Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Truy hoàn thuế hơn 3.000 tỷ đồng

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng – thừa nhận: Thời gian qua, chống chuyển giá là vấn đề bức xúc của xã hội và cử tri. Năm nay, Bộ cũng tiến hành hơn 1.000 cuộc thanh tra, kiểm tra, truy thu, truy hoàn thuế hơn 3.000 tỷ đồng...

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn tại hội trường.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn tại hội trường.

Đăng đàn trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng – thừa nhận: Thời gian qua, chống chuyển giá là vấn đề bức xúc của xã hội và cử tri.

Về khung khổ pháp lý, từ 1995 Bộ đã có văn bản hướng dẫn về kiểm soát triển giá, gần đây Bộ tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về vấn đề này (năm qua đã ban hành Nghị định, Thông tư);

Đồng thời Bộ cũng đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có sản xuất liên kết, trong năm 2016 kiểm tra hơn 1000 doanh nghiệp, truy thu cả ngàn tỷ đồng; năm nay bộ cũng tiến hành hơn 1000 cuộc thanh tra, kiểm tra, truy thu, truy hoàn thuế hơn 3.000 tỷ đồng... 100% kiến nghị gửi đến Kỳ họp thứ Ba đã được trả lời.

Liên quan đến vấn đề kiểm tra chuyên ngành, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng –ch0 biết: Bộ Tài chính đã xây dựng đề án từ năm 2014 trình Chính phủ phê duyệt, trong đó giao trách nhiệm cho 13 bộ ngành phải cải cách hành chính; đến nay các bộ ngành đổi mới sửa đổi 200 danh mục với hàng trăm ngàn mặt hàng;...

Cũng theo Bộ trưởng, việc kiểm tra chuyên ngành có 28% thuộc trách nhiệm của hải quan còn 72% thuộc trách nhiệm của các bộ ngành... Tuy nhiên còn một số mặt hàng thuộc sự quản lý của nhiều bộ cần tập trung rà soát, chỉnh sửa,... Ví dụ, sữa chua, sữa bột khi nhập khẩu phải có 2 giấy phép của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Bên cạnh đó, bộ đã phối hợp với các bộ ngành liên quan thành lập tổ kiểm tra chuyên ngành tập trung ở 10 địa phương có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn, nâng cao hiệu quả kiểm định hải quan để thông quan nhanh;

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác kiểm tra chuyên ngành; rà soát các mặt hàng đang chịu nhiều đầu mối kiểm tra để đơn giản hóa, chuyển mạnh sang quản lý rủi ro, giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm; triển khai cơ chế 1 cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế, hải quan, kết nối đồng bộ với các bộ ngành;... Bộ trưởng khẳng định, trong 6 tháng đầu 2018 sẽ tạo chuyển biến căn bản trong thông quan hàng hóa.

Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về quản lý nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng – cho biết: Đã tổng kết, đánh giá, báo cáo các cấp có thẩm quyền nhằm bảo đảm nợ công bền vững, Quốc hội cũng đã có Nghị quyết về vấn đề này.

Trong thời gian qua chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp quản lý chặt nợ công như: Rà soát, hoàn thiện thể chế; quản lý chặt trần nợ công; quản lý chặt chẽ nguồn vốn vay ODA; xác định rõ mức bội chi ngân sách hằng năm; siết chặt bảo lãnh chính phủ; kiên quyết bám sát Nghị quyết 5 năm của Quốc hội trong chỉ đạo điều hành; bố trí cân đối nguồn bảo đảm trả nợ đúng hạn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát;...

Về quản lý hóa đơn thuế, Bộ trưởng – cho biết: Do thói quen người mua hàng hiện nay là ít lấy hóa đơn, trả bằng tiền mặt... trong thời gian tới cần đẩy mạnh tuyên truyền để khắc phục tình trạng này. Hiện bộ đang xây dựng nghị định về quản lý hóa đơn điện tử, kết nối giữa thuế và ngân hàng để triển khai các giải pháp hạn chế dùng tiền mặt trong mua bán hàng hóa trên thị trường...

“Thời gian qua Bộ Tài chính đã quyết liệt triển khai công tác cải cách hành chính lĩnh vực tài chính, thuế, hải quan gắn với hiện đại hóa và đổi mới phương thức quản lý; giải pháp quản lý chặt chẽ nợ công mà vẫn bảo đảm huy động vốn cho đầu tư phát triển” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