Dự chương trình có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi; ông Lê Quyền- Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Hùng - Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; bà Hồ Hồng Nguyên- Phó Chủ tịch thưởng trực Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam; ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, đại diện các ban ngành trung ương, Bộ GD&ĐT, Đài Truyền hình Việt Nam, thành phố Hà Nội, đặc biệt là sự hiện diện của hơn 400 thầy cô giáo đại diện cho hơn 1 triệu cán bộ quản lý, giáo viên trên cả nước.
Là một hoạt động thường niên ý nghĩa nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, "Thay lời tri ân” năm 2024 do Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện.
Chủ đề ‘Hy vọng’ muốn nói lên thông điệp: các thầy cô giáo chính là người gieo những “mầm xanh” tri thức, gieo những hy vọng, niềm tin mở ra những chân trời tri thức và hình thành nên nhân cách để các thế hệ học sinh thành công trong cuộc sống.
Chương trình năm nay tiếp tục có những câu chuyện xúc động, truyền cảm hứng về các thầy giáo, cô giáo hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, tận tâm, tận tụy với nghề. Trong Chương trình, khán giả cũng sẽ gặp gỡ một số khách mời đặc biệt với những chia sẻ tâm huyết về nghề, về nỗ lực đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục.
Để mang tới những câu chuyện cụ thể, dung dị mà xúc động và truyền cảm hứng trong Thay lời tri ân năm 2024, ekip thực hiện chương trình đã tỏa đi nhiều tỉnh thành (Hà Giang, Yên Bái, tới Hà Nội rồi Thừa Thiên Huế, Gia Lai...) để gặp gỡ nhân vật, thực hiện các phóng sự.
Cùng với những phóng sự xúc động, truyền cảm hứng về các thầy cô giáo, phần giao lưu trực tiếp với thầy cô trên sân khấu, Thay lời tri ân năm 2024 còn đưa khán giả trở về với mái trường nơi có những thầy cô đáng kính qua nhiều ca khúc được yêu thích, như Đi học xa, Bài học đầu tiên, Gieo chữ vùng cao, Người gieo mầm xanh, Cô giáo em, Em yêu trường em... Chương trình có sự góp mặt của các ca sĩ: Hải Yến, Hoàng Bách, HuyR, Hà Myo...
Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất
Tiếp thêm ngọn lửa yêu nghề cho giáo viên vùng cao
Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp 20/11, cô Ngô Thị Quỳnh Nga, giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, thành phố Lào Cai lại cùng gia đình hồi hộp đón xem chương trình Thay lời tri ân được phát sóng trên chương trình VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.
Cô Nga chia sẻ: “Với chủ đề Hy vọng, chương trình năm nay đã mang đến sắc màu mới nhằm tôn vinh, lan tỏa những câu chuyện lặng thầm, tận tâm tận hiến của thế hệ thầy cô giáo cho sứ mệnh gieo chữ trồng người ở khắp mọi miền của Tổ quốc. Từ đó, truyền tải những thông điệp ý nghĩa, lan tỏa tình yêu thương của các thầy cô, chắp cánh hy vọng cho nhiều thế hệ học trò vươn lên trong cuộc sống”.
“Hy vọng”, ngay từ tiêu đề đã cho người xem một luồng sinh khí mới như tiếp thêm niềm tin, ngọn lửa của lòng yêu nghề, yêu người. Trong sự nghiệp trồng người, ở bất kì cương vị nào: Người thầy; học trò; phụ huynh… cũng đều cần có niềm hy vọng. Hy vọng cho người thầy niềm tin gieo chữ trên ngàn; cho học trò tình yêu để say mê học tập; cho phụ huynh động lực để quan tâm đầu tư cho giáo dục…
Tại chương trình “Hy vọng” đã chạm đến trái tim của hàng ngàn khán giả qua màn ảnh nhỏ, từ hình ảnh tủ bánh mì không đồng đến các lớp học xoá mù buổi tối; từ cách tạo động lực đến những cử chỉ yêu thương mà thầy cô đã dành cho học trò…Tất cả đã tái hiện lại một bức tranh chân thực nhất về những hi sinh, công hiến thầm lặng của những người chiến sĩ văn hoá trong hành trình trồng người.
Xem chương trình, tôi và gia đình nhận thấy có một phần giáo dục của Lào Cai ở đó: Đó là những lớp học xoá mù hàng đêm sáng đèn tại các xã vùng ba của các huyện Văn Bàn; Simacai; Sa Pa…; Đó là những hiệu "cắt tóc không đồng" của những người thầy tại những buổi hoạt động ngoại khoá; đó là những buổi vượt núi, băng rừng tìm học sinh đến lớp của các thầy cô giáo vùng cao…
“Hy vọng”, một chủ đề hay, chạm đến trái tim triệu triệu người thầy để xã hội thấu hiểu, cảm thông và chung tay. Trong không khí thân tình, ấm áp của Chương trình Thay lời tri ân hôm nay, với sứ mệnh cao cả của mình tôi và đồng nghiệp cũng sẽ tiếp tục gieo hi vọng và tiếp tục hy vọng vào những điều tốt đẹp nhất về nền giáo dục của nước nhà; cùng hi vọng “thầy ra thầy, trò ra trò” để vị thế người thầy được khẳng đinh trong một xã hội hiện đại.
