Lưu ý với từng nhóm thí sinh
Thí sinh dự thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT chia làm hai nhóm gồm: thi xét tốt nghiệp và thi để làm căn cứ xét tuyển đại học.
Với những học sinh chỉ thi tiếng Anh để xét tốt nghiệp, cô Xuân cho rằng các em nên tập trung luyện tập các câu hỏi gồm: phát âm đuôi-ed; tìm từ có phần gạch chân phát âm khác với các từ còn lại.
Kiến thức ngữ pháp cần ôn luyện rơi vào các chủ đề: câu hỏi đuôi; sự kết hợp thì trong mệnh đề thời gian; sự kết hợp của thì quá khứ đơn – quá khứ tiếp diễn, thì tương lai hoàn thành với thì hiện tại đơn, thì tương lai đơn với thì hiện tại đơn, hiện tại hoàn thành; câu chủ động, bị động; cụm giới từ.
Thí sinh cũng không nên bỏ qua kiến thức về so sánh lũy tiến; trật tự của tính từ trước danh từ; phân biệt cách sử dụng của liên từ (because, although, though, even though) và giới từ (because of, in spite of, despite); câu hỏi từ loại; câu hỏi tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa.
Trong đề thi cũng có ít nhất một câu hỏi tình huống giao tiếp; đại từ quan hệ; lượng từ (nằm trong bài đọc điền từ); thì của động từ (nằm trong bài tìm lỗi sai). Bên cạnh đó là 2-3 câu hỏi tìm từ đồng nghĩa giúp thí sinh kiếm điểm.
Với những thí sinh thi Tiếng Anh để xét tuyển đại học, các em phải giành trọn điểm các câu hỏi liên quan đến phát âm; trọng âm; ngữ pháp; bài đọc hiểu số 1; ít nhất 2-3 câu trong bài đọc hiểu số 2; tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa…
Trong quá trình ôn tập, những học sinh có mục tiêu đạt từ 9 cần chú ý luyện tập dạng bài đọc hiểu số 2; thành ngữ; tìm từ cùng trường nghĩa (nằm trong bài đọc đục lỗ); hoàn thành câu; tìm lỗi sai.
Làm chủ dạng bài "khó nhằn"
Một trong những dạng bài khiến thí sinh hai nhóm lo ngại là đọc hiểu trả lời câu hỏi với một bài dễ và một bài khó. Cô Xuân nhận xét bài đọc hiểu dễ thường có ngôn từ, cấu trúc câu, chủ đề đơn giản nên không gây nhiều khó dễ cho học sinh.
Bài đọc hiểu khó sở hữu lượng ngôn từ, cấu trúc câu, chủ đề phức tạp hơn. Dạng bài này chứa nhiều thành ngữ tiếng Anh nên ít nhiều khiến thí sinh lúng túng khi đọc hiểu đoạn văn và chọn đáp án. Đây cũng là dạng bài mang tính phân loại cao, thường nằm trong câu hỏi tìm ý chính, NOT TRUE, từ vựng, suy luận.
Những câu hỏi này yêu cầu thí sinh có kiến thức nền, kỹ năng đọc hiểu tốt và khả năng tư duy tốt. Song song, thí sinh cần trau dồi vốn từ vựng nâng cao, đọc và thực hành nhiều. Chủ đề của các bài đọc hiểu thường xoay quanh các chủ đề trong sách giáo khoa nên trong quá trình học trên lớp hoặc trong quá trình ôn tập, các em cần học thuộc từ vựng theo các UNIT trong sách giáo khoa. Ngoài ra, với mỗi 1 chủ đề, học sinh cần nắm rõ các kiến thức nền liên quan.
Ví dụ, trong chủ đề về môi trường, thí sinh cần hiểu thế nào là hiện tượng hiệu ứng nhà kính, cái gì gây ra hiệu ứng nhà kính, kiến thức về sự biến đổi khí hậu và các hậu quả của nó hoặc các phong trào xanh v.v. Khi có kiến thức nền tốt về một chủ đề nào đó, việc đọc hiểu và loại bỏ phương án sai sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Ngoài ra, mỗi dạng câu hỏi trong bài đọc hiểu đòi hỏi kỹ năng xử lý khác nhau. Ví dụ, với dạng câu hỏi ý chính, thí sinh nên để cuối cùng sau khi trả lời hết các câu hỏi của bài đọc hiểu và đã đọc bài ít nhất một lần. Ý chính của bài đọc xuất hiện linh hoạt, có thể trong câu đầu tiên, câu cuối cùng của đoạn đầu hoặc đoạn cuối. Vì vậy, thí sinh cần đọc hết cả bài nhưng nên đọc kỹ đoạn đầu và đoạn cuối để tìm ý chính.
Với từng câu hỏi chi tiết, việc đầu tiên là xác định từ khóa của câu hỏi, tìm từ khóa hoặc từ đồng nghĩa của từ khóa trong bài, rồi đọc câu có chứa từ khóa để tìm đáp án.
Câu hỏi tìm từ đồng nghĩa đòi hỏi học sinh phải có khả năng đọc và suy luận nghĩa của từ trong ngữ cảnh. Cách làm hiệu quả là lần lượt thay 4 phương án vào vị trí của từ rồi lựa chọn từ hợp lý nhất trong ngữ cảnh. Câu hỏi đại từ liên hệ trong bài đọc hiểu thường không quá đánh đố và đáp án thường được nhắc đến ở phía trước hoặc trong câu trước đó.
Ôn tập trong giai đoạn nước rút
Với dạng bài đọc điền từ, đa số thí sinh sẽ mất điểm ở câu hỏi về liên từ, trạng từ liên kết. Để làm đúng, các em cần phải đọc hiểu và xác định được mối quan hệ về mặt ý nghĩa giữa các mệnh đề trong cùng một câu hoặc giữa câu trước và câu sau. Ví dụ, học sinh cần xác định được mối quan hệ của 2 mệnh đề ở đây là chỉ sự so sánh, đối chiếu, tương phản, hay nguyên nhân, kết quả, v.v.
Tuy nhiên, dạng câu hỏi mà học sinh hay để mất điểm nhất trong dạng bài đọc điền từ là 2 câu hỏi liên quan đến từ vựng, cụ thể là “những từ cùng trường nghĩa”. Bên cạnh vốn từ vựng tốt, các em cần phải làm nhiều dạng bài liên quan đến từ cùng trường nghĩa. Đây cũng là 2 câu hỏi phân loại, dành cho những bạn muốn đạt điểm cao.
Theo cô Xuân, thí sinh nên luyện khoảng 2-3 đề mỗi tuần. Song song với luyện đề, các em cần làm thêm bài tập tổng ôn liên quan đến các chuyên đề như cụm động từ, kết hợp từ, trọng âm, phát âm, v.v. Tập trung vào những kiến thức còn đang yếu để đảm bảo ôn tập toàn diện các kiến thức, nâng cao kỹ năng làm bài thực chiến qua quá trình luyện đề và tối ưu thời gian ôn tập.