Bồi dưỡng giáo viên: Biết 'thổi lửa' và giúp nhà giáo 'giữ lửa'

GD&TĐ - Mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ được PGS.TS Nguyễn Văn Hiền (Trường ĐHSP Hà Nội) đánh giá là tối ưu trong bối cảnh hiện nay.

Bồi dưỡng sử dụng SGK các lớp 5, 9 và 12 theo Chương trình GDPT 2018. Ảnh: Trọng Nhân
Bồi dưỡng sử dụng SGK các lớp 5, 9 và 12 theo Chương trình GDPT 2018. Ảnh: Trọng Nhân

Thực hiện hiệu quả mô hình này cần hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ, “thông minh”, ổn định; đặc biệt là sự chỉ đạo thống nhất từ trên xuống dưới.

Nhận diện khó khăn, hạn chế

boi duong giao vien biet thoi lua va giup nha giao giu lua (1).jpg
PGS.TS Nguyễn Văn Hiền

PGS.TS Nguyễn Văn Hiền từng là Phó Giám đốc Ban quản lý chương trình ETEP, thực hiện nhiệm vụ triển khai công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên trên toàn quốc theo Chương trình GDPT 2018. PGS Nguyễn Văn Hiền cho biết: “Tôi tin rằng, mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ, nếu triển khai bài bản, gắn trách nhiệm, nghĩa vụ với từng mắt xích trong cả hệ thống sẽ hiệu quả, dần tạo thành thói quen, cộng đồng học tập rộng mở. Đặc biệt có sự quan tâm đầu tư cẩn thận vào hệ thống, triển khai thật sát sao của “nhạc trưởng” là Bộ GD&ĐT thì sẽ thành công”.

- PGS nhận diện như thế nào về những khó khăn, hạn chế trong bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo hiện nay?

- PGS.TS Nguyễn Văn Hiền (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐHSP Hà Nội): Trước hết, cần khẳng định: Quá trình bồi dưỡng, tự bồi dưỡng của nhà giáo, cũng như mọi đối tượng học tập khác sẽ hiệu quả nhất khi nhu cầu bồi dưỡng xuất phát từ bản thân người học.

Và để tạo động lực cho người học, thông thường chúng ta hay sử dụng các tác động “ngoại lực” như hệ thống chính sách, chế tài khen thưởng, vinh danh… nhằm thúc đẩy nhu cầu muốn được học tập, bồi dưỡng của cán bộ quản lý, giáo viên.

Theo quy định hiện nay, mỗi cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên trong một năm học cần được bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên 120 giờ.

Trong đó, 40 giờ/năm học sẽ thực hiện theo nội dung do Bộ GD&ĐT quy định; 40 giờ/năm học sẽ theo nội dung do sở GD&ĐT quy định; 40 giờ còn lại do đội ngũ tự chọn nhằm phát triển phẩm chất, năng lực nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm của bản thân.

Trên thế giới hiện nay, khi nói về các hình thức bồi dưỡng giáo viên có thể thấy phổ biến nhất là hội thảo - tập huấn ngắn ngày, tiếp đến là dự giờ đồng nghiệp. Hình thức tập huấn ngắn ngày cũng hay được triển khai theo mô hình “đào tạo cán bộ đào tạo”. Theo đó, cấp Trung ương bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên F1, cấp địa phương sử dụng đội ngũ F1 để tập huấn tiếp cho đội ngũ F2…

Mỗi hình thức bồi dưỡng đều có ưu và nhược điểm riêng. Trong đó, hội thảo - tập huấn là hình thức quen thuộc, dễ tổ chức, nhất là khi kết hợp với mô hình “đào tạo cán bộ đào tạo”. Tuy nhiên, hình thức bồi dưỡng tập trung ngắn ngày có hạn chế là hiệu quả không bền vững và hay xảy ra tình trạng suy giảm chất lượng tri thức khi qua các bậc đào tạo cán bộ đào tạo từ F1 đến F2 hay F3…

Tại thời điểm bồi dưỡng tập trung, giáo viên có thể thấy nội dung bồi dưỡng rất hay, hào hứng; nhưng khi quay về trường, nếu không có sự thúc đẩy, động viên, các “cảm hứng” ban đầu có thể bị suy giảm, thui chột.