Hà Thuận
Tủ bánh mỳ không đồng giúp học sinh nghèo ở Gia Lai đến trường
Đã gần 5 năm nay, hình ảnh thầy giáo Vũ Văn Tùng, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Núp trở nên gần gũi, quen thuộc với người dân xã Pờ Tó, huyện Ia Pa (Gia Lai), bởi tuần 3 buổi dậy từ 4h sáng đi 40km đến trường cùng thùng bánh mì cho học trò nghèo.
Theo thầy Tùng, muốn các em đến trường học tập đầy đủ thì phải giải quyết cái ăn. Cũng từ ý nghĩa ấy mà quỹ "Tủ bánh mỳ không đồng ra đời".
Theo thống kê, cùng với việc lo bữa ăn sáng cho khoảng 200 học sinh mỗi tuần, từ 2021 đến nay, quỹ “tủ bánh không đồng” đã trao 7 con dê sinh sản, 15 con bò sinh sản có trị giá hơn 200 triệu đồng cho 18 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Núp và các trường học trên địa bàn huyện Ia Pa, các vùng lân cận.
Yêu quý, kính trọng thầy Tùng, già làng đặt tên là “Đinh Tùng” với ý nghĩa người con mang họ của đồng bào Ba Na.
Với những cống hiến thầm lặng ấy, thầy Tùng được Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Gia Lai và nhiều cơ quan Trung ương, địa phương tặng Bằng khen, Giấy khen.
Thành Tâm
Kỉ niệm với bó hoa chuối rừng đỏ thắm ngày 20/11
Khi được hỏi về động lực gắn bó với ngành Giáo dục vùng cao trong suốt 16 năm qua, nhà giáo tiêu biểu 2024 Nguyễn Thị Chuyên, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Mường Toong số 1, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé (Điện Biên) xúc động chia sẻ:
Trong suốt những năm tháng gắn bó với ngành Giáo dục vùng cao, tôi có rất nhiều kỉ niệm vui, buồn, nhưng có lẽ động lực để tiếp tục theo nghề cũng như kỉ niệm đáng nhớ nhất là khi mới bước chân vào nghề vào ngày 20/11/2007 khi tôi được phân công giảng dạy tại một điểm trường lẻ cách trung tâm trường chính 10km.
Ngày đó đường đi lại khó khăn, chúng tôi đều ở tại nhà của bà con trong bản. Sáng hôm ấy, như mọi ngày trời mưa tầm tã, khi các thầy cô giáo còn đang ngủ đã có tiếng phụ huynh gọi cửa bảo đem quà tặng cho thầy cô. Tôi thật sự bất ngờ xen lẫn chút ngạc nhiên.
Đặc biệt, khi mở cửa ra, một em học sinh cầm bó hoa rừng ở giữa còn cài một bông hoa chuối rừng đỏ thắm nói "em tặng cô, đây là bó hoa em đã chuẩn bị từ chiều hôm trước đó ạ".
Đây là bó hoa đầu tiên trong đời làm nghề dạy học và đó là bó hoa để lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất. Đến giờ cậu học trò nhỏ đó đã trở thành đồng nghiệp của tôi. Nhiều lúc ngồi ôn lại kỉ niệm, tôi vẫn đùa rằng 20/11 năm nay phải đi chọn một bó hoa đẹp như bó hoa ngày ấy tặng cô nhé.
Có thể nói chính những tình cảm hồn nhiên, trong sáng của các em cũng như sự quý mến của phụ huynh đã tạo động lực, sức mạnh, sự kiên trì bền bỉ để tôi quyết tâm gắn bó với nghề.
Minh Đức
Hạnh phúc khi đồng bào vùng cao thay đổi cuộc sống nhờ con chữ
Bằng tâm huyết với sự nghiệp trồng người, đặc biệt là việc xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn, thầy giáo Nguyễn Quang Thọ (SN 1986) và cô giáo Nguyễn Thị Dung (SN 1991) không quản gian khó để hết lòng với nhiệm vụ được giao.
Quãng đường từ trường PTDTBT Tiểu học Phong Dụ Thượng đến điểm xóa mù (thôn Khe Táu, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, Yên Bái) có hôm mưa kéo dài 4 -5 tiếng đồng hồ không dứt, hay những trận nước ngập qua tràn làm ướt hết quần áo và phương tiện thầy cô giáo, những trận sạt lở khiến đất đá lấp ngang đường… chưa một lần cản được bước chân của thầy giáo Nguyễn Quang Thọ và cô giáo Nguyễn Thị Dung.
