nhiệm
Nằm trên địa bàn khó khăn, Trường THPT Mường Chiềng (huyện Đà Bắc, Hòa Bình) có đầu vào lớp 10 thấp. Cùng với đó, đội ngũ giáo viên mỏng, chủ yếu người khác huyện, khác tỉnh, lại đa số là nữ nên thời gian nghỉ Hè thầy cô cơ bản tranh thủ về với gia đình, trừ các thầy cô thực hiện nhiệm vụ ôn tập cho học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT. Với đặc thù này, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh cho biết, nhà trường thực hiện giải pháp “mưa dầm thấm lâu” để bù đắp kiến thức cho học sinh.
“Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã lên kế hoạch phụ đạo ‘cứng’ 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh cho học sinh với thời lượng 3 buổi/tuần (mỗi môn 1 buổi). Ngoài ra, trường cũng bố trí 1 buổi/tuần ôn thi học sinh giỏi. Dự kiến, từ lớp 11, nhà trường sẽ bổ sung Lịch sử để ôn tập, như vậy tính cả ôn cho học sinh giỏi, nhà trường thực hiện 5 buổi/tuần (bố trí vào các buổi chiều). Sau khi tổng kết năm học vẫn có học sinh không đủ điều kiện lên lớp, nhóm giáo viên bộ môn sẽ xây dựng đề cương ôn tập và phát cho học sinh tự học tại nhà. Trong tháng 8, trường bố trí một số buổi ôn tập trực tiếp và làm bài kiểm tra để xác định các em được lên lớp trước năm học mới”, thầy Nguyễn Văn Minh cho hay.
Bên cạnh đó, Trường PTDTBT Tiểu học Huồi Tụ 2 (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) thường xuyên ôn tập hằng tuần cho học sinh bằng phiếu học tập, bộ đề cương ôn tập để nâng cao chất lượng. Đến cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm cũng chuẩn bị thêm một số bộ đề cương cho học sinh học trong thời gian nghỉ Hè.
Làm công tác chủ nhiệm, thầy Hờ Bá Pa chia sẻ, nhiều phụ huynh học sinh đi làm ăn xa, để lại con cho ông bà là một khó khăn với thầy cô. Khắc phục điều này, giáo viên chủ nhiệm phải thường xuyên liên hệ bằng nhắn tin, gọi điện cho gia đình để nắm tình hình học tập. Với học sinh không thể liên hệ qua điện thoại, thầy cô đến tận nhà; hoặc liên hệ qua bí thư chi bộ, trưởng bản… để nắm tình hình về gia đình và việc học tập ở nhà của học sinh.
Năm nay, Trường Tiểu học Lâm Xa (thị trấn Cành Nàng, Bá Thước, Thanh Hóa) không có học sinh yếu kém phải phụ đạo trong Hè. Tuy nhiên, chia sẻ kinh nghiệm từ những năm làm cán bộ quản lý ở trường vùng khó, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Long cho rằng, để hoạt động này hiệu quả, nhà trường phải xây dựng kế hoạch chu đáo. Học sinh của giáo viên nào, giáo viên đó chịu trách nhiệm phụ đạo. “Quan trọng nhất là sự nhiệt tình của giáo viên và phối hợp của gia đình. Do phụ huynh đi làm ăn xa, nhiều nên học sinh chủ yếu ở với ông bà, công tác phối hợp gặp khó khăn nhất định”, thầy Nguyễn Văn Long chia sẻ.
Ngành Giáo dục nhiều địa phương đã có văn bản hướng dẫn hoạt động Hè năm 2023, trong đó có tổ chức phụ đạo. Như tại Nam Định, sở GD&ĐT yêu cầu tổ chức phụ đạo và kiểm tra lại (không thu tiền) đối với học sinh chưa hoàn thành chương trình, xếp loại học lực yếu, kém (hoặc kết quả học tập ở mức Chưa đạt) từ 30/7 đến 25/8. Tuyệt đối không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào cả trong và ngoài trường từ thời gian bắt đầu nghỉ Hè theo quy định đến ngày 30/7; trừ việc tổ chức ôn tập cho học sinh khối 12 tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, ôn thi vào lớp 10 THPT và tổ chức hoạt động Hè theo các nội dung được hướng dẫn.