Đây là thông tin được ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính (Bộ Y tế) đưa ra tại buổi tọa đàm trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ chiều 6/11.
Tại tòa đàm, ông Liên tin tưởng thời gian tới cùng với nâng giá dịch vụ y tế và hàng loạt giải pháp như chuyển giao kỹ thuật, đổi mới cung cách phục vụ... thì chất lượng y tế các tuyến sẽ từng bước được nâng lên.
Tuy nhiên TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cho rằng với đợt điều chỉnh viện phí lần này, khó có thể tác động được đến chất lượng y tế.
TS Trần Tuấn cho rằng với lần điều chỉnh viện phí lần này, đòi hỏi tăng chất lượng dịch vụ y tế là vượt quá thực tế |
"Với việc tăng viện phí lần này, để chờ đợi sự thay đổi rõ rệt trong chất lượng dịch vụ y tế thì tôi cho rằng nó vượt quá khả năng thực tế hiện nay", TS Tuấn nhận định.
Theo ông Tuấn, chất lượng dịch vụ y tế chịu tác động của nhiều yếu tố, trong khi nền y tế của chúng ta còn rất nhiều vấn đề. Trong đó ngoài chất lượng bác sĩ còn cần phải điều chỉnh về cấu trúc, chức năng, phạm vi hoạt động của các loại hình công – tư rồi chất lượng trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm...
TS Tuấn cũng đánh giá, chất lượng y tế tại các tuyến còn quá vênh nhau, nên dù có điều chỉnh viện phí thì vấn đề quá tải vẫn sẽ diễn ra.
1.800 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng từ 15/11 tới. - Giá khám bệnh sẽ tăng từ 2-4 lần tùy hạng bệnh viện; - Giá giường bệnh tăng khoảng 2 lần, tối đa giá giường hồi sức cấp cứu tại bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt từ 335.000 đồng lên mức xấp xỉ 700.000 đồng/ngày giường; - Một số dịch vụ như đặt nội khí quản cấp cứu sơ sinh cũng tăng từ 950.000 đồng lên gần 1,2 triệu đồng, phẫu thuật nội soi cắt tử cung sẽ điều chỉnh từ 11,3 triệu đồng lên gần 12,5 triệu đồng. |