“Sau một thời gian dạy học cho bà con lớp thôn Khe Táu, phần lớn tất cả mọi người đã biết đọc thông viết thạo và biết tính toán để làm ăn. Có những học viên đã tự mở quán bán hàng làm kinh tế. Nhìn thấy bà con biết buôn bán làm ăn tôi thấy rất vui và hạnh phúc khi đóng góp phần nào vào đó|, thầy Thọ hạnh phúc cho biết.
Còn cô giáo Nguyễn Thị Dung, 2 vợ chồng đều là giáo viên, dạy xa nhà 70 -80km, phải để lại 2 con nhỏ cho gia đình chăm sóc, không được về thăm con mỗi dịp cuối tuần nhưng vẫn luôn vui vẻ, tận tâm với những tiết học xóa mù bởi hai tiếng “cô giáo” thiêng liêng được các “bà học sinh”, “cô học sinh” mến thương gọi.
Cô Nguyễn Thị Dung chia sẻ: “Tôi rất hạnh phúc vì đã đem được con chữ đến cho bà con nhân dân, giúp cho nhiều gia đình cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế, có cuộc sống ấm no hơn”.
Đức Hạnh
Chương trình cho tôi biết thêm những câu chuyện sống động của nghề giáo
Cô Hoàng Thị Thuý Nhung - giáo viên mầm non, Trường Mầm non Tân Mai (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: "Khi xem chương trình Thay lời tri ân năm 2024 với chủ đề ‘Hy vọng”, tôi vô cùng xúc động. Tôi có thêm cơ hội được nghe những đồng nghiệp của mình ở mọi miền đất nước kể câu chuyện nghề và những kỉ niệm với mái trường, học trò.
Tôi càng cảm phục những đồng nghiệp đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã hi sinh cả thanh xuân để mang con chữ đến với học trò".
Cô Nhung cũng chia sẻ thêm, cô cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi được là một giáo viên mầm non. Mỗi ngày đến trường, được chứng kiến những nụ cười hồn nhiên của các bé, đó là món quà quý giá nhất. Cô luôn cố gắng hết mình để mang đến cho trò một môi trường học tập vui tươi và bổ ích.
"Chứng kiến từng em nhỏ học được cách tự mặc áo, biết nói lời cảm ơn, hay chỉ đơn giản là tự cầm ăn một cách tự tin, tôi cảm nhận được giá trị của sự cống hiến thầm lặng", cô Nhung chia sẻ.
Ngô Chuyên
Giao lưu khách mời
Giao lưu với thầy Nguyễn Quốc Thái , cựu giáo viên Trường miền Nam trên đất Bắc
Cùng giao lưu với nhà giáo Hồ Ngọc Đào là thầy Nguyễn Quốc Thái , cựu giáo viên Trường miền Nam trên đất Bắc. Thầy Thái bắt đầu sự nghiệp trồng người ở tuổi 18, và những học trò đầu tiên của thầy là các em học sinh từ miền Nam, xa gia đình, đến học tập tại miền Bắc. Trong hơn một thập kỷ, thầy đã gắn bó với các em học sinh miền Nam trên đất Bắc, đưa các em đến bến bờ tri thức.
Thầy Nguyễn Quốc Thái nhớ lại: Học sinh miền Nam khi đó còn rất nhỏ, chỉ 6-7 tuổi. Ở lứa tuổi đó, lẽ ra các em được sống trong tình yêu thương của cha mẹ, nhưng nay phải ra Bắc, xa gia đình, quê hương.
Ở trường chỉ có thầy cô, nên thầy cô cũng vừa là cha mẹ, thay mặt người thân bù đắp cho các em. Ngoài dạy kiến thức văn hóa, thầy cô còn dạy các em kỹ năng sống.
Những ngày đầu, các em rất buồn, mà buồn thi hay khóc. Đặc biệt dịp Tết Nguyên đán, đêm giao thừa, các em rất nhớ nhà. Chỉ cần một em khóc thì cả trường đều khóc theo. Chúng tôi đã tìm cách để các em vui. Một trong cách đó là hát cho các em nghe.
Hiếu Nguyễn
Thầy cô như mẹ, như cha!
Thầy giáo Hà Ngọc Đào, cựu học sinh Trường miền Nam trên đất Bắc, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk đã nhiều lần dừng chia sẻ vì nghẹn ngào xúc động khi nhớ về những người thầy cô giáo cũ trên đất Bắc – những người thầy đúng như cha, như mẹ.
Thầy Hà Ngọc Đào nhớ lại: Khi được ra Bắc học tập, rất nhiều bạn nhỏ như tôi, khoảng 10 tuổi, lần đầu tiên xa gia đình, nhớ gia đình vô cùng. Thời tiết miền Bắc đầu năm 1955 lại rét cắt da, cắt thịt.
