Bảo đảm không thiếu vắc-xin
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 diễn ra sáng 24/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong năm nay, Bộ bảo đảm cung cấp 90 triệu liều vắc-xin.
Về việc cung ứng vắc-xin phòng chống Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, hiện nay vắc-xin có các nguồn sau: Nguồn của COVAX Facility khoảng 30 triệu liều. Bộ Y tế đang nỗ lực đàm phán để có đủ 30 triệu liều này trong năm nay.
Bên cạnh đó là nguồn của AstraZeneca. Ngày 23/2, Bộ Y tế đã đàm phán lần cuối với AstraZeneca và Công ty VNVC. Lô 30 triệu liều vắc-xin này được Bộ Y tế mua của AstraZeneca thông qua Công ty VNVC. Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ thực hiện theo Điều 26 của Luật Đấu thầu cho mua vắc-xin theo cơ chế đặc biệt để Việt Nam sớm có vắc-xin.
Nguồn thứ ba là vắc-xin của Pfizer. Bộ Y tế đang tiếp tục đàm phán. Khả năng trong năm 2021, Pfizer sẽ cung ứng cho Việt Nam khoảng 30 triệu liều. Nguồn khác là vắc-xin Sputnik V của Nga. Bộ Y tế đang tích cực đàm phán. Trong tuần này, Bộ Y tế sẽ họp hội đồng cấp phép cho vắc-xin của Nga. Nhà sản xuất thông báo có thể cung ứng cho Việt Nam khoảng 60 triệu liều.
Ngoài ra, Bộ Y tế, các tập đoàn, công ty khác không kinh doanh trong lĩnh vực y tế cũng đang thúc đẩy đàm phán với các nhà sản xuất vắc-xin khác.
“Như vậy, trong năm 2021, chúng tôi đảm bảo không thiếu vắc-xin”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Lãnh đạo ngành y tế khẳng định, các công đoạn triển khai vắc-xin trong nước vẫn theo đúng tiến độ. Dự kiến đến năm 2022, Việt Nam có thể sản xuất vắc-xin. Bộ trưởng Long đồng thời bày tỏ sự kỳ vọng vào việc sản xuất vắc-xin của Việt Nam. Trong đó, vắc-xin của Nanogen sẽ thử nghiệm giai đoạn 2 vào tuần này và vắc-xin của IVAC có hiệu quả tốt.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, các nhóm được ưu tiên tiêm trước là lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch bao gồm: Nhân viên y tế; nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên...); nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; lực lượng quân đội; lực lượng công an; giáo viên; người trên 65 tuổi; nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu trong các lĩnh vực hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước...; người mắc bệnh mãn tính; người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ và các nhóm khác theo quy định của Chính phủ.
Trong quý I, dự kiến có 1,3 triệu liều vắc-xin. Trong đó, 117.000 liều đã về ngày 24/2, số còn lại về trong tháng 3. Quý II dự kiến có 9,5 triệu liều và quý III có 25,9 triệu liều; Quý IV có 51,1 triệu liều.
Vắc-xin bảo vệ 100% khỏi bệnh nặng và tử vong
Sáng 24/2, 117.600 liều vắc-xin của Astra Zeneca đã hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM). Số lượng vắc-xin này sẽ được tiêm cho nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19. Tiếp đến là lực lượng biên phòng đang làm nhiệm vụ tại các chốt, lực lượng công an tại các khu vực cách ly phong tỏa, lực lượng lấy mẫu, truy vết, lực lượng phòng chống dịch thuộc tổ Covid-19 cộng đồng, các thành viên tác nghiệp tại khu vực có dịch...
Đầu tháng 3 sẽ tiến hành tiêm vắc-xin này. Cuối tháng 3 có thể thêm 1,2 triệu liều. Việc tiêm vắc-xin được thực hiện trên nguyên tắc ưu tiên người có nguy cơ cao đến người có nguy cơ thấp, vùng có dịch tiêm trước, vùng không có tiêm sau.
Vắc-xin đã được chứng minh là dung nạp tốt và hiệu quả trong ngăn ngừa Covid-19 có biểu hiện triệu chứng. Sau khi tiêm liều đầu tiên, vắc-xin có hiệu lực bảo vệ 76% trong 90 ngày và hiệu lực bảo vệ không suy giảm đáng kể trong khoảng thời gian này. Hiệu lực vắc-xin sau khi tiêm nhắc lần thứ hai cao hơn nếu kéo dài khoảng cách so với liều 1. Hiệu lực đạt 81% khi khoảng cách giữa hai liều tiêm kéo dài trên 12 tuần.
Kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy, vắc-xin Covid-19 của Astrazeneca bảo vệ 100% khỏi bệnh nặng, nhập viện và tử vong do Covid-19 từ thời điểm 22 ngày sau khi tiêm liều đầu tiên. Các phân tích cũng cho thấy, vắc-xin có tiềm năng giảm 2/3 nguy cơ lây truyền virus không triệu chứng.
Vắc-xin Covid-19 AstraZeneca có thể được lưu trữ, vận chuyển và xử lý ở điều kiện lạnh thông thường (2 - 8 độ C) trong ít nhất sáu tháng. Nhờ đó, cho phép sử dụng dễ dàng trong điều kiện cơ sở y tế hiện có.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, đến nay, 10 địa phương của đợt dịch thứ 3 này đã trải qua nhiều ngày không ghi nhận ca mắc mới, như: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội.
“Như vậy, đánh giá chung tình hình dịch trên cả nước có thể thấy, về cơ bản chúng ta đã kiểm soát tốt”, Bộ trưởng Long nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo ngành y tế, kết quả giải trình tự gen của bệnh nhân Nhật Bản đã tử vong và chùm ca bệnh tại Hà Nội cho thấy, đây là virus SARS-CoV-2 nhóm 20C. Chủng này lưu hành chủ yếu tại Hàn Quốc, Sri Lanka, Ấn Độ, Đài Loan... nhưng không có ở Nhật Bản. Tốc độ lây nhiễm không cao, song, mức độ tăng nặng chưa rõ ràng.
“Mầm bệnh có thể đã tồn tại trong cộng đồng. Do vậy, cần nâng cao cảnh giác trong phòng chống dịch”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.