Nhận thấy hạn chế này, Chương trình ETEP đưa ra mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ. Theo đó, toàn bộ hệ thống tài liệu, học liệu bồi dưỡng, nội dung giảng dạy “gốc” được đưa lên hệ thống học tập trực tuyến (LMS), giáo viên có thể tự học, nghiên cứu ở bất cứ đâu, lúc nào.

Nội dung “gốc” được cấp phát đến từng giáo viên như vậy tránh được tình trạng suy giảm chất lượng tri thức. Cùng đó có đội ngũ giáo viên cốt cán, giảng viên sư phạm chủ chốt hỗ trợ thường xuyên, liên tục, tại chỗ.

Giáo viên có thể học tập thường xuyên, liên tục tại trường cũng như ở nhà. Có thể nói, đây là một trong những mô hình lý tưởng, được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Mô hình này cũng đảm bảo tính chất “trường diễn” của hoạt động bồi dưỡng, khắc phục hạn chế “ngắn ngày” của hình thức bồi dưỡng tập trung theo dạng hội thảo - tập huấn. Do đó, tác động đến giáo viên đủ về lượng sẽ thúc đẩy sự chuyển biến về chất.

Đặc biệt, nhờ hệ thống LMS, đội ngũ giáo viên cốt cán, giảng viên sư phạm chủ chốt, giáo viên tham gia bồi dưỡng được đồng hành liên tục bởi các đồng nghiệp tại địa phương cũng như cấp Trung ương. Điều này đồng thời giúp truyền cảm hứng, tạo động lực để đội ngũ giáo viên đại trà tự tin áp dụng nội dung được bồi dưỡng vào thực tiễn dạy học.

Tuy nhiên, để vận hành hiệu quả mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ cần sự phối hợp đồng bộ của nhiều bên liên quan; từ Bộ GD&ĐT chỉ đạo trường sư phạm xây dựng nội dung bồi dưỡng, đến các sở GD&ĐT chỉ đạo mạng lưới giáo viên cốt cán; trường phổ thông tạo điều kiện cho giáo viên tham gia bồi dưỡng và đồng nghiệp hỗ trợ lẫn nhau. Hệ thống LMS cũng phải đảm bảo tính ổn định, dễ sử dụng.

Bên cạnh đó, do tính chất “từ xa” của hệ thống LMS nên sự tương tác thường xuyên qua mạng thông qua các diễn đàn trực tuyến, cũng như hệ thống tổng đài hotline cần đảm bảo thường xuyên.

Có như vậy, giáo viên tham gia bồi dưỡng mới không cảm thấy “cô đơn” hay mất đi động lực áp dụng vào thực tiễn. Các diễn đàn trực tuyến nếu được tổ chức, vận hành tốt còn dễ dàng hình thành cộng đồng chuyên môn trên toàn quốc, tạo điều kiện thúc đẩy một xã hội học tập mà bắt đầu từ chính đội ngũ giáo viên.

Dù Chương trình ETEP đã kết thúc nhưng đội ngũ giáo viên vẫn được thụ hưởng hệ thống tài liệu bồi dưỡng phủ được các nội dung cơ bản mà giáo viên, cán bộ quản lý cần bồi dưỡng để đáp ứng việc triển khai Chương trình GDPT 2018.

ETEP cũng để lại di sản quan trọng là mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ; các thầy cô đã bước đầu quen với một hình thức tự bồi dưỡng mới, trong đó có ý niệm về việc có đồng nghiệp cốt cán hỗ trợ. Tuy nhiên, để tiếp tục thúc đẩy mô hình bồi dưỡng này, vai trò điều phối và tổ chức của Bộ GD&ĐT rất quan trọng.

Một số nội dung cần rõ trong dự thảo Luật Nhà giáo

- Bộ GD&ĐT đang xây dựng Luật Nhà giáo. Theo PGS, nội dung trong dự thảo Luật có tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hiệu quả công tác bồi dưỡng cho nhà giáo?

