Chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024)

Động lực cống hiến: Người thầy xứng đáng được xã hội tôn vinh

GD&TĐ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng nhà giáo xứng đáng được xã hội tôn vinh, từ đó, nâng cao tinh thần để cống hiến cho sự nghiệp GD.

Một lớp học của Trường THPT Chi Lăng (Lạng Sơn). Ảnh: Sỹ Điền
Một lớp học của Trường THPT Chi Lăng (Lạng Sơn). Ảnh: Sỹ Điền

Là người đề xuất lấy ngày 20/11 hằng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, với sứ mệnh cao cả - “vì lợi ích trăm năm trồng người”, nhà giáo xứng đáng được xã hội tôn vinh, từ đó, nâng cao tinh thần để cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Từ niềm mong mỏi

- Xuất phát từ đâu ông lại đề xuất lấy ngày 20/11 hằng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam - ngày tôn vinh những người làm công tác “trồng người”?

Ngày 20/11 là dịp để xã hội hiểu hơn về nghề giáo. Khi cả xã hội quan tâm sẽ tiếp thêm động lực để giáo viên hoàn thành sứ mệnh của mình. - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ

- Năm 1981, tôi được điều động từ Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn (nay là Trường Đại học Quy Nhơn) ra làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục (nay là Bộ GD&ĐT). Tôi được phân công phụ trách mảng cơ sở vật chất và chăm lo đời sống giáo viên. Khoảng thời gian đó, lúc nào tôi cũng suy nghĩ, trăn trở muốn chăm lo, cải thiện đời sống đội ngũ. Câu hỏi luôn thường trực trong tôi là, làm gì để giáo viên bớt khó khăn và xã hội tôn vinh nhà giáo.

Có thể nói, những năm 1980, khi đất nước đã thống nhất nhưng đời sống nhân dân còn khó khăn, ngành Giáo dục cũng trong bối cảnh chung nhưng tất cả giáo viên đều cố gắng để thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Dù khó khăn đến mấy cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”. Với tinh thần đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đã gặp và trao đổi với tôi về việc chăm lo đời sống giáo viên. Bà đặt vấn đề, có cách gì để giáo viên trụ vững và vượt qua khó khăn?

Tôi nghĩ, muốn cải thiện đời sống giáo viên, trước hết phải cải thiện tiền lương. Tuy nhiên, trong lúc nền kinh tế còn khó khăn, việc đề xuất tăng lương là không khả thi. Số lượng giáo viên hàng triệu người, mỗi người tăng vài nghìn đồng tiền lương cũng trở thành khoản tiền không nhỏ, vô hình trung lại đè nặng lên ngân sách Nhà nước. Sau đó, tôi suy nghĩ, ngành Giáo dục phải tìm kiếm động lực bằng tinh thần để động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Trên cương vị là Thứ trưởng, tôi đã nghiên cứu lịch sử ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo. Tôi nhận thấy, đây là nguồn động lực tinh thần mà ngành Giáo dục nên tận dụng và phát huy. Sau đó, tôi quyết định báo cáo Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình về suy nghĩ của mình và đề xuất làm tờ trình lên Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đề nghị lấy ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam. Hằng năm, vào ngày này sẽ tổ chức các hoạt động tôn vinh để động viên các thầy, cô giáo và coi đây là động lực tinh thần tiếp sức cho ngành Giáo dục.

Đề xuất này được Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đồng ý và giao cho tôi chủ trì trao đổi với các bộ, ngành liên quan và Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Sau khi có sự đồng thuận của các bên, tờ trình được soạn thảo gửi Hội đồng Bộ trưởng xem xét phê chuẩn.

Thể theo nguyện vọng của giáo giới cả nước, kiến nghị của các tổ chức như: Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng Cục dạy nghề, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em và Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Hội đồng Bộ trưởng nhất trí, ban hành Quyết định số 167-HĐBT lấy ngày 20/11 hằng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam. Quyết định do Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp ký ngày 28/9/1982.

Từ đó đến nay, mỗi khi đến ngày 20/11, nhà giáo luôn được tôn vinh, từ đó, nâng cao tinh thần để cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, làm tốt nhiệm vụ “trồng người”.

xung-dang-duoc-xa-hoi-ton-vinh-7.jpg
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ. Ảnh: Điệp Quyên

“Tôn sư trọng đạo luôn được trao truyền

- Vậy, sau hơn 40 năm, ông nhìn nhận như thế nào về giá trị và ý nghĩa của ngày 20/11 trong xã hội?

