Bí quyết đạt điểm cao môn Tiếng Anh: Lưu ý “bẫy” khi làm câu hỏi khó

GD&TĐ - Kiến thức cần nhớ, kinh nghiệm học và làm bài cấu trúc viết lại câu, mẹo làm câu hỏi khó… khi làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh được cô Đinh Kim Oanh "bật mí" cùng sĩ tử.

Cô Đinh Kim Oanh - Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) cùng học trò. Ảnh: NVCC
Cô Đinh Kim Oanh - Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) cùng học trò. Ảnh: NVCC

Cô Đinh Kim Oanh là Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ).

Phân bổ thời gian làm bài hợp lý

Để làm tốt bài thi tiếng Anh, cô Kim Oanh bật mí cách học từ vựng, ngữ pháp và phát âm cho học sinh: Về cách học từ vựng, nguyên tắc học phổ biến là học từ theo cụm (collocation), không nên học từ đơn lẻ. Khi học một từ, các em phải liên tưởng đến từ có liên quan. Ví dụ, khi học động từ look phải liên tưởng đến: Look for, look after, look up, look up to, look down on…

Riêng ngữ pháp, đây là phần chiếm nhiều điểm số nhất, vì vậy học sinh cần nắm vững các điểm văn phạm căn bản, cách làm bài thi trắc nghiệm. Các điểm văn phạm căn bản như sự hòa hợp giữa các thì, câu bị động, câu gián tiếp, mệnh đề tính từ, mệnh đề trạng từ… Có sổ tay ghi chép trong suốt quá trình ôn luyện.

Bí quyết đạt điểm cao môn Tiếng Anh: Lưu ý “bẫy” khi làm câu hỏi khó ảnh 1
Clcik vào ảnh để xem nội dung.

Phát âm cũng là phần quan trọng. Vì nói đúng thì mới nghe tốt và truyền đạt ý tưởng của mình đến người nghe chính xác nhất. Cô Oanh lưu ý học sinh cần nắm vững hệ thống phiên âm quốc tế và tập thói quen luôn tra cứu phiên âm mỗi khi bắt gặp từ mới.

Học sinh cần đọc kỹ hướng dẫn làm bài thi, đọc đáp án xem câu hỏi tập trung vào phần nào (từ vựng hay ngữ pháp, điểm ngữ pháp gì) và sau đó mới đọc câu hỏi. Làm câu dễ trước, làm tới đâu tô vào phiếu trả lời tới đó. Không nên làm hết mới tô vì khi tô như vậy chỉ cần chệnh 1 câu sẽ chệch nhiều câu tiếp theo. Nhất là đang làm bài nhưng các em vẫn canh cánh lo chưa tô vào bảng trả lời sẽ phân tâm lo lắng. Theo kinh nghiệm của cô Oanh, khi nhìn bảng trả lời đã tô nhiều câu, cảm giác an toàn sẽ giúp các em có thể suy nghĩ ra những câu còn vướng mắc dễ dàng hơn.

Không bỏ bất kỳ câu hỏi nào, nếu không biết, hãy loại trừ và chọn đáp án mà em thấy có lý nhất. Trong khi làm bài thi, các em nên làm câu nào chắc câu ấy, để không mất thời gian xem lại. Với câu khó, nếu chưa chắc chắn các em vẫn nên tô vào bảng trả lời và đánh dấu vào câu đó trên đề, vì nếu còn thời gian có thể xem lại các câu này. Nếu không, các em sẽ quên luôn và không chọn đáp án nào cả. Hoặc không có thời gian để xem lại nên các em sẽ bỏ qua, sẽ mất điểm.

Việc phân bổ thời gian cũng rất quan trọng, các em không nhất thiết phải làm theo trình tự trong đề thi, làm câu dễ trước, câu khó sau. Theo cô Kim Oanh, thứ tự nên là ngữ âm - trọng âm - các câu từ vựng và ngữ pháp - câu giao tiếp - tìm lỗi sai - biến đổi câu, nối câu - đồng nghĩa, trái nghĩa - điền từ vào đoạn văn - đọc hiểu ngắn - đọc hiểu dài. Sau khi làm phần dễ, các em sẽ tự tin hơn để hoàn thiện các phần tiếp theo. Tránh để tình trạng làm bài khó trước dẫn đến mất tự tin, lo lắng ảnh hưởng đến tâm lý làm bài.

Học sinh Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa trong một chuyến đi trải nghiệm thực tế.
Học sinh Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa trong một chuyến đi trải nghiệm thực tế.

Chuẩn bị cho những câu khó

Theo cô Đinh Kim Oanh, đọc hiểu trong môn thi Tiếng Anh là phần khó nhất trong đề thi bởi học sinh phải mất nhiều thời gian, bài đọc dài và có nhiều từ mới. Nếu các em không biết phân bổ thời gian làm bài hợp lý sẽ thiếu thời gian đầu tư cho phần đọc và dẫn tới việc “tô bừa” đáp án.

