Bỏ “viên chức suốt đời” – Những điều trăn trở

GD&TĐ - Tới đây, Quốc hội sẽ thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, trong đó có nội dung bỏ chế độ “viên chức suốt đời” hay giữ nguyên như quy định hiện hành. Đây là một vấn đề gây tranh luận sôi nổi ngay trên nghị trường Quốc hội lẫn trong xã hội.

Cần quy định trường hợp đặc cách cho giáo viên. 	Ảnh: INT
Cần quy định trường hợp đặc cách cho giáo viên. Ảnh: INT

Thời gian gần đây, cả trên nghị trường Quốc hội lẫn dư luận xã hội đang diễn ra cuộc tranh luận sôi nổi về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức (CB, CC) và Luật Viên chức (VC). Cụ thể là việc nên hay không nên xóa bỏ chế độ “viên chức suốt đời”. Vì đề nghị này đã đặt ra tình huống lựa chọn dứt khoát giữa hai phương án: Hoặc tiếp tục duy trì tình trạng “Sáng vác ô đi, tối vác về” như hiện nay hay viên chức phải tích cực, năng động để không bị... “sa thải”?

Cụ thể, tinh thần của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CB, CC và Luật VC được Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo có đề xuất phương án quan trọng: Từ 2020, viên chức phải ký hợp đồng xác định thời hạn, tức là xóa bỏ chế độ “viên chức suốt đời”.

Xóa bỏ “viên chức suốt đời”

Dự thảo sửa đổi Điều 25 của Luật VC hiện hành như sau: Kể từ ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CB, CC và Luật VC có hiệu lực (dự kiến từ ngày 1/1/2020), tất cả các trường hợp chưa thực hiện hợp đồng làm việc không xác định thời hạn phải ký kết hợp đồng xác định thời hạn. Còn lại ba trường hợp vẫn được ký kết hợp đồng làm việc không xác định thời hạn là: Viên chức đã ký hợp đồng xác định thời hạn trước ngày 1/1/2020; Cán bộ, công chức chuyển sang viên chức; Viên chức đã thực hiện xong hợp đồng làm việc xác định thời hạn tại các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đáng lưu ý là phương án tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CB, CC và Luật VC có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn (kể cả đối với những trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần 2, theo quy định hiện hành là phải ký hợp đồng không xác định thời hạn).

Như vậy, nếu như đề xuất nêu trên được thông qua, chế độ “viên chức suốt đời” sẽ dần được xóa bỏ và nhiều viên chức hiện nay chưa ký hợp đồng không xác định thời hạn đều phải ký mới lại hợp đồng xác định thời hạn (có thời hạn từ 12 – 36 tháng).

Như đã nêu trên, một trong những điểm mới trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CB, CC và Luật VC là sẽ thực hiện bỏ biên chế suốt đời, viên chức suốt đời. Điểm mới này được kỳ vọng sẽ xóa bỏ cảnh công chức, viên chức chây ì, trì trệ, ngại đổi mới; sẽ thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới nếu luật được thông qua và có hiệu lực.

Chấm dứt cảnh “sáng vác ô đi...”

Theo quan điểm của đơn vị xây dựng Dự thảo Luật mà Chính phủ trình Quốc hội thể hiện phương án bỏ chế độ “viên chức suốt đời” sẽ là “đòn chí mạng” vào sức ì và sự ỷ lại, chấm dứt cảnh “sáng vác ô đi, tối vác về”. Nó sẽ tạo động lực cho sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ để phát triển của đội ngũ viên chức.

Từ thực tế giảm đi số lượng nhân sự đi đôi với tăng lên chất lượng lao động, người được giữ lại ít hơn nên bản thân mỗi người phải luôn nỗ lực, cố gắng để đạt được mục tiêu công tác đề ra, đạt hiệu quả công việc tốt hơn, khắc phục lối sống vô trách nhiệm, ỷ lại, tinh thần thái độ làm việc thiếu nhiệt tình, năng nổ vì nghĩ mình “viên chức suốt đời” nên không dễ gì bị sa thải.

