Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn báo cáo cử tri kết quả kỳ họp Quốc hội

GD&TĐ - Chiều 17/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dự Hội nghị đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Các đại biểu Quốc hội: Nguyễn Kim Sơn, Phạm Đức Ấn, Đỗ Đức Hồng Hà chủ trì tại điểm cầu huyện Thanh Oai.
Các đại biểu Quốc hội: Nguyễn Kim Sơn, Phạm Đức Ấn, Đỗ Đức Hồng Hà chủ trì tại điểm cầu huyện Thanh Oai.

Hội nghị theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu các quận/huyện: Hà Đông, Thanh Trì, Thanh Oai (Hà Nội).

Đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 6, thành phố Hà Nội chủ trì tại điểm cầu huyện Thanh Oai. Các đại biểu gồm: Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Phạm Đức Ấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà.

Tại hội nghị, đại diện tổ đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 6 đã báo cáo kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; khái quát tình hình thực hiện chương trình hành động năm 2022 của đại biểu Quốc hội ứng cử tại đơn vị bầu cử. Các đại biểu Quốc hội cũng thông báo với cử tri kết quả giải quyết và trả lời của cơ quan có thẩm quyền về những kiến nghị của cử tri tại kỳ tiếp xúc lần trước.

Phát biểu, trao đổi với đoàn đại biểu Quốc hội, ý kiến cử tri tập trung vào các vấn đề như đất đai, giao thông, một số vấn đề bức xúc dân sinh, hành lang thoát lũ sông Đáy…

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.

Thay mặt tổ đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gửi lời cảm ơn đến các cử tri bởi những ý kiến trách nhiệm, tâm huyết, sự quan tâm đến các vấn đề không chỉ của địa phương mà của thành phố, quốc gia. Bộ trưởng ghi nhận và tiếp thu đầy đủ ý kiến cử tri, chuyển đến các đơn vị có trách nhiệm để giải đáp, xử lý.

Bộ trưởng cho biết, vấn đề giáo dục luôn là nội dung được cử tri quan tâm. Thời gian diễn ra phiên họp, đặc biệt phiên thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội, cử tri bày tỏ quan tâm nhiều đến vấn đề thiếu giáo viên nghỉ việc, chính sách với nhà giáo. Cùng với đó là vấn đề tăng cường cơ sở vật chất cho giáo dục, các điều kiện phục vụ dạy và học để thực hiện Chương trình GDPT 2018… Từ quan tâm của cử tri, các đại biểu Quốc hội đã phát biểu, kiến nghị và Bộ GD&ĐT cũng đã kiến nghị một số nội dung.

Bộ trưởng cho biết, Quốc hội đã thống nhất thông qua nâng lương cơ sở cho công chức, viên chức. Đây là nguồn động viên lớn đối với đội ngũ giáo viên, vì ngành Giáo dục chiếm đến hơn 70% số viên chức trong cả nước.

Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính trình Thủ tướng về việc điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên. Khi Thủ tướng phê duyệt sẽ thông tin sớm tới cử tri. Điều này thể hiện sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ đối với đội ngũ giáo viên trên cả nước.

Ngành Giáo dục cũng đang tích cực rà soát các chế độ, chính sách liên quan đến nhà giáo và các hoạt động chuyên môn khác để các thầy cô có thể yên tâm công tác, chăm lo cho học sinh được tốt nhất.

Hội nghị đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Hội nghị đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV diễn ra trong 21 ngày, từ 20/10 đến ngày 15/11. Quốc hội đã thông qua 6 luật, 3 nghị quyết quy phạm pháp luật, cho ý kiến lần 2 dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); thảo luận lần đầu dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và 6 dự án luật khác.

Đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, nhiều mặt và đã thống nhất với Chính phủ quyết định chưa xem xét, thông qua tại Kỳ họp này để có thêm thời gian hoàn thiện, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu thiết thực cả trước mắt, lâu dài của ngành Y tế.

Quốc hội đã nghe, thảo luận các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4 và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3; tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong 2,5 ngày về 4 nhóm vấn đề: Lĩnh vực xây dựng; lĩnh vực thông tin và truyền thông; lĩnh vực nội vụ; lĩnh vực thanh tra. Trong đó có 345 lượt đại biểu đăng ký tham gia chất vấn, 149 lượt đại biểu chất vấn, 22 lượt đại biểu tranh luận.

Tham gia trả lời, giải trình, làm rõ thêm các nội dung liên quan có 4 Phó Thủ tướng, 7 Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng nhà nước.

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Riêng về giáo dục - đào tạo, nhiều vấn đề được cử tri quan tâm tại Kỳ họp thứ 4. Trong đó có việc ban hành Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và các chính sách về phát triển đội ngũ trí thức, thu hút và trọng dụng nhân tài; nghiên cứu, xây dựng Luật Nhà giáo.

Cùng với đó là vấn đề về biên chế giáo viên (tinh giản biên chế, thiếu giáo viên, bổ sung biên chế giáo viên, tình trạng giáo viên thôi việc...); sách giáo khoa Chương trình GDPT 2018; đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng theo quy định, bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo; sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, hình thành trường liên cấp phù hợp với nhu cầu và thực tế địa phương...

Ngày 27/10, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã đề xuất một số giải pháp giải quyết vấn đề thiếu giáo viên. Trong đó có tăng lương, phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 70%. Các địa phương khẩn trương tuyển giáo viên, cân nhắc triển khai thực hiện giảm biên chế 10% sao cho phù hợp. Địa phương tăng ngân sách ký hợp đồng với các giáo viên không thuộc chỉ tiêu biên chế.

Ngày 4/11, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tham gia giải trình vấn đề giáo viên nghỉ việc, bỏ việc và đề xuất các giải pháp cho vấn đề này.

Trong đó có giải pháp tăng lương, nâng phụ cấp ưu đãi, nhất là cho giáo viên mầm non, tiểu học phải được thực hiện một cách cấp bách. Cải thiện môi trường làm việc và hỗ trợ về mặt chuyên môn cho giáo viên. Xã hội, phụ huynh có sự chia sẻ, đồng hành với giáo viên.

Giải pháp quan trọng khác là khẩn trương tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu cũ, tích cực tuyển theo chỉ tiêu mới. Cùng với đó, địa phương không máy móc, cứng nhắc trong sắp xếp điểm trường. Tạo điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh, môi trường làm việc thuận lợi nhất cho giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