Người Nam chịu rét không quen nên chúng tôi hết sức khó chịu. Sợ rét, sinh ra sợ nước dẫn đến bị ghẻ, hắc lào. Nhiều khi mủ dính vào quần áo dày như mo. Khi đó, chính thầy cô như cha mẹ đã chăm sóc chúng tôi từng giấc ngủ, bữa ăn, con chữ.
Tôi không thể quên thầy Phạm Quang Di và thầy Quách Thu Ba. Thầy Ba khi đó chỉ hơn chúng tôi tầm 5 tuổi, đưa anh em chúng tôi ra bãi sông Hồng tắm hoặc nấu nước lá xoan tắm cho chúng tôi, giặt quần áo cho chúng tôi. Chúng tôi vô cùng biết ơn, tri ân các thầy cô đã vì chúng tôi, vì miền Nam ruột thịt, coi chúng tôi như con em để lớn lên, trưởng thành, làm công việc có ích cho xã hội.
Thầy cô không chỉ dạy chúng tôi kiến thức mà còn tận tâm, tận lực dạy chúng tôi làm người. Các thầy cô đã gieo vào chúng tôi niềm hy vọng lớn lao về việc cống hiến cho đất nước. Học tập gương của các thầy, chúng tôi quyết tâm học tập, trở thành bác sĩ, kỹ sư, quản lý nhà nước, chiến sĩ thi đua, có người trở thành anh hùng liệt sĩ… Chúng tôi hết sức ngưỡng mộ các thầy. Các thầy là niềm tin, khát vọng của chúng tôi.
Hiếu Nguyễn
Luôn háo hức mong chờ chương trình mỗi năm
Cô Nguyễn Thị Hải – giáo viên về hưu ở tỉnh Lạng Sơn chia sẻ, năm nào cũng vậy, cô luôn tranh thủ thời gian để xem chương trình "Thay lời tri ân". Năm nay, với chủ đề “Hy vọng”, cô Hải vô cùng xúc động nhưng cũng thật tự hào về gương những nhà giáo tiêu biểu trên mọi miền tổ quốc.
Đặc biệt cô vô cùng ấn tượng về tấm gương thầy giáo một mình chăm hai con nhỏ, mặc dù gặp khó khăn như vậy nhưng vẫn vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy chính khoá và buổi tối vẫn tham gia dạy lớp xoá mù chữ.
Mặc dù còn gặp muôn vàn khó khăn trong cuộc sống, các đồng nghiệp vẫn kiên trì, lạc quan yêu nghề gắn bó với công việc mình đã chọn và dành cả cuộc đời cho sự nghiệp "trồng người".
"Trong không khí vô cùng ấm áp và xúc động của chương trình năm nay, tôi xin gửi tới những “người lái đò thầm lặng” lời chúc sức khoẻ và lời tri ân sâu sắc nhất. Hy vọng các thầy cô những người đã cống hiến, hi sinh cho sự nghiệp giáo dục cao cả luôn mạnh khỏe, ngày càng nhiệt huyết với công việc truyền thụ tri thức."
Ngô Chuyên - Tuấn Đạt
Phóng sự: Lớp học hy vọng
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Xin bày tỏ niềm tự hào lớn lao về các nhà giáo!
Phát biểu tại Chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Đã từ nhiều năm nay, chương trình “Thay lời tri ân” được tổ chức, phát sóng nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, là một món quà, là lời cảm ơn gửi đến các nhà giáo cả nước.
Mỗi năm chương trình lựa chọn một chủ đề, gửi gắm một thông điệp và chủ đề năm nay là “Hy vọng”. Giáo dục là nghề tạo dựng cho tương lai. Chúng ta hy vọng, tin tưởng vào những kết quả tốt đẹp do giáo dục mang lại cho từng người và cho các thế hệ; tin tưởng vào sự thay đổi ngày càng tốt đẹp hơn của sự nghiệp giáo dục - đào tạo nước nhà; người thầy chính là lực lượng quyết định biến nhiều điều chúng ta hy vọng thành hiện thực.
Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng bày tỏ niềm tự hào lớn lao về các nhà giáo.
“Từ trong chiều sâu của suy nghĩ, từ bề rộng của sự cảm nhận và tự đáy lòng mình, tôi gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các cô giáo, thầy giáo. Cảm ơn các cô các thầy đã lựa chọn nghề dạy người, đã yêu người, yêu nghề hết mực.
Cảm ơn các cô các thầy luôn sống vui, sống mạnh mẽ và lạc quan, dẫu còn nhiều khó khăn thách thức, những thách thức khi đất nước còn đang phát triển vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức của đổi mới và thách thức của kỷ nguyên số, của trí tuệ nhân tạo và nhiều yếu tố phi truyền thống khác”, Bộ trưởng bày tỏ.
