Bổ sung Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nhất trí bổ sung dự án Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024.

Cô trò Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội).
Cô trò Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội).

Ngày 22/4, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản số 3525/TB-TTKQH thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Theo Kết luận này, Luật Nhà giáo sẽ được bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024 và trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Trước đó, ngày 20/6/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp thường trực Chính phủ về đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ GD&ĐT tập trung thực hiện 9 nội dung khi xây dựng Luật Nhà giáo, bao gồm:

Thể chế hóa các chủ trương của Đảng về nhà giáo; tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc mà thực tế đặt ra đối với nhà giáo; khắc phục được tình trạng tản mạn, thiếu đồng bộ đối với các văn bản pháp lý về nhà giáo; nghiên cứu, rà soát để cụ thể hóa các chính sách; đánh giá kỹ lưỡng hơn các chính sách đưa vào luật.

Cùng với đó, tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế trong quá trình xây dựng luật. Đối với chính sách quản lý nhà nước về nhà giáo cần lưu ý đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển đội ngũ. Đẩy mạnh truyền thông trong quá trình xây dựng luật để tạo sự đồng tình, ủng hộ của xã hội và nhà giáo đối với các chính sách trong luật.

Ngày 7/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 95-NQ/CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật của Chính phủ tháng 6 năm 2023. Trong đó Chính phủ nhấn mạnh: Đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo là xây dựng luật mới, khó, đối tượng rộng, tác động lớn, có nhiều chính sách quan trọng, cần có chính sách ưu tiên về nguồn lực và tổ chức thực hiện, liên quan đến nhiều luật.

Đồng thời, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ GD&ĐT nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về lĩnh vực nhà giáo; tổng kết, rà soát kỹ lưỡng pháp luật hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Trong quá trình soạn thảo Luật, cần khắc phục các bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay để thiết kế các chính sách theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, có tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp với vai trò, vị trí việc làm của nhà giáo, có chính sách ưu đãi, khen thưởng, tôn vinh phù hợp.

Nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế, tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia,nhà khoa học, truyền thông chính sách để tăng tính thuyết phục khi thông qua chính sách, bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện khi luật được ban hành.

Về phía Bộ GD&ĐT đã đề xuất 5 chính sách trong Luật Nhà giáo và được Chính phủ thống nhất thông qua, bao gồm: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý nhà nước về nhà giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