- Dự thảo Luật Nhà giáo (bản được chỉnh sửa đến ngày 1/7/2024) đã quy định tương đối rõ việc bồi dưỡng, tự bồi dưỡng là quyền lợi, nghĩa vụ của giáo viên. Cùng đó, quy định cụ thể các nội dung và hình thức bồi dưỡng nhà giáo; trong đó có hình thức trực tiếp, trực tuyến, hoặc kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến…; quy định bồi dưỡng nhà giáo bao gồm bồi dưỡng bắt buộc, tự chọn, tự nguyện.

Nhiệm vụ và quyền của nhà giáo khi tham gia học bồi dưỡng được quy định cụ thể trong dự thảo Luật; cùng đó là trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo từ Chính phủ, cấp Bộ đến cơ sở giáo dục…

Vì luật cần đủ rộng để phủ các đối tượng, tình huống nên một số nội dung cụ thể, ví dụ như mô hình bồi dưỡng cần được quy định tại văn bản dưới luật. Tôi vẫn cho rằng, mô hình bồi dưỡng kết hợp và được vận hành một cách hệ thống, đồng bộ từ trên xuống dưới theo quan điểm bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ có nhiều ưu điểm trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh đó, về mặt lý thuyết, chu trình bồi dưỡng nhà giáo cần thực hiện theo 7 bước, đó là: Xác định nhu cầu, lập kế hoạch, thực hiện, lập hồ sơ bồi dưỡng, phản hồi, đánh giá, vận dụng và chia sẻ.

Trong dự thảo Luật đã có tương đối đầy đủ các bước này; tuy nhiên, bước lập hồ sơ bồi dưỡng, vận dụng và chia sẻ cần được làm rõ, nổi bật hơn. Ví dụ, việc lập hồ sơ bồi dưỡng, đặc biệt với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin (CNTT) sẽ ghi nhận quá trình bồi dưỡng của giáo viên có hệ thống; từ đó biết được thầy cô đạt được gì và có gì còn thiếu cần bổ sung.

Điều này cũng tránh được tình huống một nội dung bồi dưỡng được bồi dưỡng lặp lại nhiều lần trên một đối tượng, vừa không hiệu quả, vừa tốn kém và có khi dẫn đến trạng thái nhàm chán tự học, tự bồi dưỡng của đội ngũ giáo viên.

- PGS luôn nhấn mạnh, hiệu quả bồi dưỡng phát huy cao nhất từ nhu cầu tự thân, thúc đẩy giáo viên tự học, tự bồi dưỡng. Nhưng vấn đề là làm thế nào để thầy cô có được động lực này?

- Việc học xuất phát từ động cơ bên trong luôn hiệu quả nhất. Điều này đúng với mọi đối tượng và là đặc tính của con người. Khi một người thấy vấn đề này mình cần phải học sẽ bỏ công sức tìm hiểu kỹ.

Ngược lại, nếu “phải học” thì sẽ kém hiệu quả hơn. Về cách tạo động lực, hiện nay chúng ta vẫn làm là dùng “ngoại lực” từ quy định, hành lang pháp lý, chính sách động viên, khích lệ…

Có thể nhận thấy, bên cạnh khóa bồi dưỡng do Bộ/sở GD&ĐT quy định, dường như phần tự học của giáo viên đâu đó bị buông lỏng và thầy cô chưa thực sự có quyền lựa nội dung, hình thức bồi dưỡng. Do đó, phải làm sao để bồi dưỡng thường xuyên vừa là trách nhiệm, cũng là quyền của nhà giáo.

boi duong giao vien biet thoi lua va giup nha giao giu lua (2).jpg
Giờ học tại Trường Tiểu học Thị trấn Hạ Hòa, Phú Thọ. Ảnh: NTCC

Phát huy hiệu quả “di sản” từ Chương trình ETEP

- Một trong những di sản của Chương trình ETEP là mô hình bồi dưỡng. Làm sao để tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình này?

- Mô hình bồi dưỡng của ETEP, theo đánh giá của tôi là tối ưu trong bối cảnh hiện nay. Để thực hiện hiệu quả mô hình này chúng ta cần một hệ thống CNTT đồng bộ, “thông minh” và ổn định; đặc biệt sự chỉ đạo thống nhất từ trên xuống dưới.

