Dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cùng đại diện các Vụ, Cục Bộ GD&ĐT. Phía tỉnh Đồng Tháp có ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy; ông Phạm Thiện Nghĩa, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các Sở, ngành của tỉnh.
Truyền thống nhà trường là động lực quan trọng để phát triển
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT chúc mừng nhà trường và TS Hồ Văn Thống, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Bộ trưởng ghi nhận sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đối với nhà trường trong suốt thời gian qua; sự đóng góp của nhà trường trong quá trình 46 năm hình thành và phát triển.
Với truyền thống 46 năm đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, 18 năm kiến tạo, hội nhập và phát triển, Trường ĐH Đồng Tháp đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Đồng Tháp, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước. Những thành quả đó là nền tảng quan trọng, động lực phát triển của nhà trường trong thời gian tới.
Bộ trưởng đề nghị Trường ĐH Đồng Tháp hướng tới nhiệm vụ quan trọng hoàn chỉnh chiến lược phát triển theo hướng đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó đặc biệt lưu ý yêu cầu đổi mới giáo dục đại học, tự chủ đại học, hội nhập quốc tế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...
Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, nghiên cứu giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững ĐBSCL, tập trung chuyển đổi số; hợp tác quốc tế, hội nhập khu vực và thế giới.
Bộ trưởng mong muốn TS Hồ Văn Thống, tân Hiệu trưởng phát huy tốt nhất truyền thống nhà trường, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp, đạt nhiều thành công mới.
Phát biểu tại buổi lễ, TS Hồ Văn Thống, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp gửi lời cảm ơn sự tín nhiệm của tập thể đồng nghiệp, Ban chấp hành Đảng uỷ, Hội đồng trường Trường ĐH Đồng Tháp; cảm ơn sự tin tưởng của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đồng Tháp, Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT, của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã tín nhiệm, giao trọng trách và công nhận giữ chức vụ Hiệu trưởng.
Phát triển nhà trường trở thành trung tâm phục vụ đổi mới sáng tạo cho địa phương và khu vực
TS Trương Tấn Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Đồng Tháp cho biết: Trường hiện có 526 viên chức và nhân viên; trong đó có 360 viên chức giảng dạy; 10 phó giáo sư, tiến sĩ; 85 tiến sĩ; 322 thạc sĩ; 35 nghiên cứu sinh, trong đó có 11 viên chức đang nghiên cứu sinh và tham gia chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ ở nước ngoài.
Trường ĐH Đồng Tháp là trường duy nhất vùng ĐBSCL đào tạo đủ hết các ngành thuộc tất cả các môn học trong chương trình đào tạo từ Mầm non đến Tiểu học, THCS, THPT.
Hiện tại, trường có 1 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, 6 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, 32 ngành đào tạo trình độ đại học và 3 ngành đào tạo trình độ cao đẳng với quy mô đào tạo hiện nay là 505 học viên sau đại học, 4.795 sinh viên hệ chính quy và 8.860 học viên hệ liên thông, vừa làm vừa học tại 30 cơ sở liên kết đào tạo.
Năm 2021, Trường ĐH Đồng Tháp được xếp hạng thứ 15 trên tổng số các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT có bài báo công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI và xếp hạng 53 trong danh sách 180 trường đại học của Việt Nam trong bảng xếp hạng Webometrics…
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý nhà trường cần có sự ổn định, phát triển vững chắc trong thời gian tới, quan tâm đến vấn đề tự chủ, công tác Đảng trong nhà trường; kiện toàn Hội đồng trường và Ban Giám hiệu nhà trường.
Nhà trường tiếp tục hoàn thiện mô hình đào tạo đa ngành nhưng phải phát huy thế mạnh đào tạo sư phạm; Hoàn thiện chiến lược, định hướng phát triển, phù hợp với địa phương là tỉnh Đồng Tháp, vùng ĐBSCL và cả nước; Quan tâm đến vấn đề chuyên môn, học thuật, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, tạo động lực và đóng góp quan trọng cho đổi mới giáo dục phổ thông; Cần đổi mới đào tạo giáo viên, phát triển Khoa học Giáo dục phù hợp đặc thù địa phương, của vùng để nâng cao chất lượng giáo dục.
Trường cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ gắn với phát triển sản xuất tại địa phương; phát triển đội ngũ mạnh mẽ hơn nữa; phát huy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, phát triển đội ngũ.
Về mở ngành nghề và chương trình đào tạo mới, nhà trường cần ưu tiên lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, sư phạm; Đầu tư phòng thí nghiệm, thực hành để phát triển chương trình lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ. Tỉnh Đồng Tháp quan tâm, tạo điều kiện trong việc phát triển các khu vực thực hành, thực nghiệm của nhà trường.