- Sau hơn 40 năm triển khai, tôi nhận thấy năm sau bao giờ cũng tốt hơn năm trước. Phụ huynh, học sinh, mọi người trong xã hội đều háo hức khi đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và coi đó như ngày hội, ngày Tết của giáo giới. Trước khi lên công tác ở Bộ GD&ĐT, tôi có nhiều năm gắn bó với nghề dạy học, đào tạo ra các lớp học sinh, sinh viên. Vì thế, mỗi khi đến ngày 20/11, nhiều thế hệ học trò đến thăm và tri ân.

Có những học sinh dù tuổi đã cao nhưng ngày 20/11 vẫn vượt đường xa đến thăm tôi. Thầy - trò cùng chia sẻ về cuộc sống và ôn lại kỷ niệm cũ. Hơn 30 năm giảng dạy trực tiếp, trên 70 năm công tác trong ngành Giáo dục, tôi thấy vui và hạnh phúc khi mình là một nhà giáo, được tôn vinh mỗi dịp 20/11. Bản thân khi gặp lại học trò của mình trong cương vị mới, thành công hơn, tôi cảm thấy vô cùng tự hào.

Tôi cho rằng, bất cứ thời nào thì quan niệm về sự học, về đạo thầy - trò vẫn luôn đúng và có giá trị sâu sắc. Đó là lễ nghĩa, đạo lý truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta, được trao truyền qua nhiều thế hệ và trở thành nét văn hóa ứng xử đẹp của người Việt Nam.

Đồng thời thể hiện sâu sắc vị trí người thầy trong đời sống tinh thần của xã hội. Tôi luôn tự hào về các thầy, cô giáo đã dìu dắt tôi. Tôi thấy may mắn vì mình từng là nhà giáo. Mỗi khi đón ngày Nhà giáo Việt Nam lại càng thấm thía lời của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.

xung-dang-duoc-xa-hoi-ton-vinh-5.jpg
Cô - trò Trường THCS Thăng Long (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Phòng GD&ĐT

- “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, ông nhìn nhận như thế nào về chữ “thầy”?

- Khi nhắc đến chữ “thầy”, chúng ta đều thể hiện sự tôn kính nhất định. Thầy giáo là những người trao truyền giá trị đạo đức, tri thức và nhân văn tới thế hệ tương lai. Do vậy, phẩm cách đạo đức của người thầy vô cùng quan trọng.

“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” nghĩa là: Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy, mang hàm ý nhắc nhở mỗi chúng ta về đạo thầy trò. Đạo thầy trò chính là truyền thống tôn sư trọng đạo, biết ơn công lao dưỡng dục, dìu dắt những người đã dạy mình, dù chỉ là điều nhỏ nhất. Đó là đạo lý được lưu truyền từ đời này sang đời khác mà bất kỳ ai khi ngồi trên ghế nhà trường đều được dạy.

Thầy cô luôn là người chúng ta phải tôn kính, không bao giờ được quên công ơn dạy dỗ. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” chứa đựng cả một quan niệm sâu sắc về sự học. Đó cũng là đạo thầy trò, cho thấy vai trò quan trọng của thầy cô trong sự nghiệp giáo dục và nói lên truyền thống tôn sư trọng đạo tốt đẹp của dân tộc. Chưa kể, chữ “thầy” luôn nhắc nhở giáo viên phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Bản thân tôi cũng làm thầy, khi tôi thấy học trò của mình trưởng thành và thành công, tôi rất vui và hãnh diện.

xung-dang-duoc-xa-hoi-ton-vinh-3.jpg
Giờ lên lớp của thầy Trần Văn Tỏ - giáo viên Trường THPT Đức Hợp (Hưng Yên). Ảnh: Sỹ Điền

Phải đổi mới, chuyển mình

- Ông nhìn nhận như thế nào về sự chuyển mình của các thế hệ nhà giáo đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nước nhà?

- Trước kia, trong thời kỳ kháng chiến, nhiều giáo viên đã trở thành anh hùng lao động. Khi đó, giáo viên rất lăn xả. Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm, được phân công đi đâu họ cũng sẵn sàng đến đó giảng dạy và công tác, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục. Giáo viên thời đó đã làm rất tốt nhiệm vụ được giao. Từ năm 1965, Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam, các trường học phải sơ tán; tuy vất vả nhưng sự nghiệp giáo dục chưa bao giờ ngừng trệ.

Thời ấy, thầy - trò cùng ăn, ở, vào rừng lấy cây dựng trường lớp “tạm” để dạy học. Các giáo viên đào hầm tổ chức dạy học nên sự nghiệp giáo dục không bị gián đoạn. Sau này, đất nước thống nhất, miền Nam còn nhiều khó khăn. Bộ GD&ĐT kêu gọi giáo viên viện trợ cho miền Nam, toàn bộ giáo viên ở miền Bắc sẵn sàng vào những nơi khó khăn, nơi không có giáo viên để dạy học sinh.

