Theo đó, ngày 21/11/2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký Quyết định số 4507/QĐ-BGDĐT Phê duyệt Danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Có 32 sách giáo khoa của 8 môn học và hoạt động giáo dục được phê duyệt trong lần này. Cụ thể, môn Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Mĩ thuật, Âm nhạc mỗi môn có 5 cuốn sách giáo khoa; môn Tự nhiên và xã hội có 3 cuốn; Giáo dục thể chất có 1 cuốn; Hoạt động trải nghiệm có 3 cuốn.
Trong đó, bộ SGK lớp 1 “Cùng học để phát triển năng lực” đã hoàn thành, có chất lượng tốt và được khẳng định qua các vòng thẩm định quốc gia của Bộ GD&ĐT. Ban soạn thảo bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” (đơn vị đầu tư và tổ chức biên soạn là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Hà Nội, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) cho biết, việc biên soạn bộ sách đáp ứng các yêu cầu cơ bản.
Đó là, SGK phát triển từ chương trình môn học, đặt trọng tâm vào việc phát triển phẩm chất và năng lực giúp học sinh thành công trong học tập. SGK trình bày đầy đủ và súc tích toàn bộ yêu cầu cần đạt về kiến thức, kĩ năng môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
SGK là một kế hoạch học tập có hướng dẫn từng bước, có tính hệ thống cao, thuận lợi cho việc học của học sinh và việc tổ chức dạy học của giáo viên; Bộ SGK có thiết kế mĩ thuật tổng thể khoa học và thống nhất. Mỗi cuốn phải là một tác phẩm đẹp, thiết kế mĩ thuật hiện đại, hấp dẫn học sinh…
Bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” được biên soạn ở lớp 1 có mức độ tiếp cận kiến thức hợp lý, vừa đáp ứng yêu cầu của chương trình, vừa phù hợp với sức học của đại đa số học sinh ở tất cả các vùng miền, đảm bảo sự thân thiện, gần gũi với mọi học sinh, giáo viên.
Ở mỗi môn học, sách bảo đảm sự hài hoà giữa các hoạt động hình thành kiến thức, rèn kỹ năng với hoạt động thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống. Sách dễ sử dụng, phù hợp cho việc tự học của học sinh, cho việc giảng dạy của giáo viên và việc theo dõi, phối hợp của phụ huynh học sinh.
Trình bày trong SGK được chú trọng như trình bày các sự kiện, cung cấp các tình huống cụ thể, cân nhắc các quá trình học tập của học sinh. Việc lựa chọn nội dung, khái niệm quan trọng đều được liên hệ đến những kinh nghiệm của cuộc sống thực. Nội dung dựa trên nền tảng kiến thức, thiết kế cho người học. Dựa trên những đặc trưng cơ bản về SGK phát triển năng lực để định hướng phát triển SGK.
Bộ SGK “Cùng học để phát triển năng lực” về nguyên tắc cơ bản thực hiện nhiệm vụ nêu trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Đổi mới chương trình và SGK theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực, đảm bảo tính thống nhất trong toàn quốc và phù hợp với đặc thù mỗi địa phương.
Theo Ban soạn thảo bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực”, bộ sách đã đảm bảo kế thừa những yếu tố tích cực của SGK Việt Nam và vận dụng hợp lý kinh nghiệm quốc tế về phát triển SGK hiện đại: SGK là một kế hoạch cho những hoạt động tích cực của học sinh góp phần hình thành và phát triển những năng lực chung, đặc biệt là năng lực môn học. Tạo điều kiện để học sinh tự học và chứng tỏ khả năng vận dụng sáng tạo. Góp phần đổi mới phương pháp dạy học; giúp giáo viên tổ chức tốt các hoạt động học tập của học sinh.