Cùng đi với đoàn của Bộ GD&ĐT có Thứ trưởng Ngô Thị Minh; Chánh văn phòng Trần Quang Nam cùng đại diện lãnh đạo một số Vụ của Bộ.
Tham gia đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc có ông Hoàng Văn Tuyên – Vụ trưởng Vụ chính sách dân tộc; ông Hà Việt Quân – Chánh văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Tiếp đoàn công tác, về phía tỉnh Phú Thọ có ông Bùi Minh Châu – Bí thư Tỉnh ủy; ông Bùi Văn Quang – Chủ tịch UBND tỉnh; ông Hoàng Công Thủy – Phó Bí thư Tỉnh ủy cùng đại diễn lãnh đạo một số Sở, ngành địa phương.
Giáo dục đạt nhiều thành tựu quan trọng
Báo cáo với đoàn công tác, Giám đốc Sở KH&ĐT Phú Thọ Nguyễn Văn Truyền nêu rõ, tình hình kinh tế xã hội 8 tháng của năm 2021 duy trì mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế 8 tháng dự kiến tăng từ 6,3-6,5%. Sản xuất công nghiệp duy trì tăng trưởng khá. Sản xuất nông lâm nghiệp cơ bản ổn định và phát triển khá toàn diện. Các ngành dịch vụ thương mại giữ ổn định. Thu ngân sách ước đạt 4.915 tỷ đồng, bằng 83% dự toán và bằng 88% so với cùng kỳ.
Công tác triển khai năm học 2021-2022 đảm bảo đồng bộ, có kế hoạch cụ thể cho từng cấp học, bậc học. Tổ chức Lễ khai giảng năm học mới an toàn, trang trọng, ý nghĩa, đảm bảo quy định về phòng chống dịch; Đồng thời, dạy học trực tiếp ngay sau khai giảng.
Chương trình SGK mới được triển khai đồng bộ, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho việc dạy và học thực hiện chương trình GDPT mới. Việc lựa chọn SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6 được thực hiện đúng theo quy định.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chúc mừng kết quả đã đạt được của tỉnh Phú Thọ về phương diện phát triển kinh tế xã hội, giữ được tỷ lệ tăng trưởng trong giai đoạn cả nước gặp khó khăn về dịch bệnh. Việc chống dịch tốt của tỉnh không chỉ có lợi cho người dân địa phương mà còn trực tiếp giúp cho ngành giáo dục, để học sinh được yên tâm tới trường.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Trong nhiệm kỳ 5 năm tới đây, ngành giáo dục tập trung rà soát các văn bản và ban hành các chính sách mang tính đổi mới, đột phá. Tuy nhiên, những chính sách này lại do địa phương thực hiện. Chính vì vậy, chính sách có thành công hay không, phần lớn phụ thuộc vào sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo địa phương.
Đề xuất với tỉnh Phú Thọ về chính sách cán bộ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, giáo viên là yếu tố căn bản trong thực hiện đổi mới giáo dục. Do đó, tỉnh Phú Thọ cần quan tâm tạo điều kiện để bổ sung, không cắt giảm biên chế giáo viên trong giai đoạn hiện nay.
Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh Phú Thọ tăng cường các điều kiện đảm bảo cho việc dạy và học. Bố trí đầu tư cho giáo dục ở mức 25% ngân sách địa phương. Tiếp tục kiên cố hóa hệ thống trường lớp. Rà soát, phát triển thêm các trường nội trú, dân tộc nội trú để ra tăng tỷ lệ học sinh dân tộc được đến trường học. Đồng thời, tăng chế độ chính sách cho giáo viên, học sinh tại các trường này. Cùng với đó là tiếp tục thực hiện phòng chống dịch, đảm bảo sẵn sàng các điều kiện cho học sinh học trực tuyến khi có tình huống bất ngờ xảy ra.
Đồng quan điểm với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu khẳng định: Tỉnh Phú Thọ rất cám ơn lãnh đạo Bộ GD&ĐT và Ủy ban Dân tộc đã dành nhiều tâm huyết, tình cảm đối với chính sách dân tộc và giáo dục của tỉnh.