Theo Bộ trưởng, hiếm có nghề nào mà những người làm nghề, trong nghề thấy gắn bó và yêu nghề của mình bằng nghề dạy học. Chính các cô các thầy đã làm cho xã hội thấy được một cách sinh động trong hiện thực và ngày càng hiểu sâu thêm những lý do tại sao nghề giáo lại là nghề cao quý.
Cảm ơn các cô các thầy đã tự đổi mới mình, phát triển bản thân, để phát triển cho học trò, phát triển ngành, để ngành giáo dục và đào tạo đạt được những kết quả như ngày hôm nay.
Đất nước đang đứng trước vận mệnh lớn tốt lành và thời cơ của sự phát triển lớn. Hơn trăm triệu người Việt Nam ta đang tràn đầy hy vọng ở tương lai. Đó là trách nhiệm lớn và cũng là vinh dự của tất cả chúng ta.
Bộ trưởng mong toàn thể các nhà giáo, các cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên trường học tiếp tục cùng nhau gắng sức, tiếp tục thể hiện năng lực sáng tạo không giới hạn, tình yêu nghề và khả năng thích ứng và đổi mới của mình. Hoàn thành sứ mệnh lịch sử này, nghề chúng ta sẽ càng thêm tốt đẹp và ý nghĩa. Chắc chắn chúng ta sẽ làm được điều đó. Đó chính là hy vọng lớn nhất và bao trùm.
Qua chương trình này, thay mặt cho toàn thể ngành Giáo dục nói chung và các nhà giáo nói riêng, Bộ trưởng bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị, xã hội đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới giáo dục và đào tạo, tới lực lượng người làm giáo dục.
Xin tri ân toàn thể nhân dân, các quý vị phụ huynh vì đã tin tưởng, ủng hộ, đồng hành cùng ngành Giáo dục. Thay mặt cho tất cả những người thầy, xin cảm ơn hàng chục triệu người học đã nỗ lực và cùng các nhà giáo hoàn thành tốt công việc của ngành.
Qua sóng VTV và qua chương trình này, Bộ trưởng cũng gửi lời chúc mừng tới toàn thể các nhà giáo, cán bộ và nhân viên ngành Giáo dục, nhân ngày 20/11 nhiều ý nghĩa; kính chúc các cô các thầy một dịp lễ của ngành thật vui tươi; chúc các cô các thầy luôn dồi dào sức khỏe, luôn hạnh phúc và thành công...
Hiếu Nguyễn
Văn nghệ
Liên khúc: Đi học xa - Bài học đầu tiên
Sáng tác: Hoàng Mai Lộc; Trương Xuân Mẫn
Biểu diễn: Hải Yến, Trung tâm VH TT Ba Đình
Giấc mơ có thật
Cô Trần Thị Kim Ngân - giáo viên Trường Tiểu học A Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang - bày tỏ niềm vui, hạnh phúc khi lần đầu được ra Hà Nội và được dự nhiều sự kiện ý nghĩa. Đây sẽ là những kỉ niệm cô sẽ không thể nào quên và sẽ là động lực để cô tiếp tục phấn đấu trong quá trình dạy học.
Cô Ngân cho biết, đã theo dõi chương trình Thay lời tri ân từ nhiều năm trước và đều rất cảm động. "Được tận mắt chứng kiến chương trình với tôi như một giấc mơ. Cảm ơn Bộ GD&ĐT đã tổ chức hoạt động tri cân nhà giáo vô cùng ý nghĩa. Tôi sẽ giữ mãi những kỉ niệm về những ngày vừa qua", cô Ngân nói.
Trong quá trình dạy học, cô Ngân đạt được nhiều thành tích như: 5 năm liên tiếp, lớp cô chủ nhiệm luôn đạt danh hiệu lớp tiên tiến xuất sắc. Cô đã xây dựng môi trường học tập thân thiện, kỷ luật, khuyến khích học sinh phát huy tối đa tiềm năng của mình.
Cô còn tích cực hướng dẫn, đào tạo giáo viên trẻ và hỗ trợ giáo viên lớn tuổi về công nghệ thông tin, tham gia tích cực vào các hội thảo chuyên môn, đóng góp ý kiến xây dựng các chương trình giáo dục cấp huyện/tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.
Vân Anh
Quyết tâm bám trụ với nghề
Từ TP Thái Nguyên, thầy Hoàng Tiến Phúc - giáo viên Trường THCS Hoàng Văn Thụ (Thái Nguyên) không giấu nổi niềm vui khi là một trong những giáo viên tiêu biểu được về dự Chương trình Thay lời tri ân – một chương trình gây được vang và có sức lan tỏa sâu rộng.
“Lần đầu tiên tôi được tham sự kiện lớn, trang trọng và ý nghĩa như thế này. Sự ghi nhận, sẻ chia của lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã tiếp thêm nghị lực để chúng tôi quyết tâm bám trụ với nghề, tận tâm, tận hiến với sự nghiệp trồng người” – thầy Phúc bộc bạch.
