Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sáng 30/9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dự Hội nghị đại biểu quốc hội tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị đại biểu quốc hội tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị đại biểu quốc hội tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Hội nghị diễn ra tại UBND xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai, Hà Nội). Cùng tham dự có các Đại biểu Quốc hội - đơn vị bầu cử số 6, thành phố Hà Nội, gồm: ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; ông Đỗ Đức Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội.

Tại Hội nghị, các vấn đề cử tri huyện Thanh Oai gửi đến Đại biểu Quốc hội tập trung vào các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; vấn đề ô nhiễm sông Nhuệ; tiến độ dự án Khu đô thị Mỹ Hưng; vấn đề đền bù hỗ trợ, giải phóng mặt bằng liên quan đến dự án đường vành đai 4; vấn đề chế độ chính sách cho cán bộ Hội người cao tuổi, Hội nạn nhân chất độc da cam, cán bộ cấp xã; một số vấn đề liên quan đến giáo dục - đào tạo…

Thay mặt Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 6, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận, tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri để chuyển đến các đơn vị chức năng có trách nhiệm để giải đáp, xử lý.

Hội nghị đại biểu quốc hội tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sáng 30/9 tại UBND xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai, Hà Nội).

Hội nghị đại biểu quốc hội tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sáng 30/9 tại UBND xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai, Hà Nội).

Bộ trưởng cho biết: Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV sẽ khai mạc vào 20/10/2022 và dự kiến bế mạc vào 18/11/2022.

Dự kiến, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết; cho ý kiến 7 dự án luật; xem xét các báo cáo về vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác… Trong đó, 2 luật có tác động lớn đến đời sống nhân dân, đời sống xã hội được Bộ trưởng nhấn mạnh là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Thông tin sáng 1/10, Chính phủ sẽ họp phiên thường kỳ, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, Bộ trưởng đồng thời chia sẻ tin vui: Năm 2022, Việt Nam được dư luận quốc tế đánh giá thuộc nhóm quốc gia hiếm hoi giữ được tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, không những thế còn tăng trưởng đạt chỉ số cao trong thách thức toàn cầu.

Riêng với những ý kiến liên quan đến giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã trực tiếp phản hồi cử tri. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh giáo dục - đào tạo đang trong thời điểm chuyển đổi; nói như Nghị quyết 29 là đổi mới căn bản, toàn diện. Với giáo dục phổ thông, toàn ngành đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội; được Quốc hội chỉ đạo qua Nghị quyết số 88, Nghị quyết số 51 và Kế hoạch của Chính phủ giao Bộ GD&ĐT làm đầu mối, các tỉnh/thành trực tiếp triển khai trên địa bàn.

Khẳng định một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa là chủ trương lớn, Bộ trưởng chia sẻ điểm khác biệt so với trước đây: Chương trình được biên soạn một cách chi tiết và lấy đó làm chỗ dựa cho giáo viên triển khai dạy - học, thi cử; sách giáo khoa chỉ là tài liệu, học liệu giúp giáo viên triển khai chương trình. Khác về bản chất so với trước đây, chương trình có tính chất khung, còn sách giáo khoa là chỗ dựa căn bản có tính pháp định giáo viên phải dạy theo, học sinh phải học theo.

“Đây là điểm mới rất quan trọng”, Bộ trưởng nhận định là cho rằng: Khi chỉ có một bộ sách giáo khoa, việc dạy học sẽ khuôn cứng trong đó và không có gì so sánh. Còn làm nhiều bộ sách, xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, nhiều nhóm tác giả, nhà xuất bản... cạnh tranh trong biên soạn nên sẽ cố gắng thể hiện tốt nhất cả về nội dung, hình thức. Cạnh tranh là quy luật thị trường, thúc đẩy đầu tư cho chất lượng.

Triển khai chương trình mới, giáo viên có kinh nghiệm, năng lực tốt sẽ tương đối thuận lợi, nhưng cũng có một số giáo viên thấy khó khăn. Do đó, theo Bộ trưởng, chủ trương của Bộ GD&ĐT là phát huy giáo viên thích ứng tốt, hỗ trợ những người còn khó khăn. Thực tế, triển khai năm lớp 1, lớp 2 vừa qua, nhiều giáo viên rất hào hứng. Trong các cuộc khảo sát, giáo viên cũng ghi nhận những đổi mới cực của chương trình.

Cử tri gửi ý kiến đến các đại biểu Quốc hội tại buổi tiếp xúc.

Cử tri gửi ý kiến đến các đại biểu Quốc hội tại buổi tiếp xúc.

Bày tỏ cảm ơn và ghi nhận ý kiến của cử tri, Bộ trưởng mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng lòng, phối hợp của mọi người dân với ngành Giáo dục.

Trong khuôn khổ chương trình tiếp xúc cử tri, ông Bùi Văn Sáng, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cũng đã có những trao đổi, trả lời các ý kiến cử tri thuộc thẩm quyền.

Trước phiên trao đổi, đại diện đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 6, thành phố Hà Nội đã báo cáo cử tri dự kiến chương trình, nội dung kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; thông báo kết quả trả lời của các cơ quan có thẩm quyền về những kiến nghị cử tri tại các kỳ tiếp xúc lần trước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, khai mạc vào ngày 20/10/2022 và dự kiến bế mạc vào ngày 18/11/2022.

Theo dự kiến nội dung chương trình kỳ họp, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết; cho ý kiến 7 dự án luật; xem xét các báo cáo về vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