Tỉnh luôn coi phát triển đội ngũ nhà giáo về cả số lượng và chất lượng. Coi đây là căn cốt trong phát triển giáo dục. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Phú Thọ là không thể cộng cơ học để cắt giảm biên chế của ngành giáo dục. Mục tiêu của tỉnh là hướng tới chính sách xã hội hóa giáo dục vừa để giảm áp lực cho địa phương, đồng thời mở ra cơ hội học tập tốt hơn cho các đối tượng học sinh.
Làm tốt hơn nữa chính sách dân tộc
Hiện, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 50 dân tộc sinh sống; dân tộc thiểu số là 250 nghìn người, chiếm 17%. Có 4 dân tộc thiểu số sống tập trung thành làng bản có bản sắc văn hóa và phong tục tập quán riêng, đạm nét như: Mường, Dao, Cao Lan…
Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số là 30,08% (giảm 3,48% so với năm 2016). Thu nhập bình quân đầu người của người DTTS trên địa bàn tỉnh năm 2020 là khoảng 34,9 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ tham gia BHYT của người dân tộc thiểu số chiếm 96,36%. Tỷ lệ hộ đồng bào được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 92%...
Toàn tỉnh có 5 trường dân tộc nội trú, 3 trường phổ thông dân tộc bán trú, 7 trường có học sinh bán trú. Tổng số học sinh là người dân tộc thiểu số là 75.892 em, chiếm 19% học sinh toàn tỉnh. 100% các xã, thị trấn miền núi có trung tâm học tập cộng đồng, tỷ lệ phòng học vùng dân tộc được kiên cố hóa đạt 100%…
Sau khi nghe báo cáo của UBND tỉnh Phú Thọ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chúc mừng kết quả đạt được trong mảng công tác về giáo dục đào tạo của tỉnh.
Tỷ lệ kiên cố hóa trường học, phổ cập giáo dục đều đạt kết quả cao, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đối với giáo dục. Ngoài ra, công tác giảm nghèo của người dân tộc đã có nhiều kết quả tích cực. Công tác phối hợp của các đơn vị trên địa bàn trong thực hiện chính sách với người dân tộc khá chặt chẽ.
“Phú Thọ có vị trí rất quan trọng, là nơi kết nối Thủ đô với vùng trung du miền núi phía Bắc. Sự phát triển của Phú Thọ có ảnh hưởng quyết định đến thì sự phát triển của cả vùng. Chính vì vậy, công tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho vùng của Phú Thọ đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Đối với phát triển kinh tế, Phú Thọ là nơi giao thoa giữa khu vực phát triển tốt với khu vực khó khăn. Do đó, kinh nghiệm phát triển của Phú Thọ chính là kinh nghiệm để Ủy ban nghiên cứu, báo cáo Chính phủ có chính sách phù hợp cho từng giai đoạn” – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh chia sẻ thêm.
Đối với việc phát triển các trường dân tộc, Bộ trưởng Hầu A Lềnh yêu cầu tỉnh Phú Thọ phải tạo ra sự tiếp cận bình đẳng ở cả 3 bậc học đối với học sinh dân tộc và miền núi.
Hiện nay, nhiều học sinh dân tộc chỉ học hết cấp 2, không có điều kiện học cấp 3, con số học cấp 3 chỉ chiếm 23% số học sinh tốt nghiệp THCS. Nguồn nhân lực ở khu vực này còn rất nhiều hạn chế. Do vậy, Uỷ ban Dân tộc và Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu, đề xuất với Chính Phủ để có mô hình phù hợp, giúp học sinh dân tộc có điều kiện được học cấp 3 sau khi tốt nghiệp THCS. Mô hình này sẽ áp dụng không chỉ ở Phú Thị mà còn ở các tỉnh còn lại.
Ngoài ra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cũng đề nghị tỉnh Phú Thọ quan tâm phối hợp, làm tốt công tác chỉ đạo, lãnh đạo các chương trình mục tiêu liên quan đến chính sách dân tộc. Tạo ra tính nhất quán, có bộ máy phù hợp để triển khai và làm mô hình mẫu áp dụng cho các địa phương…