Thiếu trầm trọng
Cô Hà Thị Thu – Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Bá Thước (Thanh Hoá) cho biết, đây là một trong những tin có ý nghĩa nhất trong ngày, thậm chí là trong năm 2022. “Chúng tôi đang thiếu 12 giáo viên ở cấp THCS và THPT. Cụ thể, với cấp THCS, trường thiếu 4 giáo viên ở các bộ môn như: Âm nhạc, Tiếng Anh, Toán, Ngữ văn. Cấp THPT, trường thiếu 8 giáo viên các bộ môn như: Tiếng Anh, Toán, Thể dục, Sinh học…” - cô Thu thông tin.
Đến thời điểm này, Thanh Hoá là địa phương thiếu giáo viên nhiều nhất cả nước. Ông Trần Văn Thức – Giám đốc Sở GD&ĐT thông tin: Toàn tỉnh thiếu khoảng 9.000 giáo viên từ mầm non đến THPT; trong đó, thiếu nhiều nhất là giáo viên mầm non và tiểu học. Sở GD&ĐT đã đề xuất bổ sung số lượng giáo viên còn thiếu nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng như mong muốn.
Tương tự, ngành Giáo dục Quảng Ngãi cũng thiếu khoảng hơn 1.000 giáo viên từ mầm non cho đến THPT. Cụ thể, bậc mầm non thiếu 213 chỉ tiêu; tiểu học 471 chỉ tiêu; THCS: 205 chỉ tiêu; THPT: 164 chỉ tiêu. Ông Nguyễn Ngọc Thái – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cho hay: Sở đã đề nghị UBND tỉnh cho phép tuyển dụng số giáo viên còn thiếu để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của năm học 2022 – 2023. “Đề xuất của chúng tôi được chấp thuận, dự kiến tháng 11 tổ chức tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục” – ông Thái thông tin.
Nhiều địa phương vẫn thiếu giáo viên tiếng Anh. Ảnh minh hoạ: TG |
Thực tế cho thấy, nhiều địa phương cũng trong tình trạng thiếu giáo viên và đề nghị được bổ sung chỉ tiêu trong năm học mới. Tại Nghệ An, toàn tỉnh có hơn 870.000 học sinh các cấp với trên 1.500 cơ sở giáo dục. Theo dự báo, năm học 2025 - 2026, toàn tỉnh có hơn 924.000 học sinh, trẻ (tăng khoảng 106.000 học sinh, trẻ so với năm học 2021 - 2022); năm 2030 sẽ tăng hơn 120.000 học sinh, trẻ. Với số lượng học sinh này, tỉnh thiếu trên 7.000 giáo viên để đảm bảo dạy học theo chương trình mới.
UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt đề án Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông ngành GD-ĐT tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Nghệ An cũng đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ xem xét đảm bảo biên chế để thực hiện dạy học.
Số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số môn học, cấp học và một số địa phương vẫn xảy ra. Thậm chí, trong cùng địa phương có hiện trạng thừa giáo viên các môn như Ngữ văn, Toán nhưng lại thiếu giáo viên dạy các môn đặc thù như: Tin học, Tiếng Anh, Nghệ thuật....
Dự báo đến năm 2025, khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai ở tất cả khối lớp sẽ phải bổ sung hơn 24.000 giáo viên cho 3 môn học mới gồm: Ngoại ngữ, Tin học và Công nghệ cấp tiểu học; môn Nghệ thuật cấp THPT. Cụ thể các môn cần bổ sung giáo viên như sau: Ngoại ngữ cấp tiểu học: Trên 11.300 giáo viên; Tin học cấp tiểu học: Gần 7.300 giáo viên; Nghệ thuật cấp THPT: Hơn 5.300 giáo viên. Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung trên 94.700 biên chế trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Cô trò Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang). Ảnh: NTCC |
Thông tin vui
Trong gần 66.000 giáo viên được bổ sung giai đoạn 2022 - 2026 cho các địa phương, cô Hà Thị Thu tin tưởng, tỉnh Thanh Hoá sẽ được phân bổ chỉ tiêu và Trường THCS & THPT Bá Thước được bổ sung, tuyển dụng giáo viên để chấm dứt tình trạng thiếu đội ngũ đứng lớp giảng dạy. “Trước mắt, năm học 2022 – 2023, chúng tôi đề nghị các cấp chính quyền cho phép tuyển dụng 12 giáo viên ở cả hai cấp học để thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ năm học mới” – cô Thu đề xuất.
Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hoá Trần Văn Thức bày tỏ, với số lượng giáo viên được Bộ Chính trị giao bổ sung, Thanh Hoá sẽ được phân bổ chỉ tiêu để sớm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên như hiện nay. “Khi được giao bổ sung, Sở GD&ĐT sẽ tham mưu với tỉnh để có kế hoạch phân bổ theo từng giai đoạn. Trong đó, ưu tiên địa phương thiếu nhiều giáo viên” – ông Thức trao đổi, đồng thời cho biết: Nếu được bổ sung 9.000 giáo viên như đề xuất, Thanh Hoá cơ bản đủ giáo viên để thực hiện nhiệm vụ dạy học và đáp ứng được yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ 2018.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thái, trong giai đoạn từ nay đến năm 2026, nếu Quảng Ngãi được phân bổ biên chế cho ngành Giáo dục, Sở sẽ tham mưu với lãnh đạo tỉnh có kế hoạch tuyển dụng, sử dụng hợp lý. “Chúng tôi đang chờ thông tin và chủ trương, quyết định của cấp trên về việc giao chỉ tiêu giáo viên cho địa phương trong giai đoạn 2022 – 2026” – ông Thái cho hay.
Với số lượng gần 66.000 giáo viên được bổ sung giai đoạn 2022 - 2026, ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) – nhìn nhận, đây là thông tin rất vui, thể hiện sự quan tâm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với ngành Giáo dục. Đồng thời là sự động viên rất lớn trước thềm năm học mới 2022 - 2023, tạo động lực cho các cấp quản lý, thầy cô giáo. “Các địa phương phải tổ chức triển khai tuyển dụng, bổ sung biên chế theo đúng số lượng đã phân bổ ở từng cấp học theo Quyết định của Bộ Chính trị và bảo đảm chất lượng” - ông Đức nhấn mạnh.
Lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đồng thời lưu ý, trường hợp vào năm học mới nhưng chưa tuyển dụng đủ số lượng được giao hoặc chưa hoàn thành công tác tuyển dụng, địa phương phải có các giải pháp tạm thời để bảo đảm có đủ số lượng giáo viên đứng lớp như ký hợp đồng giáo viên, thông tin rộng rãi về biên chế tuyển dụng, làm việc với cơ sở đào tạo để có nguồn tuyển dụng, trao đổi với địa phương lân cận nhằm phối hợp tuyển dụng đội ngũ còn thiếu.
Theo ông Vũ Minh Đức, với gần 66.000 giáo viên được bổ sung giai đoạn 2022 - 2026; trong đó, năm học 2022 – 2023 là hơn 27.800 giáo viên mầm non, phổ thông, cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực cho ngành Giáo dục, trong đó có việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.