“Bỏ túi” những kinh nghiệm giúp sinh viên làm khoa học hiệu quả

GD&TĐ -PGS.TS Nguyễn Thị Trâm – nhà khoa học nổi tiếng với các giống lúa lai của Học viện Nông nghiệp Việt Nam bật mí kinh nghiệm làm nghiên cứu khoa học cho sinh viên, nhất là những sinh viên mới “chập chững” bước vào làm nghiên cứu khoa học.

PGS.TS Nguyễn Thị Trâm – nhà khoa học nổi tiếng với các giống lúa lai của Học viện Nông nghiệp Việt Nam
PGS.TS Nguyễn Thị Trâm – nhà khoa học nổi tiếng với các giống lúa lai của Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Khởi đầu là ý tưởng

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, nếu là sinh viên năm thứ nhất sẽ hơi khó, khi học sang các môn cơ sở thì sẽ có nhiều điều kiện để tiếp cận với khoa học hơn. Đến năm thứ hai phân ra rất nhiều môn và các môn ấy xây dựng cơ sở để cho mình có thể làm được chuyên môn sau này.

Ví dụ, học “ngành cây lương thực có những môn như: khí tượng nông nghiệp, di truyền, chọn giống, sinh lý thực vật… Những môn ấy, mỗi một bài giảng sẽ kèm theo một bài thực tập và có rất nhiều câu hỏi mà các em quan tâm.

Những câu hỏi, thắc mắc ấy sẽ nảy sinh trong đầu những ý tưởng nghiên cứu. Ý tưởng ấy nếu các em trao đổi được với bạn bè, thầy, cô hướng dẫn bài thực tập của mình thì sẽ hình thành những đề tài rất nhỏ” - PGS.TS Nguyễn Thị Trâm dẫn giải đồng thời chia sẻ:

Nếu các em bắt đầu tập những đề tài nhỏ đó và để giải quyết vấn đề, việc đầu tiên các em tìm tài liệu trong nước, sau đấy nếu tốt hơn về ngoại ngữ thì các em tìm tài liệu nước ngoài.

Từ đó các em sẽ hình thành được ý tưởng cách giải quyết một vấn đề như thế nào. Khi đã có ý tưởng rồi thì phải có phương pháp. Nhưng nếu mới chập chững chưa biết phương pháp làm thế nào thì các em lại phải qua các bài thực tập; thầy, cô sẽ dạy cho mình những phương pháp để giải quyết từng vấn đề.

Tuy nhiên, nếu ý tưởng của mình vượt qua những phương pháp đã dạy thì có thể hỏi các thầy, cô giáo của mình. Quan trọng là các em phải chịu khó tập hợp và viết ra khi xuất hiện ý tưởng mới. Sau đó tiếp tục củng cố thêm.

Ghi chép đến nơi đến chốn

PGS.TS Nguyễn Thị Trâm lưu ý: Nếu mình không ghi chép lại thì có thể bị quên mất và có thể sẽ bị lơ mơ không hiểu mình định làm vấn đề gì. Việc ghi chép rất quan trọng, trước khi đi ngủ cần nhìn lại xem việc làm đã đạt yêu cầu đến mức nào, còn những khía cạnh gì chưa hoàn chỉnh và phải luôn luôn đặt ra những câu hỏi trong đầu để làm sáng tỏ nhiều vấn đề.

Từ việc đặt ra câu hỏi ấy, các em sẽ phải tìm thêm sách để giải đáp. Khi làm không ên sốt ruột được. Quan trọng là mình đã chọn, xây dựng được ý tưởng và khi đã làm cái gì thì phải theo đuổi đến cùng.

Tất cả những xuất hiện nho nhỏ mình phải ghi chép đến nơi, đến chốn hoặc có những vật liệu mình phải giữ lại để sau này mình có thể ứng dụng được. Cứ như thế kiên trì theo đuổi mục đích thể nào cũng dẫn đến thành công.

Dẫn giải từ thực tế 50 năm làm về lúa, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm cho biết: Cả đời nghiên cứu về lúa mới ra được những giống lúa có thể phục vụ tốt cho xã hội. Lúc đầu là năng suất cao, chất lượng tốt. Thực tế, công việc đó người ta đã làm đầy ra rồi nhưng mình vẫn có thể tìm ra những khía cạnh mà người ta chưa làm để mình phát triển.

“Vì thế các bạn hết sức chú ý và làm việc khoa học, bao giờ cũng phải có ghi chép. Các bạn phải luôn luôn ghi nhớ và tạo ra cho mình một phương pháp làm việc tốt, ghi chép đến nơi đến chốn và cái gì cần đặt câu hỏi to mình đánh dấu hỏi lớ, cái gì cần đặt câu hỏi nhỏ thì mình đánh dấu hỏi nhỏ. Trên cơ sở những dấu hỏi đấy mình sẽ đi tìm tài liệu để giải quyết vấn đề” – PGS.TS Nguyễn Thị Trâm bật mí kinh nghiệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