Để làm tốt bài đọc hiểu, cô Oanh lưu ý học sinh cần có vốn từ về các chủ điểm và nắm vững chiến lược đọc, có kỹ năng đọc lướt, đọc chi tiết, tìm nội dung cụ thể, suy luận. Hơn nữa, đoán nghĩa của từ dựa vào ngữ cảnh cũng giúp các em làm bài tốt hơn vì không phải tất cả từ các em đều biết. Không nên cố gắng dịch toàn bộ bài đọc sang tiếng Việt vì không có đủ thời gian, nắm nghĩa của bài đọc khoảng 60 - 70% là có thể làm được bài.

Đồng thời, trong khi làm bài, học sinh nên đọc tiêu đề bài, đọc câu đầu và cuối mỗi đoạn, lướt qua câu hỏi và gạch chân từ khóa của câu hỏi, câu nào về từ vựng làm trước. Sau đó đến các câu chi tiết, câu ý chính làm cuối cùng. Thứ tự các câu hỏi thường theo thứ tự bài đọc

Riêng về phần biến đổi và nối câu, đây cũng là một phần khó trong bài thi, đòi hỏi học sinh phải nắm vững các điểm ngữ pháp cũng như hiểu nghĩa của câu. Các câu ở dạng biến đổi câu hoặc nối câu thường ở mức độ vận dụng hoặc vận dụng cao. Giống như đề thi năm trước, trong đề minh họa năm nay có 3 câu hỏi thuộc dạng biến đổi câu và 2 câu thuộc dạng nối câu.

Bí quyết đạt điểm cao môn Tiếng Anh: Lưu ý “bẫy” khi làm câu hỏi khó ảnh 3
Click vào ảnh để xem nội dung

Theo cô Oanh, dạng bài này, các câu hỏi thường liên quan đến các điểm ngữ pháp như loại mệnh đề trạng ngữ, biến đổi thì, cấu trúc đảo ngữ, giả định, câu điều kiện, mệnh đề quan hệ, cấu trúc bị động, câu trực tiếp và gián tiếp, vận dụng các liên từ theo mối quan hệ đẳng lập hoặc chính phụ, nguyên nhân - kết quả… Cụ thể theo đề minh họa năm nay, phần biến đổi và nối câu nhấn mạnh vào: Tense transformation (quá khứ sang hiện tại hoàn thành); Reported speech (I will… - He promised to V); Modal verb (It is necessary for you… - You should….; Wish (unreal in the present); Inversion (Only after…).

Ở phần biến đổi thì, khi câu hỏi bài thi dùng thì quá khứ, các dấu hiệu thời gian thường là ago, last year/month… trong khi for hoặc since được dùng với thì hiện tại hoàn thành. Do to somewhere/ get married được dùng với thì quá khứ, còn be to somewhere/ be married được dùng với thì hiện tại hoàn thành.

Trong phần câu tường thuật, các em cần nhạy bén tìm đúng động từ cần sử dụng để tường thuật, dựa vào phân tích câu đề. Thí dụ, câu đề có: Would you like… thì câu tường thuật sẽ dùng động từ invite; You should…/ If I were you, I would… - advise; Shall we… - suggest; Don’t forget/remember… remind…

Khi câu đề có những dấu hiệu sau đây sẽ được chuyển sang động từ khiếm khuyết tương ứng. Thí dụ: I am sure you… You must V (chắc là); I am sure (+not)… S can’t V; It is necessary for you to… You need to V/ You have to…

Khi diễn tả điều ước trong hiện tại, ta dùng thì quá khứ (V2/ed); diễn tả điều ước trong quá khứ, ta dùng quá khứ hoàn thành (had V3/ed).

Các em cần dành thời gian để ôn luyện các chủ điểm ngữ pháp và chú ý vào những trường hợp đặc biệt, nâng cao. Ngoài ra, trong quá trình luyện đề, câu hỏi có đáp án nhiễu, sai, các em nên suy nghĩ cách làm sao cho đáp án trở nên đúng. Đó cũng là cách ôn tập phần tìm lỗi sai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikTok 'lâm nạn' ở Mỹ

GD&TĐ - Lần thứ hai trong không đầy 4 năm, ứng dụng TikTok bị đưa vào vòng ngắm của chính quyền Mỹ.
Hiện nay, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang trở nên phức tạp hơn thể hiện qua số lượng đáng báo động là 13.900 vụ tấn công mạng được ghi nhận vào năm 2023.

'Giải mã' mục tiêu của mã độc Ransomware

GD&TĐ - Ransomware là một loại virus được mã hóa có nguy cơ gây tổn thương hệ thống mạng toàn cầu; cứ 11 giây, một tổ chức là mục tiêu của mã độc Ransomware.