Trong chế độ “viên chức suốt đời” hiện hành, tồn tại một thực tế là: Mặc dù mức lương trong biên chế của người lao động thường rất thấp nhưng an toàn, nên một bộ phận viên chức vẫn an phận thủ thường, thiếu sáng tạo trong việc công, chỉ năng nổ trong việc riêng với tình trạng “chân ngoài dài hơn chân trong”. Bộ phận VC này luôn tìm mọi cách đi làm ngoài để tăng thêm thu nhập. Không ai chịu trách nhiệm cá nhân về những sai phạm trong công việc, mà luôn luôn dựa dẫm vào tập thể cùng sẻ chia trách nhiệm.

Cho nên chế độ “viên chức suốt đời” được xóa bỏ sẽ kích thích viên chức không ngừng đổi mới, sáng tạo, khắc phục tâm lý trì trệ, ỷ lại trong công việc. Đồng thời bảo đảm được cơ chế cạnh tranh, tạo động lực để viên chức đã được tuyển dụng thể hiện năng lực, phấn đấu được ký hợp đồng xác định thời hạn liên tục, cố gắng nâng cao trình độ chuyên môn, hiệu quả, năng suất lao động.

Cần quy định trường hợp đặc cách

Tuy nhiên, việc bỏ hay giữ “viên chức suốt đời” theo kiểu toàn bộ, “đại trà” tuy đạt nhiều ưu điểm song cũng còn tồn tại những khiếm khuyết cần lưu ý xem xét, khắc phục.

Bên cạnh nhiều ý kiến bày tỏ ủng hộ phương án đối với các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi luật này có hiệu lực sẽ thôi ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Tuy nhiên, nhiều luồng ý kiến đề xuất dự thảo luật cần xem xét bổ sung quy định: Đối với đơn vị sự nghiệp công lập ở những địa bàn đặc biệt như hải đảo, biên giới, bãi ngang, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức nên quy định được đặc cách ký kết hợp đồng không xác định thời hạn, nghĩa là giữ nguyên chế độ “viên chức suốt đời” như hiện tại. Bởi vì những khu vực khó khăn đó rất khó tuyển người nên phải có cơ chế ưu đãi để thu hút lao động, quy định chế độ ổn định, lâu dài để viên chức yên tâm công tác.

Ngoài ra, luật cần có điều khoản quy định thêm, bên cạnh đối tượng người lao động hành chính trong các lĩnh vực giáo dục, y tế vẫn áp dụng chính sách chung, riêng đối với những trường hợp là lao động chuyên môn trực tiếp như giáo viên đứng lớp hay các nhân viên y tế đáp ứng yêu cầu đội ngũ có năng lực, tay nghề vững, chuyên môn cao, thì về lâu về dài cũng nên quy định cho họ ký hợp đồng không xác định thời hạn để được ổn định, tránh xáo trộn trong lĩnh vực an sinh.

Nên cẩn trọng

Đây sẽ là một thay đổi rất quan trọng, có ảnh hưởng không nhỏ đến đội ngũ viên chức, nhằm buộc họ phải luôn nỗ lực, cố gắng trong công việc của mình, tránh tình trạng trì trệ, chây ì, ỷ lại, cho nên cần phải hết sức cân nhắc trước khi đi đến kết luận cuối cùng.

Có nên thí điểm trước ở một số ngành nghề, từ kết quả thu được sẽ xem xét thực tiễn rồi mới quyết định dứt điểm là nên bỏ hay giữ chế độ “viên chức suốt đời”, bỏ triệt để hay quy định đối tượng, bộ phận, trường hợp viên chức cụ thể được hưởng chế độ đặc cách...

Đó chính là sự cẩn trọng cần thiết trước một chủ trương lớn của Nhà nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