Tham dự chuỗi sự kiện, thầy Phúc được gặp gỡ giao lưu với nhiều thầy, cô giáo tiêu biểu trên mọi miền của Tổ quốc. Qua đó, thầy được giao lưu học hỏi kinh nghiệm quý báu trong giáo dục học sinh.
“Tôi rất vui và hạnh phúc khi được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao tặng Bằng khen. Tôi hứa sẽ giữ gìn phẩm chất, đạo đức của một nhà giáo và nỗ lực, đổi mới, sáng tạo trong dạy học” – thầy Phúc quả quyết.
Minh Phong
Chương trình ý nghĩa với nhà giáo
Có mặt tại chương trình Thay lời tri ân 2024, cô Phạm Thu Hiền, giáo viên Trường Tiểu học Đoàn Kết, tỉnh Lai Châu bày tỏ ấn tượng trước sự chuẩn bị nhiệt tình, chu đáo và công phu của Bộ GD&ĐT cùng các đơn vị để chào mừng kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Cô Hiền cho biết, trong 2 ngày qua, cô đã có rất nhiều kỉ niệmLễ trao giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam tại Nhà hát lớn; được dự lễ tuyên dương nhà giáo tiêu biểu tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt - Xô và tối nay được đến Trường quay của Đài truyền hình Việt Nam.
"Đây là những kỉ niệm mà tôi sẽ không thể nào quên. Sự quan tâm của các bộ, ngành khiến tôi cảm thấy bản thân phải cố gắng nhiều hơn nữa để góp phần xây dựng nền giáo dục nước nhà, theo kịp sự phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới. Tôi muốn góp một phần sức lực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", cô Hiền bày tỏ.
Trong quá trình công tác, cô Hiền đã đạt được nhiều thành tích tại các hội thi giáo viên dạy giỏi, tham gia tích cực các hoạt động công đoàn, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; công tác dân vận, vận động quyên góp ủng hộ những người bị thiên tai, giúp đỡ HS khó khăn.
Chương trình tôn vinh giá trị nghề giáo
Cô Phạm Thị Bách, giáo viên Trường Mầm non Thượng Giáo, xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ:
Thay lời tri ân là chương trình ý nghĩa mà tôi luôn theo dõi hằng năm mỗi dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây là chương trình thật sự ý nghĩa, cho thấy giá trị cao đẹp của nghề giáo, tôn vinh đóng góp của các thầy cô giáo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.
Là một giáo viên mầm non, tôi luôn cố gắng hết mình để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ; mong muốn bằng tâm huyết, công sức nhỏ nhoi của mình có thể vận động được các em đến lớp; có những bài giảng hay giúp các em phát triển nhận thức, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc giáo dục và phát triển của các em được tốt nhất.
Thật vinh dự khi năm nay tôi được vinh danh là giáo viên tiêu biểu. Tôi sẽ cố gắng cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục nói chung và công tác nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ mầm non nói riêng; xứng đáng với thiên chức nhà giáo - một nghề cao quý.
Hiếu Nguyễn
Chúng tôi không đơn độc
Lần đầu tiên được đến chương trình của VTV, lại là chương trình “Thay lời tri ân” – một chương trình ý nghĩa nhằm tôn vinh những cống hiến của nhà giáo, PGS.TS Phạm Anh Tuân, Trường ĐH Tây Bắc - chia sẻ, đây cũng là lần đầu tiên thầy tham dự chuỗi sự kiện lớn do Bộ GD&ĐT tổ chức giao cho Báo Giáo dục & Thời đại làm đơn vị thường trực.
“Đến với chương trình, chúng tôi không khỏi xúc động và vui mừng khi được lãnh đạo Bộ quan tâm và xã hội ghi nhận. Chúng tôi không đơn độc, trên mọi nẻo đường vẫn luôn có sự đồng hành của phụ huynh, trên hết là sự sẻ chia của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ GD&ĐT. Đó là động lực để chúng tôi thêm yêu nghề, mến trẻ, nguyện cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà” – PGS.TS Phạm Anh Tuân chia sẻ.
Minh Phong
Tự hào khi là một nhà giáo
Cô Đỗ Thị Loan - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Kim Nọi (Yên Bái) có 17 năm gắn bó với trẻ mầm non vùng cao chia sẻ: Ngần ấy thời gian, tôi càng trân trọng và tự hào với nghề giáo mình đã chọn.
Đặc biệt, năm nay tôi có dịp xuống Hà Nội tham dự chuỗi hoạt động vinh danh nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2024. Đây là một lời tri ân, động viên cho tôi và các đồng nghiệp khắp cả nước.
Tôi cũng có cơ hội lắng nghe các chuyện về nghề của đồng nghiệp khắp cả nước, càng tự hào thêm với nghề giáo mình đã chọn.
Tôi xin cảm ơn Bộ GD&ĐT, công đoàn Giáo dục, Báo Giáo dục và Thời đại đã tổ chức chương trình ý nghĩa để tôn vinh các thầy cô.
