Vào khoảng gần 11h sáng nay 24/2, lô vắc xin COVID-19 đầu tiên đã về đến Việt Nam. Theo thông tin đăng tải trên Tiền Phong, Cục Hải quan TPHCM cho biết, lô vắc xin gồm 117.600 liều vắc xin COVID-19, trị giá hơn 12 tỷ đồng.
Hiện nay, VNVC trở thành đơn vị tiên phong nhập vắc xin COVID-19 và là đơn vị duy nhất được AstraZeneca lựa chọn phân phối COVID-19 vaccine AstraZeneca với số lượng lớn tại Việt Nam.
Đại diện của Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết, đây là vaccine của hãng dược phẩm nổi tiếng toàn cầu AstraZeneca phối hợp với đại học Oxford (Vương quốc Anh) nghiên cứu và sản xuất, được đưa về Việt Nam theo hợp đồng giữa Hệ thống tiêm chủng VNVC và Tập đoàn AstraZeneca đã ký từ tháng 11/2020.
Theo đó, Hệ thống tiêm chủng VNVC đã đặt mua 30 triệu liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca trong năm 2021. Số vaccine này được giao thành nhiều đợt, lô đầu tiên gồm 117.600 liều sẽ được đưa về hệ thống kho lạnh chuyên dụng của VNVC và AstraZeneca.
Theo VNVC, lô vaccine đầu tiên về Việt Nam càng ý nghĩa hơn ở thời điểm đợt bùng phát dịch bệnh đang có nhiều diễn biến phức tạp tại Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh… Với lô vaccine này, Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên trong khu vực châu Á tiếp cận với loại vaccine phòng Covid-19 uy tín hàng đầu thế giới.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 diễn ra sáng ngày 24/2, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin, đối với vắc xin trong nước, các công đoạn vẫn đang theo đúng tiến độ.
Dự kiến đến năm 2022, Việt Nam sẽ sản xuất được vắc xin. Ngành y tế đang rất kỳ vọng vào việc sản xuất vắc xin của Việt Nam, trong đó vắc xin của Nanogen sẽ thử nghiệm giai đoạn 2 trong tuần này và vắcxin của IVAC có hiệu quả rất tốt.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đến sáng 24/2 Việt Nam ghi nhận 2.403 bệnh nhân, trong đó 1.760 bệnh nhân đã khỏi bệnh. Trong số các bệnh nhân đang điều trị, hiện có 2 trường hợp bệnh nhân nặng, đặc biệt bệnh nhân cao tuổi (79 tuổi là người nhập cảnh, có nhiều bệnh nền) đang rất nặng, tiên lượng khó qua khỏi. Các chuyên gia của Hội đồng chuyên môn đã nhiều lần hội chẩn quốc gia điều trị cho trường hợp này.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, đến nay 10 địa phương của đợt dịch thứ 3 này đã trải qua nhiều ngày không ghi nhận ca bệnh gồm: Hòa Bình 25 ngày, Điện Biên 20 ngày, Hà Giang 20 ngày, Bình Dương 19 ngày, Hưng Yên 17 ngày, Bắc Giang 15 ngày, Gia Lai 14 ngày, Bắc Ninh 13 ngày, TP Hồ Chí Minh 12 ngày, TP Hà Nội 9 ngày.
“Như vậy, đánh giá chung tình hình dịch trên cả nước có thể thấy rằng về cơ bản chúng ta đã kiểm soát tốt. Các địa phương đều cơ bản đã triển khai các giải pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng, của Ban Chỉ đạo Quốc gia, của Bộ Y tế” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Đối với chùm ca bệnh tại Hải Phòng, nhận định ban đầu có liên quan đến Hải Dương. Hải Phòng đã lấy gần 3.000 mẫu, trong đó có 358 trường hợp F1 và các trường hợp liên quan. Đến nay tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính.
Đối với tình hình dịch tại Hải Dương, đến nay tình hình đang được kiểm soát tốt. Tốc độ lấy mẫu xét nghiệm và truy vết của Hải Dương tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế không có chủ trương cho xét nghiệm tự nguyện, để tránh gây lãng phí và tốn kém. Đề nghị các địa phương thực hiện theo các văn bản chỉ đạo cụ thể vấn đề này.