Tham dự Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa đại biểu Quốc hội và đại diện cấp ủy cơ sở thuộc Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh Bình Định sau kỳ họp thứ 5 – Quốc hội khóa XIV, có ông Lê Công Nhường – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, bà Hồ Thị Kim Thu – Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định, bà Lê Bình Thanh – Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Bình Định.
Tại hội nghị, cử tri bày tỏ vui mừng với những kết quả mà kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV và mong muốn Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục tổ chức tiếp xúc cử tri theo hình thức hội nghị chuyên đề để cử tri có điều kiện bày tỏ, phản ánh nguyện vọng, ý kiến của mình.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định tiếp xúc cử tri |
Trả lời những vấn đề cử tri quan tâm, trước hết về các giải pháp nhằm nâng cao năng suất lao động của người Việt Nam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Những năm gần đây, năng suất lao động của người Việt Nam đã được nâng cao đáng kể. Tuy nhiên, hiện nay so với năng suất lao động của nhiều nước trong khu vực và quốc tế, năng suất lao động của người Việt Nam còn thấp.
Về chất lượng giáo dục đại học, không phải đến bây giờ Bộ GD&ĐT mới quan tâm đến vấn đề này, mà trong thời gian qua Bộ GD&ĐT đã rất chú trọng ban hành, chỉ đạo thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục đại học thông qua đề án nâng cao chất lượng đào tạo với những giải pháp hết sức căn cơ.
Cử tri đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. |
Trong đó, tập trung vào giải pháp cơ bản, đó là: Quy hoạch mạng lưới hệ thống các đại học, cao đẳng, cơ sở dạy nghề. Nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường giám sát các điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở đào tạo, nếu các cơ sở nếu không đảm bảo được các điều kiện đảm bảo chất lượng Bộ GD&ĐT thực hiện đình chỉ tuyển sinh đào tạo.
Thực hiện cơ chế ưu tiên đối với các cơ sở đào tạo chất lượng, hiệu quả. Đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; trong đó tự chủ về tuyển sinh, các trường sẽ xây dựng chương trình tuyển sinh các ngành nghề trên cơ sở khảo sát nhu cầu của xã hội và điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của mình; các cơ sở đào tạo thực hiện tự chủ về bộ máy, cơ cấu tổ chức trên nguyên tắc hiệu quả và thực hiện tự chủ về tài chính… Đó là những giải pháp hết sức căn cơ để nâng cao chất lượng đào tạo đại học, hướng tới nâng cao năng suất lao động của người Việt Nam
Trao đổi với cử tri về chất lượng giảng dạy môn Giáo dục công dân ở các trường phổ thông, phẩm chất của người giáo viên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay: Đây là những vấn đề là nhiệm vụ của ngành GD&ĐT. Đối với bộ môn Giáo dục công dân đã trở thành môn học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay và trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Các nội dung giáo dục đạo đức, giá trị sống, kĩ năng sống, kinh tế, pháp luật là những nội dung chính ở cả ba cấp học nhằm hướng đến mục tiêu dạy làm người cho học sinh.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh quá trình đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên, phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, có lộ trình bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tại từng cơ sở giáo dục nhằm nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất của giáo viên.
Về hình thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, Bộ trưởng cho biết: Với cách thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015 đến nay đã đạt được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực, khách quan và công bằng, tạo được niềm tin của xã hội.
Với hình thức này, kỳ thi THPT quốc gia đã thực sự tạo thuận lợi, giảm tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội. Ngoài mục đích chính của kỳ thi THPT quốc gia là nhằm đánh giá quá trình dạy học trong suốt quá trình 12 năm của các cơ sở giáo dục, thì kết quả kỳ thi còn là một kênh để các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng trong thực hiện tuyển sinh cạnh tranh.