Bên cạnh nhiệm vụ bảo đảm an toàn, thầy cô, học trò nói riêng và toàn ngành Giáo dục cùng tập trung sức lực, thời gian để hoàn thành chương trình năm học.
Tâm lý ổn định, tâm thế vững vàng của thầy và trò trong những ngày đầu trở lại trường lớp cho thấy sự vào cuộc cũng như chủ động thích ứng với dịch bệnh có diễn biến phức tạp của toàn ngành, chỉ đạo sát sao của vị “tư lệnh” - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thông qua văn bản hướng dẫn phòng chống dịch, tinh giản nội dung chương trình và cả thay đổi của kỳ thi THPT. Bên cạnh đó còn là sự sát cánh, đồng hành của lãnh đạo ngành với đội ngũ nhà giáo ngoài công lập. Sẻ chia với khó khăn của thầy cô, Bộ có văn bản kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành liên quan trong việc hỗ trợ trường ngoài công lập, giáo viên tiếp cận chính sách của Nhà nước…
Giờ đây, những lo lắng về khả năng không hoàn thành theo kế hoạch chương trình năm học do ảnh hưởng của Covid-19 dường như đã qua đi. Ở bậc học phổ thông, nhiều trường học trên cả nước đã hết sức lạc quan khẳng định kết thúc chương trình năm học sớm, không ảnh hưởng đến kế hoạch năm. Các trường đại học, cao đẳng tiếp tục thực hiện chương trình tư vấn tuyển sinh quen thuộc, tự tin xét tuyển với quyền tự chủ tối đa trên tinh thần luật định. Những lo lắng về thay đổi phương thức tuyển sinh không còn, khi nhiều trường nói không với tổ chức thi riêng. Việc tự tin sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh cho thấy quyết sách đúng đắn của Bộ khi tổ chức kỳ thi vừa giảm áp lực cho HS, gia đình nhưng vẫn đáp ứng nhiều mục tiêu khác nhau.
Đi qua dịch bệnh cũng là khoảng thời gian thầy trò trên cả nước thực hiện tinh thần “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”. Nhiều nhà giáo dục cho rằng, có được thành công này là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Bộ GD&ĐT, linh hoạt trong việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học, triển khai đa dạng các hoạt động dạy học trong mùa dịch bệnh để bảo đảm tiến độ, chương trình năm học. Cùng với đó là sự chung tay góp sức của chính quyền địa phương, nhà trường và phụ huynh, học sinh cùng vào cuộc. Các doanh nghiệp công nghệ, hưởng ứng tích cực đưa ra các phần mềm dạy học trực tuyến miễn phí… làm nên thành công chung.
Ngành Giáo dục bước vào giai đoạn dạy - học trên tinh thần thích nghi với trạng thái “bình thường mới”. NGND Lưu Xuân Giới, nguyên Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh lạc quan cho rằng: Học sinh đi học trở lại vào ngày 4/5, trong khi thời gian quy định đến ngày 15/7 mới kết thúc năm học nên các nhà trường có đủ thời gian để ôn lại kiến thức đã học trực tuyến cũng như dạy kiến thức mới. Việc ôn tập cho học sinh khối 12 cũng không quá khó khăn vì Bộ GD&ĐT đã chủ động tinh giản chương trình.
Đây là căn nguyên quan trọng để bước vào trạng thái “bình thường mới”, hoạt động dạy học vẫn giữ được chất lượng và sự ổn định cần thiết. Nhưng dịch Covid-19 chưa chấm dứt hoàn toàn, cho dù trên cả nước không còn ghi nhận ca nhiễm mới nhưng các trường không được chủ quan. Cùng với việc tổ chức dạy học, nhà trường vẫn phải bảo đảm các yếu tố cần thiết để phòng chống dịch bệnh. Nâng cao ý thức giữ gìn sức khỏe bản thân, môi trường xung quanh phòng chống dịch bệnh, để việc day - học diễn ra như kế hoạch là yêu cầu của ngành với nhà trường, thầy cô và học sinh trên cả nước. Đây cũng là mong muốn, gửi gắm của cha mẹ tới thầy cô và toàn ngành. Chủ động thích ứng với tình hình mới là đòi hỏi và cũng là nhu cầu tự thân của mỗi giáo viên, nhà trường và xa hơn là toàn ngành Giáo dục thời gian qua.