Các em cũng có cơ hội giao lưu với các nhân chứng lịch sử. Phim do Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Trị phối hợp với UBND huyện Vĩnh Linh, Trường THPT Vĩnh Linh tổ chức.
Tự hào về thế hệ cha ông
Phim “Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân” được sản xuất trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; là một trong bốn phim tài liệu của đạo diễn nổi tiếng người Hà Lan Joris Ivens. Bộ phim kể về cuộc sống và quá trình đấu tranh bảo vệ quê hương của nhân dân Vĩnh Linh (Quảng Trị) những năm 1967 - 1968, rất khốc liệt nhưng kiên cường.
Lần đầu được chiếu tại ngôi trường THPT trên “đất lửa” Vĩnh Linh, bộ phim đã thu hút nhiều học sinh, giáo viên theo dõi. Không chỉ tự hào, khâm phục ý chí kiên cường, bất khuất của quân và dân tuyến lửa Vĩnh Linh thời kỳ đó, học sinh và thầy cô giáo theo dõi bộ phim còn có ấn tượng đặc biệt với hình ảnh cậu bé 9 tuổi nhưng sử dụng súng rất thành thạo. Cậu bé 9 tuổi – nhân vật trong phim ngày ấy là ông Phạm Công Đức, sau này công tác trong ngành GD.
Trò chuyện với giáo viên và học sinh Trường THPT Vĩnh Linh, bà Nguyễn Thị Xuân Phượng, phiên dịch cho Đoàn làm phim năm 1967, người cộng sự của đạo diễn Joris Ivens kể về những khó khăn trong quá trình thực hiện bộ phim “Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân”. Bà Phượng cho hay, những thước phim công chiếu hôm nay được đánh đổi bằng máu và nước mắt của các thành viên trong đoàn. Đã có người nằm lại trên mảnh đất khốc liệt ấy.
“Mảnh đất Vĩnh Linh đã thay đổi cuộc đời tôi. Hôm nay tôi được ngồi đây là một niềm hạnh phúc không dễ gì có được. Nhìn lại những thước phim chúng tôi đã làm, đi trên mảnh đất đã đi qua càng trở nên ý nghĩa; gợi lại trong tôi biết bao kỷ niệm. Tôi mừng khi nhìn thấy sự hồi sinh thực sự của mảnh đất Vĩnh Linh hôm nay”, bà Phượng chia sẻ.
Bà Phượng cũng kể về nhân vật cậu bé trong bộ phim và cuộc gặp xúc động sau nhiều năm. Theo bà Phượng, sau khi bộ phim công chiếu tại Mỹ, có nhiều ý kiến tranh luận về nhân vật cậu bé cầm súng, cho rằng, đạo diễn Joris Ivens quay và sử dụng hình ảnh cậu bé này là khuyến khích sự khủng bố. Tuy nhiên, đạo diễn phim đã thuyết phục mọi người và nhấn mạnh rằng, nhân vật nhỏ tuổi trong bộ phim thể hiện sức mạnh, ý chí kiên cường của người dân vùng Vĩnh Linh trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt.
Chia sẻ với thầy và trò Trường THPT Vĩnh Linh, ông Phạm Công Đức – nhân vật trong phim bồi hồi kể: “Tôi tham gia cách mạng từ những năm 1959 - 1967, làm nhiệm vụ liên lạc. Thật may mắn khi bản thân trở thành nhân vật trong bộ phim này. Phim đã tái hiện lại cuộc sống của nhân dân những năm chiến tranh. Là cựu học sinh Trường THPT Vĩnh Linh, sau này tôi được đi học và trở thành thầy giáo. Việc chiếu phim tại trường rất ý nghĩa, giúp học sinh và mọi người hiểu thêm về cuộc sống và quá trình chiến đấu của nhân dân ta”.
Lần đầu được xem phim tư liệu, nhiều học sinh bày tỏ niềm tự hào vềcác thế hệ cha ông đã vượt qua gian khổ, đương đầu với bom đạn kẻ thù. Em Lương Hoàng Nhật Linh (học sinh lớp 10A1, Trường THPT Vĩnh Linh) cho biết: Em may mắn được theo dõi bộ phim tài liệu lịch sử do nhà trường phối hợp với các đơn vị tổ chức. Buổi chiếu phim tài liệu “Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân” giống như một buổi ngoại khóa rất ý nghĩa để học sinh hiểu thêm về lịch sử dân tộc.
“Hơn 2 tiếng theo dõi bộ phim, chúng em trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, cảm nhận được khó khăn, vất vả của nhân dân ta thời kỳ đó. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt ấy, quân và dân Vĩnh Linh đã chứng tỏ bản lĩnh kiên cường, bất khuất, nghị lực phi thường trước bom đạn kẻ thù. Thế hệ học sinh chúng em hiểu rằng, để có được nền hòa bình, độc lập như hôm nay, ông cha ta phải đánh đổi biết bao xương máu mới giành được”, Nhật Linh tâm sự.
Các nhân chứng lịch sử giao lưu với học sinh và giáo viên. |
Giáo dục lịch sử dân tộc qua mỗi thước phim
Ông Nguyễn Hoàn – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Trị cho biết, tháng 5/1965, theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Joris Ivens đến Việt Nam, được gặp, nói chuyện với Người và Thủ tướng Phạm Văn Đồng để bắt tay vào thực hiện bộ phim tài liệu “Bầu trời, Mặt đất”. Năm 1967, ông cùng vợ là bà Marceline Loridan đi vào giới tuyến tìm những hình ảnh chân thực hơn, một góc nhìn từ bên trong cuộc chiến, nơi bị dội bom ác liệt, bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi chiến sự. Joris Ivens viết: “Tôi đã chọn máy quay phim làm vũ khí. Nếu những phim tôi làm ở Việt Nam khiến cho nhân dân đang bị áp bức trên thế giới hiểu được rằng: Cuộc chiến đấu của họ chống lại chủ nghĩa đế quốc nhất định sẽ thắng lợi, thì nghĩa là chiếc máy quay phim của tôi cũng là một vũ khí có hiệu quả”.
Ông Nguyễn Hoàn cho hay, buổi chiếu phim tại Trường THPT Vĩnh Linh hôm nay như một tiết ngoại khóa để học sinh hiểu thêm về lịch sử. Cần lan tỏa bộ phim rộng hơn nữa để học sinh và người dân hiểu hơn về lịch sử dân tộc.
Bộ phim tài liệu “Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân” mang giá trị đặc biệt, tái hiện thời kỳ chiến đấu ác liệt của quân dân Vĩnh Linh, Quảng Trị những năm chiến tranh. “Phim tài liệu được đưa vào chiếu tại trường càng mang nhiều ý nghĩa để học sinh hiểu thêm về cuộc sống, quá trình đấu tranh kiên cường của thế hệ đi trước. Đặc biệt, các em có cơ hội giao lưu với các nhân chứng của đoàn làm phim và nhân vật trong phim. Bộ phim giúp học sinh hiểu về lịch sử dân tộc, giá trị độc lập mà thế hệ cha ông đã đổ biết bao xương máu mới giành được”, thầy Nguyễn Hữu Thái – Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Linh nhấn mạnh.
Chiến tranh đã qua gần nửa thế kỷ nhưng những thước phim quý ghi lại năm tháng đấu tranh của quân và dân ta để giành lại hòa bình và thống nhất đất nước vẫn là ký ức không thể phai mờ của những người trong cuộc lẫn thế hệ trẻ hôm nay để trân quý về cuộc sống. Thầy Nguyễn Hữu Thái