Axit folic đóng vai trò quan trọng với cơ thể con người, đặc biệt với phụ nữ mang thai. Trong giai đoạn thai kỳ, bạn nên bổ sung axit folic để cho thai nhi khỏe mạnh, phát triển tốt nhất. Đâu là thực phẩm bổ sung axit folic cho mẹ bầu? Cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Axit Folic là gì?
Axit folic (vitamin B9 - thuộc vitamin nhóm B) là dưỡng chất rất cần cho quá trình phát triển và phân chia các tế bào, và góp phần quan trọng cho sự hình thành của tế bào máu. Vitamin B9 đã được xếp vào nhóm 13 Vitamin cần thiết mà cơ thể cần được cung cấp hàng ngày.
Các mẹ bầu thiếu axit folic quá nhiều sẽ có nguy cơ sảy thai cao, sinh non, dễ mắc chứng rối loạn tâm thần sau sinh, suy dinh dưỡng bào thai. Trẻ khi sinh ra cũng dễ mắc các bệnh về thần kinh như bệnh nứt đốt sống, vô sọ, bệnh tim mạch, hở hàm ếch nếu mẹ thiếu axit folic nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia, axit folic thậm chí còn giúp phòng dị tật về môi, tim, ống tiểu và chân tay ở trẻ mới sinh.
Bên cạnh đó, phụ nữ có nhu cầu bổ sung axit folic cao hơn nam giới do mất máu trong các chu kỳ kinh nguyệt. Để sản xuất tế bào máu tốt hơn, ngoài axit folic cần chú ý bổ sung cả sắt và các dinh dưỡng thiết yếu khác. Nếu thiếu máu do thiếu axit folic, phụ nữ sẽ cảm thấy mệt mỏi, suy giảm trí nhớ, giảm hoạt động thể lực thường xuyên,…
Bổ sung axit folic cho phụ nữ có thai
Axit folic là dưỡng chất cực kỳ quan trọng cho sức khỏe phụ nữ có thai cũng như sự phát triển toàn diện của thai nhi. Vậy bạn cần bổ sung axit folic khi nào và liều lượng ra sao?
Nên bắt đầu bổ sung axit folic khi nào?
Các khuyết tật bẩm sinh thường xuất hiện trong 3-4 tuần đầu tiên của thai kỳ. Do đó, cần thiết phải bổ sung Folate trong giai đoạn sớm của thai kỳ khi não và tủy sống của thai nhi đang trong giai đoạn hình thành.
Khi mẹ bầu đi khám để chuẩn bị cho việc mang thai, bác sĩ có thể sẽ kê đơn cho mẹ bắt đầu dùng axit folic. Một nghiên cứu đã cho thấy rằng phụ nữ bổ sung axit folic ít nhất một năm trước khi mang thai làm giảm trên 50% nguy cơ sinh non.
Liều lượng sử dụng axit folic trong thai kỳ
Tùy theo thể trạng của mỗi người, bác sĩ sẽ kê lượng folate phù hợp hằng ngày. Theo khuyến cáo, hướng dẫn chung là:
Với phụ nữ đang chuẩn bị mang thai cần 400 microgram axit folic/ngày.
Với phụ nữ có thai cần 600 microgram axit folic/ngày.
Với phụ nữ cho con bú cần 500 microgram axit folic/ngày.
Trường hợp các mẹ con bị dị tật bẩm sinh như nứt đốt sống hay thiếu một phần não, và dự định sinh thêm con, nên tham khảo bác sĩ trước khi uống. Thông thường những trường hợp này cần tới khoảng 4.000 microgram axit folic/ngày.
Axit folic có trong thực phẩm nào?
Bên cạnh việc uống thuốc bổ sung, bạn vẫn nên tập trung nạp folate từ thực phẩm trong chế độ ăn uống hằng ngày. Dưới đây là một số thực phẩm dồi dào axit folic:
Cam: Giàu axit folic, cam còn là nguồn dồi dào của chất xơ và vitamin C vừa giúp tăng khả năng hấp thụ sắt, lại vừa giúp giảm nguy cơ táo bón khi nạp folate vào cơ thể.
Sữa, chế phẩm từ sữa: Ngoài axit folic, sữa chứa nhiều protein và canxi, rất tốt cho sức khỏe của mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi.
Măng tây: Trong các loại rau quả, măng tây chứa hàm lượng folate cao nhất. Măng tây cũng là thực phẩm chứa lượng lớn axit folic và chất xơ. Cụ thể trong mỗi khẩu phần (90gr) măng tây nấu chín chứa khoảng 134mcg axit folic, đáp ứng 34% giá trị dinh dưỡng (DV) axit folic mỗi ngày cho cơ thể.
Rau bina: Hàm lượng axit folic trong rau bina rất cao so với các loại rau sẫm màu khác. Đây cũng là loại rau rất giàu sắt, cực kỳ lành mạnh cho phụ nữ mang thai ăn nhiều trong thai kỳ.
Bông cải xanh: Xếp sau măng tây và rau bina, bông cải xanh là lựa chọn lý tưởng khác cho thực đơn ăn uống hằng ngày của bà bầu giúp bổ sung thêm lượng folate cần thiết.
Lòng đỏ trứng: mỗi quả trứng lớn đáp ứng đến 6% DV axit folic (khoảng 22mcg) cùng với các chất dinh dưỡng khác như vitamin B2, vitamin B12, protein và selen.
Đậu tương: Các loại đậu chứa lượng folate dồi dào, cao nhất phải kể đến đậu tương. Các chế phẩm từ đậu tương: Sữa đậu nành, đậu phụ,…
Khoai tây: Ngoài axit folic, khoai tây còn chứa kẽm hỗ trợ cho sự phát triển dây thần kinh não của thai nhi.
Ngũ cốc thô: Đây là món không thể thiếu nếu mẹ bầu muốn cơ thể hấp thu tốt lượng chất xơ và một số dưỡng chất cần thiết khác.
Quả bơ: Nửa quả bơ sống chứa khoảng 82mcg axit folic, đáp ứng 21% DV giá trị dinh dưỡng mỗi ngày. Hơn nữa còn rất giàu chất béo lành mạnh như axit béo omega 3 cực tốt cho tim mẹ và não bé.
Bên cạnh chế độ ăn, bạn cần đến thăm khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn bổ sung axit folic một cách hợp lý, phù hợp vào từng thời điểm của thai kỳ, mẹ nhé!