Chuẩn bị các điều kiện cần thiết
Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông thông tin, hiện đơn vị này đã ban hành công văn gửi tới các cơ sở giáo dục trực thuộc về việc tham dự hội nghị trực tuyến "Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục đào tạo năm 2023".
UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Tập đoàn viễn thông VNPT hỗ trợ các Phòng GD&ĐT kết nối với Hội nghị của Bộ GD&ĐT. Theo đó, quận Hà Đông được cấp 23 tài khoản kết nối tương ứng với 23 điểm cầu được phân công cho các nhà trường phụ trách điểm cầu ở cả 3 cấp Mầm non, Tiểu học và THCS.
Toàn quận Hà Đông sẽ lắp đặt 23 điểm cầu trực tuyến. |
Theo kế hoạch của Phòng GD&ĐT Hà Đông, sẽ có 8 điểm cầu đặt tại 8 trường Mầm non gồm: Hà Cầu, Dương Nội, Phú Lương 1, Quang Trung, Hàng Đào, Ban Mai, Phú La, Hoa Mai.
8 điểm cầu tại các trường Tiểu học: Ban Mai, Đồng Mai 1, Mậu Lương, Văn Yên, Phú La, An Hưng, Lê Quý Đôn, Vạn Bảo.
Riêng cấp THCS sẽ có 6 điểm cầu ở các trường: Lê Quý Đôn, Văn Khê, Yên Nghĩa, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Ban Mai.
Mỗi trường sẽ cử từ 5 - 10 người đại diện Ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên của trường tham dự trực tuyến tại mỗi điểm cầu.
Nhà giáo Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông. |
Các trường được đặt làm điểm cầu cần chuẩn bị cơ sở vật chất với đủ trang thiết bị thiết yếu. Hội trường khoảng 70 - 80 ghế ngồi cho đại biểu, hạ tầng kĩ thuật đảm bảo chất lượng; kiểm tra đường truyền trước khi diễn ra hội nghị trực tuyến.
Thống kê cho thấy, toàn quận Hà Đông có trên 4.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở các nhà trường công lập; nếu tính cả các trường ngoài công lập thì con số là gần 6.000 người.
"Nhận thức đây là một sự kiện quan trọng và mang rất nhiều ý nghĩa, chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để tham dự hội nghị trực tuyến một cách đầy đủ, nghiêm túc. Đây chính là cơ hội để đội ngũ nhà giáo cả nước có thể gửi những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình tới lãnh đạo ngành Giáo dục và các cơ quan quản lý để thêm động lực với nghề", bà Lệ Hằng bày tỏ.
Hội trường cơ quan Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì có đầy đủ các trang thiết bị phục vụ hội nghị trực tuyến. |
Cơ hội để nhà giáo bày tỏ nguyện vọng
Tương tự, tại huyện Ba Vì, công tác chuẩn bị cho hội nghị trực tuyến "Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục đào tạo năm 2023" cũng đang được triển khai tích cực.
Ông Nguyễn Danh Cường - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì cho hay, toàn huyện sẽ lắp đặt thành 14 điểm cầu ở các trường trực thuộc. Các trường ở gần nhau sẽ tập trung thành tại một điểm cầu theo danh sách đã được phân công.
Phòng GD&ĐT Ba Vì cũng yêu cầu các trường cử đại diện Ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên tham gia hội nghị trực tuyến một cách nghiêm túc, đầy đủ và đúng thành phần. Theo thống kê, toàn huyện Ba Vì có gần 4.900 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
Theo kế hoạch đã được Bộ GD&ĐT ban hành, sự kiện lần này là dịp để Bộ trưởng thông tin về tình hình của ngành Giáo dục; chia sẻ, động viên đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên các đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục trong cả nước chuẩn bị năm học mới 2023-2024.
Chương trình "Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục đào tạo năm 2023" sẽ được tổ chức trong ngày 15/8 theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Buổi sáng, Bộ trưởng sẽ gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục đang công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, các trường chuyên biệt.
Điểm cầu trực tiếp được tổ chức tại Bộ GD&ĐT. Điểm cầu trực tuyến kết nối tới 63 Sở GD&ĐT trên cả nước và dự kiến tới cả địa bàn huyện, cơ sở giáo dục tùy điều kiện cụ thể của mỗi địa phương.
Buổi chiều, Bộ trưởng sẽ gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục đang công tác tại các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm. Bộ trưởng chủ trì tại điểm cầu Bộ GD&ĐT; các điểm trực tuyến được kết nối tới các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm trên cả nước.
Thông qua chương trình này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn của nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục hiện nay. Từ đó giúp việc định hướng chính sách phù hợp để phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục và thực hiện thành công đổi mới giáo dục đào tạo.