Bản thân tôi sẽ tự cố gắng cống hiến nhiều hơn nữa cho giáo dục vùng cao, nếu được chọn lại tôi vẫn chọn nghề giáo viên - cô giáo mầm non.
Ngô Chuyên
Mong chương trình tri ân được duy trì đều đặn hằng năm
Thầy Trần Duy Trung - Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Hậu, Lý Nhân (Hà Nam) là một trong số các nhà giáo được vinh danh "Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2024" do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Thầy Trung chia sẻ: "Chúng tôi vô cùng phấn khởi, vinh dự và tự hào khi được tham gia chuỗi hoạt động kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Hà Nội. Mỗi hoạt động đều thấm đẫm tinh thần nhân văn, chia sẻ với sự nỗ lực, cống hiến của nhà giáo với sự nghiệp Giáo dục của nước nhà".
Đến với sự kiện Thay lời tri ân 2024 - chủ đề "Hy vọng" đã được chuẩn bị và dàn dựng công phu, chu đáo các khâu. Công tác chuẩn bị hậu cần rất chu đáo của các bộ phận từ ban tổ chức. Mỗi năm một chủ đề khác nhau, nhưng mục tiêu vẫn đảm bảo tính lan tỏa, ghi nhận những cống hiến của đội ngũ nhà giáo cả nước.
"Tại sự kiện tuyên dương nhà giáo tiêu biểu, dâng hương tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám hay tham gia Lễ trao giải Báo chí toàn quốc vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam, chúng tôi rất vui mừng vì cộng đồng đã có sự ghi nhận những nỗ lực, sự vất vả hi sinh của thầy cô với sự nghiệp Giáo dục. Hi vọng Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục có nhiều chương trình hay và ý nghĩa như vậy", thầy Trung tâm sự.
Đình Tuệ
Lan tỏa mạnh mẽ đến nhà giáo khắp mọi miền Tổ quốc
Thầy Thạch Sa Quên, giáo viên Trường THPT Cầu Ngang A (tỉnh Trà Vinh) là khán giả nhiều năm qua của Chương trình Thay lời tri ân.
Là một nhà giáo, năm nào tôi và gia đình cũng đón xem Chương trình Thay lời tri ân thông qua sóng truyền hình trực tiếp. Đây là một chương trình hết sức ý nghĩa, truyền tải những thông điệp ý nghĩa, lan tỏa tình yêu thương của các thầy cô nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm.
Qua theo dõi, tôi được biết chương trình Thay lời tri ân năm 2024 với chủ đề Hy vọng nhằm tôn vinh, lan tỏa những câu chuyện lặng thầm, tận tâm tận hiến của thế hệ thầy cô giáo cho sứ mệnh gieo chữ trồng người ở khắp mọi miền của Tổ quốc.
Có dịp đón xem chương trình nhiều năm, tôi rất ấn tượng phần tọa đàm và giao lưu cùng những nhân vật. Mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật mang đến nhiều cung bậc cảm xúc qua những câu chuyện truyền cảm hứng về hành trình của các thầy cô giáo đang gieo chữ trong khắp cả nước.
Sự nghiệp giáo dục hiện nay còn nhiều vất vả, nhiệm vụ giáo dục ở những vùng sâu, vùng xa, những nơi khó khăn, những môi trường chuyên biệt, đặc biệt lại thêm nhiều phần vất vả và thử thách.
Dù khó khăn, vất vả như vậy nhưng thầy cô giáo trên khắp mọi miền vẫn vững tay lái, chắc tay chèo, tất cả vì học sinh thân yêu, vì nhiệm vụ thiêng liêng của nghề giáo… Những tấm gương nhà giáo tiêu biểu được tuyên dương sẽ lan tỏa mạnh mẽ đến hàng nghìn, hàng vạn nhà giáo tiêu biểu ở khắp mọi miền của Tổ quốc.
Quốc Ngữ (ghi)
Động lực để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo
Xúc động khi được tham gia Chương trình Thay lời tri ân, GS.TS Vũ Anh Tuấn, Nguyên Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam 1, Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo bày tỏ niềm vinh dự và tự hào.
Tham gia chương trình, tôi được gặp gỡ, giao lưu và học hỏi với hàng trăm nhà giáo tiêu biểu trên cả nước. “Tôi học hỏi ở đồng nghiệp rất nhiều. Mỗi người cho tôi những kinh nghiệm hay, bài học quý. Tôi sẽ vận dụng vào thực tế công tác của mình” – GS.TS Vũ Anh Tuấn bộc bạch.
Đến với chương trình, GS.TS Vũ Anh Tuấn không khỏi xúc động và hạnh phúc khi được lãnh đạo Bộ GD&ĐT quan tâm và xã hội ghi nhận. Chúng tôi cảm nhận được sự đồng hành của phụ huynh, trên hết là sự sẻ chia của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ GD&ĐT. Đó là động lực để chúng tôi cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà” – GS.TS Vũ Anh Tuấn khẳng định.
