Cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh; đại diện lãnh đạo một số cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh Bắc Giang.
Vượt qua thử thách, thực hiện tốt nhiệm vụ “kép”
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo năm 2021, ông Mai Sơn cho biết: Bắc Giang duy trì được kết quả phổ cập giáo dục trong nhóm các tỉnh dẫn đầu khu vực và toàn quốc, tạo tiền đề nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hiện nay, 100% các huyện, thành phố đạt phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, trong đó có 8/10 huyện, thành phố đạt phổ cập giáo dục THCS mức độ 3.
Về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bắc Giang đã chỉ đạo tổ chức tốt việc khảo sát, đánh giá 1 năm triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa lớp 1; tích cực chuẩn bị các điều kiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022. 100% cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng, tập huấn chương trình, sách giáo khoa trước năm học mới.
Trước ngày khai giảng, 100% học sinh lớp 2 có đủ sách giáo khoa, đồ dùng để học tập; bố trí cho 100% học sinh lớp 2 học 2 buổi/ngày; tổ chức lựa chọn sách giáo khoa lớp 6 đúng quy trình, thời gian. Hiện nay, Bắc Giang đã biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 2, lớp 6, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt; đang chỉ đạo tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 3, lớp 7, lớp 10…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh: 2021 là năm thứ 2 đặc biệt khó khăn với ngành Giáo dục, bởi diễn ra trong bối cảnh cả nước căng mình chống dịch Covid-19. Có thời điểm hơn 300 cơ sở giáo dục của tỉnh phải trưng dụng làm khu cách ly; học sinh các cấp học phải tạm dừng đến trường; nhiều hoạt động giáo dục phải hoãn lại, không tổ chức, hoặc giảm quy mô, thay đổi hình thức tổ chức.
Trong giai đoạn căng thẳng nhất, phát huy tinh thần “mỗi xã, phường là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ”, hầu hết cán bộ, giáo viên, nhân viên của ngành Giáo dục đều tham gia các mặt trận phòng, chống dịch tại địa phương. Đây là thử thách lớn đối với ngành Giáo dục khi phải vừa duy trì tổ chức các hoạt động giáo dục vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch để thực hiện “mục tiêu kép”.
Trước tình hình trên, với phương châm “tạm dừng đến trường, song không dừng việc học” theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành Giáo dục của tỉnh đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo chuyển trạng thái nhanh từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến và các hình thức dạy học khác để bảo đảm nội dung, chương trình và chất lượng giáo dục.
Ngành Giáo dục Bắc Giang xây dựng 3 phương án tổ chức dạy học ứng phó với dịch Covid-19 cho từng cấp học để sẵn sàng, chủ động trước mọi tình huống. Rà soát và bổ sung tài khoản Microsoft Teams cho giáo viên và học sinh để sẵn sàng triển khai các hoạt động giáo dục trực tuyến. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nhanh chóng chuyển trạng thái tổ chức dạy học trực tuyến khi dịch Covid-19 bùng phát để bảo đảm nội dung chương trình…
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Ngô Thị Minh và đại diện các vụ, cục đều đánh giá cao nỗ lực và kết quả của giáo dục tại Bắc Giang trong thời gian qua.
Theo đó, dù Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng được sự quan tâm đặc biệt, sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Giang và truyền thống đoàn kết, sự đồng lòng, nỗ lực của các cấp lãnh đạo, cán bộ quản lý, giáo viên, ngành Giáo dục Bắc Giang đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo chuyển trạng thái từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến và các hình thức khác để bảo đảm nội dung, chương trình và chất lượng giáo dục, góp phần vào sự ổn định và phát triển của các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh...
Đổi mới cần có sự hô ứng đồng bộ
Thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chúc mừng Bắc Giang vì những kết quả ấn tượng đã đạt được trong năm vừa qua, cả về phát triển kinh tế, xã hội - trong đó có giáo dục, đào tạo - và phòng chống dịch bệnh.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Chúng ta đang chung sức để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, mà một trong những công việc trọng tâm là triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi tại địa phương, Bộ trưởng mong muốn Bắc Giang tiếp tục cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thật tốt công việc này.
Đặc biệt lưu ý đến nhiệm vụ chuyển đổi số, theo Bộ trưởng, chúng ta đã thực hiện được một bước chuyển đổi số trong giáo dục; nhưng việc này không chỉ bởi ứng phó với dịch bệnh mà là việc rất căn bản cho nhiều đổi mới khác. Cần xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục - đào tạo, cần được làm một cách tổng thể, toàn diện; từ đó tăng thêm sức mạnh ngay khi đã học trực tiếp và giúp giáo dục không bị động trong mọi tình huống.
Đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục cũng được Bộ trưởng lưu ý và đề nghị tỉnh Bắc Giang cố gắng có kế hoạch, xem đây là một đường đi lâu dài để giải quyết các vấn đề của giáo dục.
Cùng với đó là vấn đề phổ cập, xóa mù chữ, triển khai vấn đề giáo dục dân tộc, vấn đề kiên cố hóa trường lớp học, giáo dục hòa nhập, giáo dục cho các đối tượng đặc biệt… Bộ trưởng cho rằng, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, nội dung trong nhóm bình đẳng giáo dục nói trên là vấn đề lớn phải tính đến và cần tiếp tục được chú ý.
Liên quan đến đổi mới quản lý nhà nước trong giáo dục - đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện ráo riết; nhưng Bộ trưởng cho rằng, chỉ có thể đổi mới đồng bộ, nhịp nhàng khi tất cả hệ thống quản lý giáo dục, từ cấp Bộ, cấp Sở/Phòng GD&ĐT đến cơ sở giáo dục cũng phải được đổi mới; để từ đó đến được hạt nhân của đổi mới là người thầy.
“Mong rằng có sự hô ứng đồng bộ; trong đó lấy quản trị số, cải cách hành chính, lấy sự hỗ trợ, trợ giúp cho đội ngũ giáo viên, học sinh làm đầu” - Bộ trưởng chia sẻ.
Từ kết quả giáo dục đạt được, có thể thấy Bắc Giang rất quan tâm đến giáo dục. Khẳng định điều này, Bộ trưởng mong mỏi địa phương tiếp tục quan tâm hơn nữa, ưu tiên cho giáo dục hơn nữa; chắt chiu các nguồn lực và quyết tâm hoàn thành nốt kiên cố hóa trường học, đầu tư cho hạ tầng số, trang thiết bị học tập… Đồng thời, dồn nguồn lực giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên; dành nguồn lực và quan tâm chỉ đạo cho nâng cao chất lượng giáo dục.
Liên quan đến một số nhiệm vụ cụ thể của năm học, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh mong muốn lãnh đạo tỉnh chỉ đạo triển khai tốt thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cùng với đó là một số đổi mới theo chiều sâu, như đổi mới giảng dạy môn Ngữ văn, Lịch sử… mong có sự chỉ đạo, hưởng ứng của tỉnh Bắc Giang…
Phát biểu cảm ơn và tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, sẽ giao UBND tỉnh, ngành Giáo dục và các Sở, ngành liên quan tham mưu, triển khai thực hiện.
Trong đó, quyết tâm năm 2022 hoàn thành phổ cập THCS cấp độ 3; hết năm 2022, sang đầu năm 2023 có thể đạt cơ bản về tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp. Bắc Giang cũng sẽ tập trung cho chuyển đổi số, trong đó ưu tiên với giáo dục; đồng thời, tiếp tục quan tâm ban hành các cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục.
“Xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển bền vững, nên Bắc Giang sẽ tiếp tục dành sự quan tâm, ưu tiên cho lĩnh vực này” - Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái khẳng định.