Bộ trưởng Bộ Công an làm rõ một số vấn đề về Dự thảo Luật Cảnh sát Cơ động

GD&TĐ - Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 2, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về Dự thảo Luật Cảnh sát Cơ động.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật Cảnh sát cơ động.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Cảnh sát cơ động, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đánh giá cao các đại biểu Quốc hội đã có những ý kiến tâm huyết, sâu sắc và trách nhiệm đối với dự án Luật. Đồng thời cho biết, Bộ Công an sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến tham gia cua các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật.

Thứ nhất, tiếp thu ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội, Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật sẽ rà soát, chỉnh lý các quy định của dự án Luật về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, huy động người, phương tiện, thiết bị, hợp tác quốc tế của cảnh sát cơ động và các nội dung khác sao cho chặt chẽ, thống nhất với hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo nhiệm vụ của các lực lượng khác.

Thứ hai, về phạm vi hoạt động của cảnh sát cơ động: Với vị trí chức năng là lực lượng thuộc công an nhân dân nên phạm vi hoạt động của cảnh sát cơ động được thực hiện theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018. Theo đó, Cảnh sát cơ động căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và điều động của cấp có thẩm quyền để triển khai lực lượng, biện pháp, kịp thời xử lý những vụ việc, những tình huống phức tạp về an ninh, trật tự có thể xảy ra ở bất kỳ địa bàn nào trong phạm vi toàn quốc.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thực tế, quá trình thực hiện nhiệm vụ, chức năng giải quyết các vụ việc có liên quan đến an ninh quốc gia của cảnh sát cơ động cho thấy, các vụ việc không chỉ xảy ra các tỉnh, thành phố lớn mà còn xảy ra ở các tỉnh, khu vực miền núi, biên giới. Đặc biệt, có những vụ việc xảy ra lan rộng trên địa bàn nhiều tỉnh, nhiều thành phố.

Thứ ba, về nhiệm vụ của cảnh sát cơ động: Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động và bổ sung những nhiệm vụ cảnh sát cơ động đang thực hiện theo quy định trong các quyết định của Bộ Công an, dự thảo Luật xác định 7 nhóm nhiệm vụ của cảnh sát cơ động. Trong đó bao gồm nhiệm vụ chủ trì và nhiệm vụ phối hợp nhằm đảm bảo các cơ sở pháp lý cho việc điều động, sử dụng lực lượng Cảnh sát cơ động.

Vì trong quá trình ra quân thực hiện nhiệm vụ, Cảnh sát cơ động tác chiến theo đội hình với trang bị nhiều loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ sẽ tác động trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người có hành vi vi phạm pháp luật. Do vậy, việc quy định đầy đủ các nhiệm vụ Cảnh sát cơ động tại dự thảo Luật, Bộ Công an cũng sẽ xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội.

Thứ tư, về quyền hạn, ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái tấn công xâm phạm các mục tiêu do cảnh sát cơ động bảo vệ: Hiện nay, Cảnh sát cơ động ở trung ương, các địa phương được giao nhiệm vụ bảo vệ gần 650 mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, xã hội trên phạm vi toàn quốc theo danh mục do Chính phủ quy định. Bên cạnh đó, Cảnh sát cơ động còn được giao nhiệm vụ bảo vệ các Hội nghị, sự kiện quan trọng như Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử Quốc hội, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, các sự kiện hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam, bảo vệ các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện các văn bản quy phạm pháp luật chưa có quy định cụ thể đối với việc xử lý phương tiện bay không người lái khi xâm phạm mục tiêu do Cảnh sát cơ động bảo vệ. Trong khi đó, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, các loại phương tiện bay siêu nhẹ được sử dụng rất rộng rãi trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tiềm ẩn nguy cơ gây hại đối với an ninh quốc gia, đe dọa nghiêm trọng tới an ninh trật tự nói chung, an toàn các mục tiêu do Cảnh sát cơ động bảo vệ nói riêng.

Ví dụ như những trường hợp phản động và tội phạm lợi dụng các phương tiện này để có thể mang chất nổ, chất hóa học, sinh học phá hoại hoặc gây nguy hại cho các mục tiêu. Nếu lực lượng trực tiếp bảo vệ không được quyền ngăn chặn mà chờ lực lượng khác đến xử lý thì sẽ gây ra hậu quả về nhiều mặt, nhất là các mục tiêu quan trọng về chính trị, ngoại giao.

Do vậy, theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, để đảm bảo cơ sở pháp lý cho cảnh sát cơ động trong việc chủ động ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trong trường hợp các phương tiện này trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạm các mục tiêu, bảo đảm tuyệt đối an toàn các mục tiêu được giao vũ trang canh gác, bảo vệ thì trong dự án Luật cần quy định thẩm quyền này cho Cảnh sát cơ động.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng cho biết, đối với một số ý kiến tham gia của các vị đại biểu Quốc hội về các nội dung cụ thể của dự án Luật, Bộ Công an sẽ phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nghiên cứu giải trình, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 diễn ra vào tháng 5/2021 theo đúng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.