1. Câu nói đề cao ý kiến của con
Nhiều phụ huynh thường cho rằng: "Trẻ nhỏ đã biết gì mà nói" hay "Trẻ nhỏ thì không được xen vào chuyện của người lớn". Từ đó, họ không cho phép con nêu ý kiến - điều này vô tình khiến con trở nên nhút nhát, tự ti.
Trong học tập, ngay cả khi biết đáp án đúng thì con cũng không dám giơ tay phát biểu. Trong công việc sau này, con cũng dè dặt đưa phát biểu ý kiến, suy nghĩ của bản thân.
Bố mẹ thông minh không nên ngăn cấm mà cần khuyến khích con nói ra quan điểm của mình. Khi một sự việc xảy ra, hãy hỏi con: "Theo ý con thì trong trường hợp này mình nên làm thế nào?" hay: "Nếu là con thì con định làm gì?". Câu nói đơn giản này sẽ khuyến khích sự tự tin, giúp con dám đề xuất ý tưởng, dám suy nghĩ và hành động. Không chỉ vậy, nó còn kích thích não bộ phát triển.
2. Câu nói đặt niềm tin ở con
Khuyến khích, cổ vũ là một trong những bí quyết giúp nuôi dạy trẻ thành công. Khi con đối mặt với một vấn đề khó khăn, bố mẹ không nên vội vàng làm giúp mà cần động viên con tìm ra giải pháp.
Câu nói: "Bố mẹ tin con có thể làm được" tuy đơn giản nhưng thể hiện bố mẹ tin tưởng con nhiều như nào.
Khi ấy, con sẽ tích cực suy nghĩ, tự tìm cách giải quyết vấn đề, não bộ có cơ hội phát triển nhiều hơn. Một số nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra, trẻ nhỏ được nuôi dưỡng trong môi trường an toàn, yên tâm và tin tưởng thường phát triển não bộ hơn so với những đứa trẻ khác.
3. Câu nói khơi gợi tính tò mò, khám phá ở con
Nếu muốn con phát triển vượt trội, hãy để con tò mò. Hoạt động của tâm trí có phần tương tự với hoạt động của cơ thể. Nó sẽ trở nên khỏe mạnh hơn nếu thường xuyên "tập thể dục".
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra, trẻ dễ dàng học được nhiều chủ đề hơn khi não bộ xuất hiện sự hưng phấn từ sự tò mò, mong muốn hiểu biết. Nhà vật lý học, thiên tài Albert Einstein cũng từng bày tỏ quan điểm: "Điều quan trọng là không ngừng đặt câu hỏi. Đừng bao giờ đánh mất sự tò mò thánh thiện".
Trong cuộc sống hàng ngày, bố mẹ hãy kích thích sự tò mò của con bằng cách đặt ra các câu hỏi như: "Đố con đây là quả gì", "Vì sao cái này lại hình tròn, cái kia lại hình vuông?",... Những câu hỏi này sẽ giúp kích thích não bộ của con, tăng niềm đam mê học hỏi, tìm hiểu thế giới xung quanh.
4. Đặt ra những câu hỏi gợi mở
Đứng trước một vấn đề, thay vì đưa ra lời giải trực tiếp cho con, bố mẹ hãy đặt những câu hỏi gợi mở. Chẳng hạn khi con ngồi xem tivi quá lâu mà quên học bài, thay vì quát: "Tắt tivi ngay", bố mẹ nên nói: "Đã quá giờ xem tivi 10 phút rồi, con có biết bây giờ phải làm gì không?".
Câu hỏi gợi mở kiểu này sẽ giúp con phải động não nhiều hơn. Từ đó hình thành kỹ năng giải quyết, xử lý vấn đề và thêm phần tự lập.
5. Khen ngợi nỗ lực của con
Khi con đạt được thành tích tốt, bố mẹ cần khen ngợi để con có thêm động lực cố gắng. Tuy nhiên, việc khen ngợi cần đúng cách, tránh nói những lời quá hoa mỹ khiến con tự kiêu, ảo tưởng về bản thân.
Cụ thể, bố mẹ cần khen ngợi nỗ lực, thay vì thành tích, tố chất của con. Chẳng hạn như: "Mẹ đánh giá cao sự nỗ lực của con", "Mẹ biết con đã học tập rất chăm chỉ để đạt được điểm 10" thay vì "Con giỏi quá", "Con thông minh quá".
Lời khen đúng cách sẽ giúp con có thêm động lực, phấn đấu đạt được những thành tích cao hơn trong tương lai.