Hồi đó, việc đào tạo giáo viên cũng khó khăn không kém, thiếu giáo viên trầm trọng, Bộ phải thành lập hàng loạt các cơ sở cao đẳng sư phạm tại các tỉnh ở miền Nam để đào tạo giáo viên. Trong lúc đào tạo, Bộ Giáo dục huy động giáo viên và các trường sư phạm ở miền Bắc hỗ trợ cho các cơ sở cao đẳng sư phạm trong Nam mới thành lập. Lúc đó, hầu hết giáo viên miền Bắc luôn trong tâm thế sẵn sàng hỗ trợ.

Ngày nay, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cho phép người học có thể học trực tuyến, học bất cứ nơi đâu và bằng bất cứ phương tiện nào. Việc học không chỉ diễn ra trong trường học, tri thức không còn độc quyền trong tay người thầy. Người học có thể tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau. Vì vậy, để giữ được vai trò và hoàn thành nhiệm vụ của mình, nhà giáo cũng phải đổi mới, chuyển mình để trở thành “người thầy 4.0”.

Muốn vậy, nhà giáo phải là người tổ chức các hoạt động học tập, hướng dẫn, rèn luyện học sinh cách học, thu thập, xử lý thông tin để phục vụ việc học tập. Không chỉ dạy học sinh nắm được cái gì, nhà giáo phải biết hướng dẫn người học vận dụng tổng hợp những kiến thức, kỹ năng đã học để phát hiện, giải quyết vấn đề trong thực tiễn đời sống. Do vậy, người thầy phải có năng lực, trình độ cao để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy, vận dụng nhiều hình thức tổ chức giáo dục và kiểm tra.

Để đáp ứng yêu cầu đó, nhà giáo phải biết tự học, biết vận dụng những kiến thức đã học vào hoạt động nghề nghiệp cũng như cuộc sống thì mới có thể làm gương và biết cách dạy cho học trò.

- Dù vậy, nhưng dường như các chế độ, chính sách dành cho nhà giáo vẫn chưa được quan tâm đúng mức, khiến đời sống đội ngũ còn khó khăn?

- Kinh tế, xã hội phát triển cũng bắt nguồn từ những kiến thức mà thầy, cô giáo đã dạy và truyền thụ khi chúng ta còn ngồi trên ghế nhà trường. Cho nên, vai trò và vị trí của người thầy vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, hiện nhà giáo chưa được quan tâm đúng mức, vì vậy nhiều giáo viên không thể lo được đầy đủ cho cuộc sống. Điều đó, đồng nghĩa với việc, họ khó mà tận tâm, tận lực và tận hiến.

Qua những lần được lên vùng cao, khó khăn, tôi nhận thấy, đời sống giáo viên đã cải thiện hơn trước nhưng thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu về nhà ở, mức lương… Thời tôi còn đi học ở Liên Xô, giáo viên lên vùng sâu, xa, khó khăn công tác luôn được hưởng lương gấp 3 - 4 lần giáo viên miền xuôi, vùng thuận lợi.

Dù lương nhà giáo chưa được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề… nhưng những điều kiện về cơ sở vật chất thì giáo viên nên được hưởng.

Theo đó, Nhà nước cần đáp ứng đủ nhà công vụ, phương tiện đi lại, coi đây như hệ số bù đắp để thấy rõ những ưu đãi với giáo viên lên dạy ở các vùng khó khăn. Chẳng hạn như Đài Loan, để hỗ trợ nhà giáo, nhà nước cấp đất, cho nhà trường vay tiền không thu lãi, không đánh thuế thu nhập. Còn ở Việt Nam, khi ngân sách hạn chế thì có thể triển khai một số biện pháp hỗ trợ giáo viên như đẩy mạnh xã hội hóa…

- Trân trọng cảm ơn ông!

“Giáo dục đã có những điều kiện tốt hơn ngày xưa rất nhiều về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… Chúng ta đang tiến hành đổi mới giáo dục, từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Bên cạnh đổi mới về nội dung kiến thức, cách triển khai giảng dạy, người thầy cũng cần được chăm lo, quan tâm nhiều hơn. Có như vậy, chất lượng giáo dục mới đi lên”. - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cốm Làng Vòng được làm từ loại lúa nếp cái hoa vàng và là loại lúa non.

Giữ 'hồn' cho cốm làng Vòng

GD&TĐ - Làng Vòng, thuộc phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) là nơi gắn liền với nghề làm cốm từ nhiều thế kỷ trước.