Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: 4 từ khóa cho giáo dục năm 2024

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - “Bản lĩnh”, “thực tiễn”, “chất lượng”, “lan tỏa” - 4 từ khóa làm tinh thần triển khai công việc trong năm 2024 được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề xuất.

Giờ học tại Trường Tiểu học Ái Mộ B (Long Biên, Hà Nội). Ảnh: NTCC
Giờ học tại Trường Tiểu học Ái Mộ B (Long Biên, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Vượt qua một năm nhiều thách thức

Chia sẻ về năm 2023 tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá, đây là năm có khối lượng công việc lớn của ngành Giáo dục. Lượng công việc lớn bởi sau 2 năm ứng phó với dịch bệnh Covid-19, nhiều việc vì dịch bệnh chưa làm được, năm nay cần xử lý; đồng thời phải giải quyết những vấn đề do dịch bệnh gây ra. Việc nhiều còn vì ngành Giáo dục đang trong con đường chuyển đổi, đổi mới; Đảng, Quốc hội, Chính phủ... kỳ vọng nhiều, đòi hỏi cao, trông đợi, tin cậy nhiều...

Đặc biệt đổi mới giáo dục phổ thông năm 2023 có liên quan đến 9 lớp. Cụ thể, chúng ta phải đánh giá việc triển khai với các lớp 3, 7, 10; bắt đầu triển khai cho các lớp 4, 8, 11 và chuẩn bị cho các lớp 5, 9, 12. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục thực hiện trách nhiệm giải trình về các công việc đổi mới... Công việc nhiều lại trong bối cảnh thách thức đặt ra trên toàn bộ hệ thống; đặc biệt thách thức từ nguồn lực. Một số lượng không nhỏ đội ngũ nhà giáo dịch chuyển công việc cũng tạo ra khó khăn trong triển khai...

Mặc dù vậy, ngành Giáo dục trong năm 2023 đã làm được nhiều việc, với kết quả ấn tượng. Những việc này được nêu ra trong báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Bộ GD&ĐT. Trong đó tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW; triển khai Kế hoạch số 59/KH-GS ngày 11/10/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới theo kế hoạch của Ban chỉ đạo Trung ương.

Ban hành và triển khai Chương trình Giáo dục mầm non mới; triển khai Chương trình GDPT 2018; đa dạng hóa loại hình giáo dục và đào tạo đáp ứng đa dạng nhu cầu học tập của nhân dân; chỉ đạo, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo; xây dựng Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập; xây dựng Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường chuyển đổi số và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trong giáo dục và đào tạo; tiếp tục xây dựng hạ tầng quốc gia về học tập, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành; hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn ngành, kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia.

Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ đại học. Chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên. Đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; giáo dục quốc phòng và an ninh; tư vấn tâm lý học đường cho học sinh, sinh viên; triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất, y tế trường học và sức khỏe học đường bảo đảm an toàn trường học, phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh…

Bộ trưởng khẳng định đây là năm ngành Giáo dục nhận được sự tin cậy, chia sẻ, đồng thuận, thấu hiểu nhiều hơn từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, đại biểu Quốc hội, người dân… Trong nội bộ ngành cũng đồng tâm, nhất trí. “Đây chính là sức mạnh để chúng ta tiếp tục công việc đầy thử thách trong năm 2024”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Ảnh: Xuân Phú
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Ảnh: Xuân Phú

Nhiều thách thức trong năm 2024

Nhận định về năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Rất nhiều thách thức còn nguyên, nhưng nếu vượt qua được sẽ có những kết quả mới.

Theo Bộ trưởng, đây là năm quan trọng có tính chất nước rút với đổi mới giáo dục phổ thông, khi các lớp cuối cùng bước vào triển khai và chuẩn bị đánh giá cả chu trình đổi mới; cùng đó là hàng loạt công việc cần thực hiện theo kết luận giám sát đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Với nhiều thách thức, khó khăn, công việc đặt ra, Bộ trưởng nhấn mạnh từ khóa làm tinh thần triển khai cho năm 2024, đó là: Bản lĩnh - Thực tiễn - Chất lượng - Lan tỏa.

Bộ trưởng phân tích, với trạng thái đang đổi mới luôn nhiều thách thức, không bao giờ dễ dàng, chúng ta phải trả lời cho xã hội, khẳng định được con đường đó là đúng, hợp lý, hiệu quả, cần thiết và không thể khác. “Chúng ta đã kiên trì. Nhưng trong chặng đường còn lại, phải thể hiện tinh thần nhất quán, đặc biệt là bản lĩnh để tiếp tục con đường đổi mới. Nếu không thực sự bản lĩnh thì các cơ sở giáo dục, nhà giáo, phụ huynh sẽ không biết đặt niềm tin, trông cậy nơi đâu. Nên từ khóa đầu tiên là bản lĩnh để tiếp tục đổi mới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cùng đó là “cần thực tiễn để tiếp tục đổi mới thực chất, hiệu quả”. Theo Bộ trưởng, năm qua, Bộ GD&ĐT đã rà soát nhằm sửa đổi, điều chỉnh hàng loạt chính sách phù hợp với thực tiễn, như: Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm; Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông…

Tinh thần chung là lắng nghe thực tiễn, từ yêu cầu của thực tiễn, điều chỉnh để mở đường cho tiếp tục đổi mới. “Chúng ta đang trong thời kỳ chuyển đổi nên đương nhiên có nhiều thay đổi. Văn bản ban hành khi đi vào thực tiễn có điều chưa hợp lý thì phải kịp thời điều chỉnh. Như vậy, tinh thần thứ hai rất quan trọng là thực tiễn để tiếp tục đổi mới”, Bộ trưởng chia sẻ.

