Cử tri Bình Định đặt câu hỏi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải đáp

GD&TĐ - Chiều 12/5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng các đại biểu Quốc hội khóa XIV, tỉnh Bình Định đã tiếp xúc cử tri là cán bộ quản lý ngành giáo dục thành phố Quy Nhơn và cán bộ quản lý Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải đáp những thắc mắc của cử tri Bình Định về các vấn đề liên quan đến ngành GD&ĐT
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải đáp những thắc mắc của cử tri Bình Định về các vấn đề liên quan đến ngành GD&ĐT

Sẽ bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên đáp ứng chương trình – sách giáo khoa mới

 Từ tháng 9 năm nay sẽ tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lại cho giáo viên cốt cán trước và sẽ tiến hành theo hình thức cuốn chiếu và dự kiến đến năm 2023 là hoàn thành. Đối với một số giáo viên lớn tuổi, nếu xin nghỉ hưu sớm, Bộ GD&ĐT sẽ bàn lại với Bộ Nội vụ để tạo điều kiện để họ nghỉ hưu với chế độ hợp tình, hợp lý.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Trả lời những thắc mắc của cử tri về Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết:

Khi áp dụng chương trình mới sẽ có những thay đổi rất căn bản. Chương trình cũ dạy các tiết học rất rời rạc, dạy theo hướng tiếp cận kiến thức, còn cách dạy mới sẽ theo hướng tiếp cận phẩm chất, năng lực người học nên sẽ có sự tổng hợp kiến thức, tích hợp, liên môn.

Như vậy dẫn đến tình trạng nhiều giáo viên đang đứng lớp phải bồi dưỡng, đào tạo lại. Quá trình đào tạo bồi dưỡng ấy không phải giáo viên nào cũng thích hợp, cũng đáp ứng được yêu cầu. Chính phủ đã đề nghị Bộ GD&ĐT xây dựng Đề án đào tạo lại giáo viên đáp ứng chuẩn mới. Ban Dự án hiện đang rà soát xây dựng các chuẩn giáo viên và chuẩn quản lý, đào tạo theo chuẩn mới.

Từ chuẩn này, sẽ tiến hành rà soát khoảng 1,4 triệu giáo viên hiện có, xem họ đang ở đâu so với các tiêu chuẩn. Đây sẽ là căn cứ để xây dựng các chương trình bồi dưỡng cho giáo viên đạt mức chuẩn tối thiểu đáp ứng chương trình mới và tổ chức đào tạo bồi dưỡng. Nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng sẽ do các trường sư phạm đảm nhiệm.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng chia sẻ những áp lực, khó khăn của giáo viên mầm non. Với bậc học mầm non, hướng tới sẽ đẩy mạnh xã hội hoá, nhà nước sẽ hỗ trợ theo đầu trẻ. Để giảm áp lực đối với các nhà trường và đội ngũ giáo viên, hiện Bộ GD&ĐT đang có đề án tăng cường cơ sở vật chất cho bậc học mầm non, hy vọng là tới đây Chính phủ sẽ thông qua đề án để giúp cải thiện những khó khăn của bậc học này.

Bộ trưởng đề nghị các địa phương không nên chạy đua thành tích, không đặt chỉ tiêu bao nhiêu trường đạt chuẩn quốc gia, trong khi tiềm lực chưa đủ dẫn đến tình trạng “nợ chuẩn”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn đại biểu Quốc hội Bình Định tiếp xúc cử tri

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn đại biểu Quốc hội Bình Định tiếp xúc cử tri 

Công tác thi đua sẽ kèm theo hậu kiểm

Trả lời về việc hàng năm giáo viên phải đăng ký sáng kiến kinh nghiệm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Bộ GD&ĐT đã chủ trương, từ năm học tới sẽ không lấy việc đăng ký sáng kiến kinh nghiệm làm tiêu chí thi đua.

Thi đua là cần thiết nhưng phải hậu kiểm. Các cô thầy sáng tạo thì được thưởng, các trường chủ động phát hiện, khích lệ, tạo điều kiện. Rồi cấp Phòng, Sở, Bộ trân trọng biểu dương, ghi nhận những thầy cô có kết quả sáng tạo. Việc này khác kiểu truyền thống, là thầy cô nào cũng có sáng kiến; cái cần là phải có thành tích, sáng tạo thực sự, chứ không phải bắt giáo viên đăng ký thi đua, làm sáng kiến kinh nghiệm, gây áp lực nặng nề lên giáo viên…

Tránh "bê tông hóa" trong biên chế

Trả lời về việc giáo viên dạy tăng giờ, dạy ngày 2 buổi, Bộ trưởng cho rằng: Tăng thời gian, có hiệu quả thì phải tăng chế độ. Hiện đang là định biên, hướng tới Bộ sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên, mà theo chế độ hợp đồng có vào - có ra, có chế độ đãi ngộ lớn, tránh “bê tông hoá” trong biên chế. Lĩnh vực đào tạo sẽ theo hướng thị trường lao động, tăng cường chất lượng. Tuy nhiên, việc này chưa làm ngay được mà phải có lộ trình.

“Theo tính toán, chỉ tính riêng nhu cầu định biên kế toán và y tế, hiện khoảng 80.000 cán bộ. Tiến tới, sẽ triển khai theo kiểu 1 kế toán phục vụ 3 - 4 trường, thậm chí có trường chỉ cần thuê kế toán. Tiến tới chúng tôi tinh giảm kế toán, hoặc kiêm nhiệm. Còn y tế trường học đã có trạm y tế xã, những trường ở xa trạm xá thì sẽ cân nhắc, điều chỉnh cho hợp lý” - Bộ trưởng phân tích.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các cử tri là cán bộ quản lý trong ngành giáo dục tiếp tục quan tâm đóng góp ý kiến cho ngành; đồng thời tích cực, sáng tạo trong việc triển khai đổi mới giáo dục và đào tạo.

Đối với các kiến nghị vượt quá thẩm quyền trả lời, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ghi nhận và hứa sẽ chuyển đến Quốc hội và cùng với các Bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết thỏa đáng cho cử tri.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Loài khỉ Jigokudani ngâm mình trong nước nóng vào mùa Đông.

Động vật tránh rét như thế nào?

GD&TĐ - Đào hang, tắm suối nước nóng, 'sống chậm' là những cách giúp các loài động vật chống chọi với cái rét khắc nghiệt trong tự nhiên.

Rashford công khai đòi rời Man Utd

Rashford công khai đòi rời Man Utd

GD&TĐ - Marcus Rashford tuyên bố "sẵn sàng cho thử thách mới" sau khi bị gạch tên khỏi trận Man Utd thắng Man City 2-1 ở vòng 16 Ngoại hạng Anh.