Như tôi đã đề cập ở trên, với một hệ thống LMS tích hợp diễn đàn trực tuyến và nhân lực quản trị phù hợp, chúng ta sẽ có nhiều thuận lợi trong phát triển cộng đồng giáo viên học tập rộng khắp và hiệu quả.

Ví dụ, Trường ĐHSP Hà Nội khi tham gia ETEP thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng cho giáo viên 10 tỉnh/thành luôn có giảng viên trực online để sẵn sàng giải đáp mọi câu hỏi của giáo viên. Chậm nhất sau 30 phút giáo viên hỏi là có câu trả lời, như vậy thầy cô mới giữ được nhiệt huyết tự học.

Nhà trường cũng có một số giải pháp kỹ thuật để khích lệ thầy cô, như ai đặt câu hỏi hay sẽ được khen thưởng. Nếu mỗi cộng đồng đều chăm chút được giáo viên tham gia bồi dưỡng như vậy, chắc chắn sẽ phát huy hiệu quả.

Tương tự, để “giữ lửa” các cộng đồng giáo viên học tập ở địa phương cần sự quan tâm của các cấp quản lý: Cầm trịch diễn đàn là người của sở/phòng GD&ĐT; có sự theo dõi, đốc thúc từ sở/phòng GD&ĐT.

- Trong các “mắt xích” đề cập ở trên, nội dung nào có vấn đề, tạo rào cản nhiều nhất đến công tác bồi dưỡng, theo PGS?

- Theo nhận định chủ quan, tôi cho rằng cấp trường mà trực tiếp hiệu trưởng là mắt xích quan trọng nhất. “Cán bộ nào phong trào ấy”, hiệu trưởng chính là người “thổi lửa”, “giữ lửa” cho giáo viên. Thầy cô có thể tham gia tập huấn và hào hứng với nhiều nội dung hay, nhưng điều này có thể mất đi nếu quay trở lại nơi làm việc mà không có môi trường phát huy, không được khuyến khích phát huy.

- Vậy phải tác động thế nào vào mắt xích này để thay đổi tích cực?

- Về việc này, Bộ GD&ĐT đã nhận ra trong nhiều năm nay, bởi quản lý giáo dục là lĩnh vực rất khác, đặc thù; do đó Bộ đã ban hành chuẩn hiệu trưởng. Trong chương trình ETEP cũng có các mô-đun bồi dưỡng dành riêng cho đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.

- Với trách nhiệm “máy cái”, Trường ĐHSP Hà Nội đã đóng góp thế nào vào công tác bồi dưỡng nhà giáo, nhất là hoạt động phục vụ triển khai Chương trình GDPT 2018?

- Trường ĐHSP Hà Nội là 1 trong 7 trường sư phạm chủ chốt tham gia Chương trình ETEP. Trường là đơn vị đầu tiên xây dựng mô-đun 1 bồi dưỡng cho giáo viên cả nước về chương trình tổng thể và các môn học. Đây là đóng góp lớn, thể hiện trách nhiệm của nhà trường.

Bên cạnh đó, Trường ĐHSP Hà Nội cũng xây dựng các mô-đun bồi dưỡng cả đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở GDPT. Trong đó, mô-đun bồi dưỡng về kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh cũng được nhà trường phát triển những năm qua.

Nhà trường chủ động xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy các môn tích hợp như: Dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Tin học - Công nghệ (ở cấp tiểu học). Các chương trình bồi dưỡng này được Bộ GD&ĐT thông qua, ban hành, áp dụng trong toàn quốc.

Để thúc đẩy, duy trì mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ, nhà trường mong muốn tiếp tục được đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và phần mềm kèm theo để có thể thực hiện nhiệm vụ như một trung tâm phát triển học liệu số và đầu mối cấp phát học liệu, phát triển diễn đàn trực tuyến cho giáo viên, cán bộ quản lý GDPT trên cả nước. Khi đó, tính chất một trường ĐH sư phạm trọng điểm mới được thể hiện rõ nét và góp phần thiết thực vào tiến trình đổi mới GDPT.

- Xin cảm ơn PGS!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