“Cam kết chất lượng” là việc tiếp theo mà theo Bộ trưởng, các cấp học dù nhiều việc phải làm nhưng luôn phải lấy yếu tố chất lượng làm thước đo cho mọi công việc. “Chúng ta đang làm nhiều việc để tốt hơn trong quản lý, điều hành; đổi mới phương pháp dạy học; kiểm tra, đánh giá, ban hành phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025... Tự chủ đại học, chúng ta đang triển khai theo hướng hoàn thiện, thực chất, chiều sâu. Đổi mới phải luôn đi kèm với chất lượng, để bảo đảm chất lượng”, Bộ trưởng nói.

Chia sẻ về từ khóa cuối cùng “lan tỏa”, Bộ trưởng cho rằng: Quá trình đổi mới có nhiều yếu tố mới, tinh thần mới, giá trị mới chúng ta cần lan tỏa. Lan tỏa bằng sự cố gắng của từng cơ sở, đơn vị, bằng cả hoạt động cụ thể của mình và truyền thông. Năm qua, hoạt động truyền thông chuyển biến tích cực, nên sự chia sẻ từ phía xã hội tốt hơn.

Sinh viên Trường ĐH Trưng Vương thảo luận sau giờ học. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường ĐH Trưng Vương thảo luận sau giờ học. Ảnh: NTCC

Những công việc cần triển khai

Về một số công việc cụ thể cần triển khai trong năm 2024, Bộ trưởng nhấn mạnh đầu tiên là làm thật tốt tổng kết Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Tiếp tục đưa ra đề xuất, mở đường cho bước phát triển mới trong thời gian tiếp theo nhân Kết luận của Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW; trong đó đặc biệt quan tâm đến nguồn lực đổi mới.

“Suốt 10 năm đổi mới vừa qua, nguồn lực là vấn đề mà qua tổng kết chúng ta thấy cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa; đặc biệt đầu tư cho hệ thống cơ sở giáo dục đại học thời kỳ tự chủ. Chúng ta cần phải giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, cùng đó là bảo đảm, nâng cao chất lượng đội ngũ”, Bộ trưởng chia sẻ.

Việc quan trọng tiếp theo là trình Chính phủ Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Năm 2024 cũng là năm tiếp tục đổi mới giáo dục phổ thông; trong đó thực hiện chu trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa đến các lớp 5, 9 và lớp 12, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng. Về việc này, Bộ trưởng yêu cầu các trường đào tạo giáo viên tập trung đổi mới chương trình, phương pháp để sinh viên ra trường có thể nhập cuộc ngay với phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá ở phổ thông theo chương trình mới.

Theo Bộ trưởng, sẽ không đồng bộ nếu hệ thống phổ thông đang ráo riết đổi mới phương pháp, nhưng đào tạo giáo viên không đổi mới kịp. Hai hệ thống không “ăn khớp” sẽ ảnh hưởng đến quá trình chung. Từ đó, Bộ trưởng mong các trường đào tạo giáo viên đặt thành trọng tâm trong việc với đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp, làm nhân tố thúc đẩy đổi mới giáo dục phổ thông theo chiều sâu. Như vậy, không chỉ đáp ứng cung cấp đủ giáo viên cho các môn học mà còn cần đổi mới để có được giáo viên đáp ứng yêu cầu cao trong thời gian tới.

Một nội dung công việc khác cũng được Bộ trưởng lưu ý là đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Xã hội càng hiện đại, phát triển, thì vấn đề tự học, học liên tục, học suốt đời càng quan trọng. Cùng đó, các hoạt động thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong đó Luật Nhà giáo là công việc lớn đặt ra cho năm 2024...

Năm 2023, trên cơ sở 188 báo cáo của các cơ quan, đơn vị, ý kiến góp ý của Thường trực Chính phủ và một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện và trình Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Bộ Chính trị dự thảo Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, gồm: Dự thảo Tờ trình Bộ Chính trị; Dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW; Dự thảo Kết luận của Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW.

Dự thảo Đề án đã làm rõ những kết quả nổi bật trong 10 năm triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW; đồng thời, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và rút ra bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để Bộ Chính trị chỉ đạo nhằm tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một góc bản Nàng 1, xã Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa).

Trăn trở Mường Lý

GD&TĐ - Mường Lý vào tháng 4 trời nóng rát. Gió phơn Tây Nam thổi ràn rạt. Những vạt rừng lau, lách ngả màu vàng úa, chỉ một mồi lửa là có thể bùng cháy.
HLV Park Hang Seo gây sốt trên mạng xã hội trong tháng 3.

HLV Park Hang Seo gây 'sốt' mạng xã hội

GD&TĐ - Dù đã chia tay tuyển Việt Nam từ lâu nhưng HLV Park Hang Seo vẫn luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của người hâm mộ bóng đá trên dải đất hình chữ S.