Tham gia còn có ông Đặng Hoài Tân – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Định, thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bình Định; lãnh đạo chính quyền địa phương, các đơn vị chức năng huyện Phù Mỹ và gần 300 đại biểu đại diện cho cử tri các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
Bảo lưu chế độ thâm niên cho nhà giáo được bổ nhiệm làm cán bộ quản lý
Cử tri huyện Phù Mỹ kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội. |
Sau khi nghe báo cáo kết quả công tác của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định từ sau kỳ họp thứ 3 (tháng 6/2017) đến trước kỳ họp thứ 4 của Quốc hội (tháng 9/2017) và dự kiến nội dung chương trình kỳ họp thứ 4 – Quốc hội khóa XIV, tiếp thu giải trình ý kiến phát biểu, kiến nghị của các đại biểu cử tri; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Phù Mỹ.
Các ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Phù Mỹ gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Đình tập trung vào các nội dung như: việc thực hiện chế độ thâm niên nhà giáo; mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung; điều kiện cơ sở vật chất trường lớp học; hệ thống cơ sở hạ tầng xuống cấp; công tác phòng, chống tham nhũng; tình hình dạy thêm, học thêm và lạm thu trong trường học…
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã tiếp thu, trả lời và làm rõ các nội dung kiến nghị của cử tri huyện Phù Mỹ.
Giải đáp ý kiến cử tri phản ánh về việc thực hiện chính sách đối với nhà giáo, chế độ thâm niên nhà giáo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Đội ngũ nhà giáo là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết số 29.
Đến nay, nước ta có khoảng 1,4 triệu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, trong đó có khoảng 1 triệu giáo viên là viên chức, chiếm khoảng 52% tổng số viên chức của cả nước. Chủ trương của Đảng, Nhà nước xác định vị thế của đội ngũ nhà giáo là rất quan trọng.
Trong tháng 4/2017, Bộ GD&ĐT đề nghị với Chính phủ và Chính phủ đã đề nghị với Quốc hội sửa đổi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học, trong đó có một nội dung rất quan trọng về nhà giáo, nhằm khẳng định vị thế của nhà giáo. Thời gian tới Bộ GD&ĐT cũng sẽ xem xét đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo nhằm khẳng định vị thế, chế độ, chính sách, quyền hạn đối với nhà giáo một cách tốt nhất.
Việc giáo viên khi được điều chuyển sang cơ quan quản lý giáo dục các cấp không được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên gây thiệt thòi cho đội ngũ nhà giáo và cũng gây khó khăn cho công tác giới thiệu, bổ nhiệm nhà giáo có nhiều kinh nghiệm vào đội ngũ cán bộ quản lý. Đây là vấn đề mà đội ngũ nhà giáo, Sở GD&ĐT các địa phương và Bộ GD&DT rất quan tâm. Bộ GD&ĐT đang phối hợp với các Bộ ngành hữu quan báo cáo Chính phủ sớm có quyết định về việc này.
Bình Định có khoảng 130 tỷ tiền kiên cố hóa trường lớp học
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ giải đáp, làm rõ những ý kiến, kiến nghị của cử tri. |
Giải đáp về ý kiến cử tri băn khoăn về điều kiện cơ sở vật chất trường lớp học còn thiếu thốn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay: Vấn đề đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất trường lớp học được Chính phủ, Bộ GD&ĐT hết sức quan tâm.
Hiện nay trên cả nước có gần 30% trường lớp là bán kiên cố, tranh tre nứa lá; nhiều nơi ở vùng biên giới, bãi ngang, vùng sâu, vùng xa có điều kiện cơ sở vật chất còn rất khó khăn, thiếu thốn; nhiều công trình trường học không được duy tu, bảo dưỡng đã xuống cấp.
Bộ GD&ĐT đã thực hiện rà soát và đã trình Chính phủ một Đề án kiên cố hóa trường lớp học cho giáo dục mầm non và phổ thông, các bộ, ngành cũng nhất trí, tuy nhiên việc cân đối ngân sách còn gặp rất nhiều khó khăn.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ: Cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên là hai vấn đề mà Bộ GD&ĐT cảm thấy rất trăn trở, nhất là khi toàn ngành GD&ĐT chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Chính phủ nắm rất rõ vấn đề này và đang nỗ lực, quyết tâm ưu tiên các nguồn vốn, chương trình, dự án cho các địa phương còn khó khăn. Trong kế hoạch trung hạn (2017-2020), tỉnh Bình Định có khoảng 130 tỷ tiền kiên cố hóa trường lớp học.
Theo đó, khi Đề án kiên cố hóa trường lớp cho giáo dục mầm non và phổ thông được phê duyệt, có kinh phí, thì Bộ GD&ĐT sẽ làm việc với các địa phương để triển khai, khắc phục tình trạng khó khăn cơ sở vật chất trường lớp học. Với phương châm Nhà nước, địa phương và nhân dân cùng chung tay góp sức đầu tư cho giáo dục.
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ mong muốn thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri, nhân dân, cử tri chia sẻ với những khó khăn mà ngành GD&ĐT đang giải quyết, có cái nhìn rộng rãi về các vấn đề liên quan đến GD&ĐT; chính quyền địa phương cũng chia sẻ trách nhiệm, để cùng Bộ GD&ĐT giải quyết tốt hơnn các vấn đề về giáo dục.
Cử tri lắng nghe giải đáp, làm rõ các kiến nghị của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. |
Sáng ngày 29/9, ông Đặng Hoài Tân báo cáo kết quả công tác của Đoàn từ sau kỳ họp thứ 3 (tháng 6/2017) đến trước kỳ họp thứ 4 của Quốc hội (tháng 9/2017). Theo đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã ghi nhận được 72 ý kiến, kiến nghị của cử tri. Các ý kiến, kiến nghị tập trung vào những vấn đề: công tác điều hành, quản lý kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu; chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, chế độ tiền lương….
Qua công tác tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã tập hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri, báo cáo kịp thời Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Trung ương MTTQVN. Đối với những kiến nghị liên quan ở địa phương, Đoàn đã tổng hợp và có văn bản gửi đến HĐND, UBND các cấp và các ngành liên quan trong tỉnh xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Về công tác xây dựng pháp luật, Đoàn đã tổ chức được hai Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) và Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi). Đây là hai dự thảo Luật được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4. Đoàn nhận được 97 đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Số đơn, thư thực tế thụ lý giải quyết là 79 đơn, trong đó chuyển đến các cơ quan thẩm quyền xem xét, giải quyết 31 đơn.
Về công tác giám sát, trong thời gian qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục nghiên cứu các nội dung về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 trên địa bàn tỉnh; đã khảo sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của một số công dân đối với các cơ quan có thẩm quyền; phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét một số trường hợp giải quyết khiếu nại trong quá trình vướng mắc khi tổ chức thi hành một số bản án, quyết định của tòa án các cấp.