Bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp: Tránh những áp lực không đáng có

GD&TĐ - Thực hiện bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp (CDNN), thời gian qua một số địa phương yêu cầu giáo viên phải có đủ minh chứng đã thực hiện nhiệm vụ của hạng cũ.

Bộ GD&ĐT đã dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01 - 04 nhằm tháo gỡ những hạn chế, bất cập. Ảnh minh họa: TG
Bộ GD&ĐT đã dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01 - 04 nhằm tháo gỡ những hạn chế, bất cập. Ảnh minh họa: TG

Quy định trên khiến nhiều thầy cô không thể cung cấp đủ minh chứng nên chưa được bổ nhiệm hạng tương ứng.

Giảm áp lực

Ngày 2/2/2021, Bộ GD&ĐT ban hành các Thông tư số 01, 02, 03, 04 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Chùm Thông tư 01 - 04 quy định nhiệm vụ theo từng hạng giáo viên. Mục đích là để sau khi giáo viên được bổ nhiệm vào hạng sẽ thực hiện nhiệm vụ nếu được hiệu trưởng phân công.

Tuy nhiên, theo phản ánh, khi thực hiện bổ nhiệm từ CDNN cũ sang hạng mới, địa phương yêu cầu phải có đủ minh chứng đã thực hiện nhiệm vụ. Quy định này, vô hình trung dẫn đến việc giáo viên chưa được bổ nhiệm hạng tương ứng vì không cung cấp đủ minh chứng.

Hơn 10 năm công tác ở trường tiểu học, thầy L.N.T (Thanh Hóa) được bổ nhiệm vào giáo viên hạng II. Thời điểm đó, để được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp hạng II, thầy L.N.T phải làm riêng một bảng biểu liệt kê các minh chứng, từ nhiệm vụ chuyên môn như: Thực hiện dạy minh họa cấp trường thế nào? Tham gia các hoạt động chuyên khác ra sao?… Cho đến bằng cấp, chứng chỉ và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ… Thầy L.N.T cho hay: Nhiều đồng nghiệp chưa cung cấp đủ minh chứng theo yêu cầu nên tạm thời chưa được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp.

Được bổ nhiệm vào CDNN giáo viên mầm non hạng II, cô Phạm Thị Mai – Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Quang (Thanh Hà, Hải Dương) phải nộp đầy đủ các minh chứng theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Có những minh chứng định danh và định lượng được, nhưng cũng có những minh chứng mà chỉ những người trong nghề, trực tiếp đứng lớp mới hiểu.

Theo cô Mai, dù không vất vả, nhưng để thu thập được đầy đủ minh chứng mất khá nhiều thời gian. Vì thế, nếu bỏ qua khâu này sẽ giúp nhiều giáo viên được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp mới. Từ đó tạo động lực để nhà giáo yên tâm công tác, tránh những áp lực không đáng có.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay: Nhiều địa phương quy định giáo viên dự xét thăng hạng phải căn cứ vào vị trí việc làm, cơ cấu CDNN, nhu cầu của các cơ sở giáo dục công lập và tình hình thực tế của địa phương. Chỉ được xét từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề cùng CDNN đang giữ. Bên cạnh đó, có địa phương quy định, giáo viên phải cung cấp đủ hồ sơ và các minh chứng theo quy định. Đối với tiêu chuẩn, tiêu chí không có minh chứng là: Văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận thì minh chứng là xác nhận của cơ quan chủ quản về năng lực của giáo viên đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí đó.

Giáo viên không cần nộp minh chứng đã thực hiện công việc của hạng khi thực hiện bổ nhiệm CDNN từ hạng cũ sang hạng mới. Ảnh minh họa: TG
Giáo viên không cần nộp minh chứng đã thực hiện công việc của hạng khi thực hiện bổ nhiệm CDNN từ hạng cũ sang hạng mới. Ảnh minh họa: TG

Lắng nghe và thấu hiểu

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, quá trình thực hiện ghi nhận một số bất cập nên rất  hoan nghênh Bộ GD&ĐT đã thấu hiểu và lắng nghe, tiếp thu ý kiến của giáo viên để có những điều chỉnh phù hợp. Theo đó, giáo viên mầm non, phổ thông không cần nộp minh chứng đã thực hiện công việc của hạng khi bổ nhiệm từ hạng CDNN cũ sang hạng mới.

Thông tin từ Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), trong quá trình rà soát, sửa đổi các Thông tư 01 - 04, Bộ GD&ĐT đã tổ chức lấy ý kiến của hơn 466.000 giáo viên về một số nội dung định hướng sửa đổi, bổ sung thông qua Hệ thống TEMIS. Kết quả, hơn 280.000 phiếu có thông tin phục vụ cho việc xử lý, phân tích.

Ý kiến đóng góp của giáo viên là căn cứ quan trọng để xác định phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp, bảo đảm quyền lợi của đội ngũ trên nguyên tắc tuân thủ quy định hiện hành có liên quan. Các nội dung dự kiến điều chỉnh, bổ sung nói trên cũng được đa số giáo viên mầm non, phổ thông đồng thuận. Trong đó, có dự kiến một số điều chỉnh như: Làm rõ quy định nhiệm vụ đối với từng hạng CDNN. Đó là những công việc giáo viên thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng. Trong suốt thời gian giữ hạng, hiệu trưởng có thể phân công thực hiện nhiệm vụ của hạng cao hơn nếu giáo viên có khả năng.

Ngoài ra, khi bổ nhiệm sang hạng tương ứng không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng về việc đã thực hiện được nhiệm vụ của hạng. Giữ quy định nhiệm vụ chung cho các hạng. Trong đó hạng cao quy định thêm một số nhiệm vụ có mức độ phức tạp hơn, yêu cầu giáo viên phải có kinh nghiệm công tác và năng lực cao hơn mới thực hiện được.

Bên cạnh đó, Thông tư 01 - 04, Bộ GD&ĐT quy định: Đối với những nhiệm vụ theo hạng CDNN mà trường mầm non, phổ thông công lập không được giao hoặc không đủ điều kiện thực hiện có thể quy đổi sang các nhiệm vụ khác liên quan để làm căn cứ đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của giáo viên. Như vậy, quy định về nhiệm vụ của giáo viên không phải là quy định cứng, bắt buộc đối với tất cả cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và không phải là công việc bắt buộc các giáo viên phải thực hiện.

Mục tiêu quan trọng nhất của việc ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01 - 04 là góp phần phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng. Đồng thời tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh trong việc bổ nhiệm CDNN và xếp lương tại địa phương trong thời gian qua. Qua đó, giúp ổn định công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý và để đội ngũ giáo viên an tâm công tác, tập trung triển khai chương trình giáo dục đạt hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