Bộ trưởng đã thấu tỏ những nỗi niềm của nhà giáo

GD&TĐ - Sáng 15/8, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã gặp gỡ, trao đổi với các nhà giáo, CBQL, nhân viên các trường mầm non, phổ thông trên toàn quốc.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi gặp gỡ nhà giáo sáng 15/8.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi gặp gỡ nhà giáo sáng 15/8.

Những kiến nghị từ cơ sở

Thông tin tại buổi gặp gỡ, ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho hay, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận hơn 6.200 ý kiến, đề xuất. Trong đó, có khoảng 6.000 kiến nghị từ các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt trên toàn quốc.

Các ý kiến tập trung vào nhóm vấn đề lớn gồm: Triển khai Chương trình GDPT 2018 như dạy học môn tích hợp, bố trí giáo viên, tổ chức các cuộc thi trong nhà trường; các chế độ chính sách nhà giáo về tiền lương, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non; điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên…

Cô Vũ Thị Ngọc Tình - Giáo viên môn Toán Trường THPT Lưu Hoàng, Hà Nội.

Cô Vũ Thị Ngọc Tình - Giáo viên môn Toán Trường THPT Lưu Hoàng, Hà Nội.

Cô Vũ Thị Ngọc Tình - Giáo viên môn Toán Trường THPT Lưu Hoàng (Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết, đây là một sự kiện gần như chưa từng có tiền lệ khi có một Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hàng triệu nhà giáo trên cả nước. Cuộc gặp gỡ được kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh/thành.

Cũng theo cô Tình, hiện tại cơ cấu đội ngũ giáo viên theo cấu trúc của Chương trình Giáo dục 2006 không đồng nhất với Chương trình GDPT 2018. Số tiết ở các môn học có sự khác nhau giữa hai chương trình gây khó khăn cho việc phân công, sắp xếp đội ngũ giáo viên.

Ngoài ra, một số môn học tăng (như Tin Học, Ngoại ngữ trở thành môn bắt buộc cấp Tiểu học), số tiết dạy ở Tiểu học và THCS tăng so với trước đây nên việc thực hiện tối đa định mức giáo viên/lớp như hiện nay theo Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

"Chúng tôi mong muốn Bộ GD&ĐT sớm ban hành Thông tư sửa đổi định mức giáo viên/lớp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới. Đồng thời có cơ chế cụ thể về giao quyền tự chủ về đội ngũ cho mỗi nhà trường trong việc thực hiện chiến lược phát triển của mình, đáp ứng cao nhất nhu cầu học tập của học sinh", cô Tình bày tỏ.

Các đại biểu tham dự buổi gặp gỡ trực tiếp tại điểm cầu Bộ GD&ĐT sáng 15/8.

Các đại biểu tham dự buổi gặp gỡ trực tiếp tại điểm cầu Bộ GD&ĐT sáng 15/8.

Ở thành phố lớn như Hà Nội hay TP HCM, sĩ số học sinh/lớp nhiều nơi bị quá tải; số lượng học sinh có nhu cầu học tập tại các trường công lập còn rất nhiều nhưng chưa được đáp ứng do một số quận nội thành dân số cơ học tăng, thiếu các trường công, nguy cơ này ngày càng tăng. Mong Bộ trưởng quan tâm, cùng các cấp, các ngành sớm có giải pháp tháo gỡ tình trạng trên đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.

Cô Vũ Thị Ngọc Tình cũng chia sẻ, hiện nay, việc triển khai sử dụng quá nhiều phần mềm trong các trường học, trong khi cấu hình máy tính còn thấp gây nặng máy, chạy chậm. Ngoài ra, các phần mềm không liên thông được với nhau nên vẫn yêu cầu quá nhiều hồ sơ, sổ sách, minh chứng gây tốn kém, lãng phí…

Do đó, Bộ GD&ĐT cần có giải pháp chuyển đổi hồ sơ giấy thành hồ sơ điện tử để giảm bớt áp lực về hồ sơ sổ sách cho giáo viên.

Bộ trưởng lắng nghe nguyện vọng nhà giáo

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cùng lắng nghe những tâm sự của nhà giáo toàn quốc.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cùng lắng nghe những tâm sự của nhà giáo toàn quốc.

Chia sẻ cảm nhận cá nhân về buổi gặp gỡ lần này, cô Vũ Thị Ngọc Tình rất tâm đắc với phần trả lời, chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trước các ý kiến, kiến nghị của giáo giới cả nước. Người đứng đầu ngành Giáo dục đã lắng nghe trên tinh thần cầu thị, sẻ chia để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhà giáo.

Thầy Phùng Đăng Dũng - Chủ tịch Công đoàn Trường Hữu Nghị 80 (Hà Nội) đánh giá, những chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn là rất đúng và rất trúng, ý nghĩa và thiết thực.

Thầy Phùng Đăng Dũng - Chủ tịch Công đoàn Trường Hữu Nghị 80 (Hà Nội) đánh giá, những chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn là rất đúng và rất trúng, ý nghĩa và thiết thực.

Chủ trương chung của Đảng, Nhà nước là đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các cơ sở giáo dục công lập. Việc tự chủ đối với cơ sở giáo dục công lập gồm ba khâu chủ yếu là tự chủ về chuyên môn, về nhân sự, về tài chính.

Những năm qua, trong cơ sở giáo dục công lập về cơ bản đã tự chủ về chuyên môn và thực hiện tương đối tốt, nhưng về tự chủ tài chính và nhân sự đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Mong Bộ GD&ĐT sớm ban hành chủ trương của Ngành để đẩy mạnh tự chủ cơ sở giáo dục công lập.

"Dẫu biết rằng sẽ còn không ít gian nan, trở ngại nhưng chúng tôi vẫn mong muốn và tin tưởng rằng, thời gian tới, những kiến nghị đề xuất của nhà giáo, CBQL, nhân viên ngành Giáo dục sẽ được gửi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước để từ đó, các cơ quan hữu trách cùng với Bộ GD&ĐT sẽ từng bước giải quyết những nhu cầu chính đáng của nhà giáo, giúp giáo viên yên tâm công tác", cô Tình bày tỏ.

Theo chương trình, chiều 15/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn sẽ tiếp tục gặp gỡ, trao đổi những ý kiến, kiến nghị với các Nhà giáo, CBQL, nhân viên các trường Đại học, Cao đẳng trên toàn quốc. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Bộ GD&ĐT và kết nối trực tuyến tới các ĐH, trường ĐH trên toàn quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