Minh Phong
Chương trình luôn để lại trong tôi nhiều cảm xúc
Cô Dương Thị Phương Bình, giáo viên Trường Mầm non Hoa Hồng, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh chia sẻ:
Thay lời tri ân là chương trình tôi luôn theo dõi hằng năm. Đây thực sự là chương trình hay, ý nghĩa, xúc động và để lại trong tôi rất nhiều cảm xúc. Chương trình cho tôi động lực, tình yêu nghề, niềm tin với nghề mình đã chọn khi được nghe, được thấy những câu chuyện thật đẹp về những nhà giáo tâm huyết, hết mình vì sự nghiệp trong người trên khắp mọi miền đất nước.
Là giáo viên tiêu biểu được vinh danh năm nay, tôi có cơ hội được xem trực tiếp Chương trình thay vì qua màn ảnh nhỏ như mọi năm. Đây cũng là kỷ niệm khó quên trong cuộc đời nhà giáo, trong ngày Nhà giáo Việt Nam.
Nhận được vinh dự này, tôi rất xúc động và thấy cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, lan tỏa những điều tốt đẹp, học hỏi nhiều hơn nữa ở những người đi trước; chăm sóc trẻ bằng cái tâm của một người mẹ, một nhà giáo; xem trẻ như con em mình, xem ngôi trường như ngôi nhà thứ hai của mình.
Hiếu Nguyễn
Học được nhiều bài học hay, kinh nghiệm quý
Tham gia Chương trình Thay lời tri ân, cô Vũ Thị Thu Hiền – giáo viên Tổng phụ trách Đội thiếu niên Tiền phong, Trường tiểu học Tiến Phúc (TP Kon Tum) bày tỏ niềm vinh dự và tự hào. Với cô, đây sẽ là kỷ niệm đặc biệt và trải nghiệm không thể nào quên.
“Tôi luôn nghĩ rằng, giáo viên không chỉ “đưa đò qua sông” mà còn xem học sinh như con em của mình” – cô Hiền trải lòng và cho biết, tham gia chương trình, cô còn được gặp gỡ, giao lưu và học hỏi với hàng trăm nhà giáo tiêu biểu trên cả nước. Mỗi nhà giáo đều có đặc trưng riêng trong phương pháp giảng dạy và giáo dục học sinh.
“Tôi học hỏi ở đồng nghiệp rất nhiều. Mỗi người cho tôi những kinh nghiệm hay, bài học quý. Tôi sẽ vận dụng vào thực tế giảng dạy của mình khi trở về địa phương” – cô Hiền bộc bạch.
Minh Phong
Cảm xúc đặc biệt khi tham dự Thay lời tri ân
Cô Đặng Thị Huệ, Trường THCS Mộc Lỵ, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La là giáo viên cốt cán cấp huyện; tham gia các đợt tập huấn, hỗ trợ, giúp đỡ đồng nghiệp về chuyên môn, triển khai các nội dung của Chương trình GDPT 2018 cho giáo viên trong huyện.
Cùng tham dự chương trình Thay lời tri ân với các giáo viên tiêu biểu tối 17/11 tại Đài truyền hình Việt Nam, cô Đặng Thị Huệ cho biết, bản thân luôn theo dõi chương trình này hằng năm, nhưng đây là lần đầu tiên được trực tiếp theo dõi tại trường quay, nên cảm xúc rất đặc biệt.
“Được vinh danh là nhà giáo tiêu biểu năm 2024 vào đúng dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi rất vui và vinh dự. Đây là nguồn động lực rất lớn giúp tôi luôn cố gắng hoàn thiện bản thân hơn nữa, trau dồi thêm những kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng được theo yêu cầu đổi mới của giáo dục hiện nay.
Tôi cũng sẽ nỗ lực hơn nữa, tìm tòi những phương pháp dạy học mới, áp dụng phương pháp dạy học tiên tiến vào các tiết học để tạo cho học sinh có những giờ học thoải mái, phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của của các em; từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”, cô Đặng Thị Huệ chia sẻ.
Hiếu Nguyễn
Giao lưu với thầy Vũ Văn Tùng
Thầy Vũ Văn Tùng, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) chia sẻ về hành trình gắn bó với học sinh nơi đây.
Hàng ngày, thầy chuẩn bị 200 chiếc bánh mì cho học sinh ăn sáng mỗi khi đến trường, giúp các em no bụng để yên tâm học chữ.
Thầy Tùng chia sẻ, quá trình dạy chữ cho học sinh nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Trường đóng chân trên vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, 90% là người Ba Na.
Hàng ngày, thầy phải lên tận rẫy để đón học sinh với hy vọng truyền cho học sinh những kiến thức để các em tiếp cận với con chữ. Vì chỉ có chữ mới mang lại hi vọng sau này cho các em.