Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương cho trẻ đi học, đặc biệt là nơi thuộc cấp độ 1, cấp độ 2

GD&TĐ - Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Nghị quyết 128 của Chính phủ đã nêu rất rõ về việc địa phương ở cấp độ 1, 2 thì đi học bình thường, nhưng đến thời điểm hiện nay mới có 22 địa phương có kế hoạch này.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ảnh: Quốc hội
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Sáng 10/11, phiên chất vấn tại Quốc hội đã diễn ra với phần đăng đàn trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Tại phiên chất vấn, đại biểu nêu lên một số bất cập khi thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Trong đó, có việc một số địa phương đã mở cửa nhà máy, để nhanh chóng phục hồi sản xuất, nhưng lại thận trọng trong việc mở cửa trường học để học sinh trở lại trường.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đề cập, hiện nay ở nhiều nơi “người lớn đã đi làm nhưng trẻ em vẫn chưa được đến trường”. "Cử tri cho rằng, đây là sự thận trọng quá mức mà không tính đến thiệt thòi của học sinh và khó khăn của các gia đình có trẻ nhỏ học ở nhà. Từ góc độ chuyên môn, bộ trưởng ý kiến thế nào?" – đại biểu đặt câu hỏi.

Trả lời vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm về việc mở cửa trường học, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, vừa qua, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế đã phối hợp với nhau tổ chức Hội nghị trực tuyến bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục. Trong đó, có trao đổi một số vấn đề liên quan đến việc cho trẻ trở lại trường.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương không vì lo lắng quá mức đối với dịch bệnh mà hạn chế việc học tập trực tiếp của trẻ em, đặc biệt là trẻ em đầu cấp.

Về vấn đề triển khai biện pháp phòng chống dịch, Bộ Y tế đã có hướng dẫn triển khai với các địa phương về biện pháp phòng chống dịch trong trường học, đảm bảo vừa học tập hiệu quả vừa phòng chống dịch Covid-19.

Quan điểm của Bộ Y tế là “không nên đợi chờ vắc xin”. Bởi hiện nay, chúng ta chỉ tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Trẻ từ 5 tuổi - 11 tuổi không thể đợi chờ có vắc xin mới cho đến trường.

“Rủi ro ở lứa tuổi này không cao như ở người lớn. Vì vậy, Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT đã khuyến cáo các địa phương mạnh dạn đưa học sinh đi học, đặc biệt là các xã, huyện, tỉnh thuộc cấp độ 1, cấp độ 2”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đặt câu hỏi chất vấn.Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đặt câu hỏi chất vấn.Ảnh: Quốc hội

Cũng theo Bộ trưởng, Nghị quyết 128 của Chính phủ đã nêu rất rõ về việc địa phương ở cấp độ 1, 2 thì đi học bình thường, nhưng đến thời điểm hiện nay mới có 22 địa phương có kế hoạch này. Cấp độ 3 mới hạn chế một số vấn đề liên quan đến việc kết hợp giữa học trực tiếp và học trực tuyến.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị, các địa phương cần căn cứ vào tình hình dịch bệnh để triển khai đồng bộ và có hiệu quả để đảm bảo vừa phòng chống dịch  vừa phục hồi lao động sản xuất.

Về vấn đề đại biểu đặt ra, những ngày qua, báo chí cũng phản ánh, nêu những bất cập. Trong khi trường học bỏ trống, giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non các trường tư thục, không có việc làm thì phụ huynh, nhất là công nhân lao động, gặp khó khăn trong việc gửi con.

Nhiều công nhân buộc phải lựa chọn, hoặc là xin nghỉ không lương để ở nhà chăm sóc, kèm cặp con học trực tuyến ở nhà,  hoặc là để con tự học ở nhà một mình và mang theo sự lo lắng, tâm trạng không yên khi đến công ty làm việc. Họ mong con được đến trường từng ngày để yên tâm tham gia lao động sản xuất, cuộc sống sớm trở lại trạng thái "bình thường mới".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...