Thay đổi tâm lý, thói quen
Nếu dịch Covid-19 không bùng phát thì hoạt động chủ yếu của học sinh trong một ngày là học tập, vui chơi, học lớp bồi dưỡng năng khiếu, giáo dục kỹ năng sống… tại trường lớp và các trung tâm, câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật. Như vậy, vai trò của nhà trường, thầy cô trong khoảng thời gian HS ở trường hết sức quan trọng để quản lý, dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục ngoại khóa.
Tuy nhiên, do thực hiện giãn cách vì dịch Covid-19, thời gian biểu học tập và sinh hoạt của HS cơ bản ở nhà, thay vì học, kiểm tra trực tiếp thì chuyển sang trực tuyến. Học sinh cũng không được gặp gỡ, giao tiếp cùng bạn bè và ở không gian rộng… Những điều này dẫn tới nhiều thay đổi, ảnh hưởng cơ bản về tâm lý và thói quen sinh hoạt.
Chị Nguyễn Thị Ngọc (Đống Đa – Hà Nội) có con trai đang học lớp 11 chia sẻ: Vì tâm lý hôm sau không phải đi học nên con thường xuyên thức khuya để chơi, xem phim, chat với bạn cùng lớp… và đi ngủ vào 2 – 3 giờ sáng. Sinh hoạt ở phòng riêng nên không thể kiểm soát hoàn toàn giờ giấc, mặt khác con đang ở độ tuổi phát triển, thể hiện “cái tôi” rất lớn nên bố mẹ không thể bắt ép, hay mắng mỏ. Cơ bản nhắc nhở để con tự ý thức. Tuy vậy, sự thay đổi trong nền nếp sinh hoạt khá lớn so với lúc chưa có dịch Covid-19.
Anh Nguyễn Hải Tiến (Giải Phóng – Hà Nội), có con học lớp 8, cho biết, ở nhà con vào mạng nhiều hơn. Ngoài học tập, tìm hiểu thông tin còn xem phim, chơi game… Đáng nói, để biết con chơi gì, xem gì trên mạng, vợ chồng anh chị đều khó kiểm soát bởi vẫn phải làm việc và cũng không thạo về công nghệ thông tin.
Mặt khác, với suy nghĩ trẻ ở nhà cả ngày để không nhàm chán, than phiền thì cũng cần “thoáng” hơn trong quy định thời gian vui chơi giải trí.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh (Linh Đàm – Hà Nội) lại chia sẻ: Con gái chị học lớp 3. Hàng ngày, cháu khá hiếu động, ngoài lúc học tập, cháu hay xuống sân chơi cùng bạn. Nghỉ dịch quá lâu, con bức bối, hay khóc xin đi chơi hoặc than phiền “ở nhà chán lắm mẹ ạ”.
Hơn 1 tuần nay, con có hiện tượng chuyển sang trạng thái trầm ngâm, ít nói, không nô đùa nghịch ngợm nhiều như trước… “Liệu đây có phải là tác động tâm lý khi ở trong không gian hẹp quá lâu? Không được gặp bạn bè và vận động thể chất?...” - chị Quỳnh lo lắng nói.
Cùng trẻ vượt qua đại dịch
Theo cô Nguyễn Thị Lan Phương – giáo viên Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm – Hà Nội), học sinh Hà Nội kết thúc năm học muộn nên trong khoảng thời gian nghỉ hè cô vẫn duy trì lớp học online miễn phí 2 buổi/tuần, mỗi buổi 1 – 2 giờ. Một mặt, cô muốn nhắc lại kiến thức để HS không quên, mặt khác, đây cũng là cách để các em duy trì thói quen, nền nếp, ý thức học tập dù ở nhà.
Quan trọng là giúp học sinh có cơ hội giao tiếp, nhìn thấy bạn bè, thầy cô, được giải trí qua hoạt động học mà chơi. Gần 100% học sinh của lớp cô Phương chủ nhiệm đã tham gia vào buổi học online miễn phí này. Nếu cô bận việc phải nghỉ 1 buổi là phụ huynh và học sinh đều nhắn tin nêu mong muốn cô dạy bù.
Tuy nhiên, cô Nguyễn Thị Lan Phương khẳng định: Vai trò của phụ huynh trong những ngày này rất quan trọng và các gia đình cần phối hợp tốt với nhà trường, thầy cô chủ nhiệm để nắm bắt kịp thời kế hoạch học tập trực tuyến của nhà trường.
Cùng đó, có thể nhờ giáo viên tư vấn trong việc tổ chức cho HS tự học ở nhà sao cho hiệu quả, phù hợp. Dù học trực tuyến hay bất cứ hình thức học tập nào cũng phải hướng tới mục đích nhắc lại kiến thức, được giải trí, vui chơi qua học tập, được vận động dù trong không gian hẹp….
Các gia đình cũng cần sắp xếp, bố trí công việc, thời gian hợp lý, khoa học để luôn có người lớn ở nhà quản lý con em trong những ngày các em nghỉ tránh dịch. Cần quản lý tốt ý thức, nền nếp của các con thông qua tổ chức hoạt động trong ngày như giờ ăn, giờ nghỉ, ngủ, vận động thể thao, tự học. Từ đó, bản thân mỗi học sinh sẽ duy trì được ý thức, nền nếp giống như khi đi học, tránh việc các em rơi vào tình trạng chểnh mảng, lơ là học tập.
Thầy Trần Quốc Hải – Hiệu trưởng Trường THCS Cát Linh (Đống Đa – Hà Nội) - cũng đưa ra lời khuyên: Phụ huynh cần xây dựng thời gian biểu trong ngày về thời gian tự học, học trực tuyến, thời gian vui chơi, nghỉ ngơi… giúp trẻ không tùy tiện trong sinh hoạt, học tập.
Đặc biệt, cần nắm bắt kỹ thuật và các ứng dụng công nghệ thông tin để tạo điều kiện tốt nhất cho các em được tự học ở nhà hiệu quả. Khi trẻ học, phụ huynh cần theo dõi, nhắc nhở ý thức của con, thường xuyên liên hệ với giáo viên để thống nhất cách thức, nội dung và thời gian học.
Bên cạnh đó, các gia đình cần bố trí khoảng thời gian để cùng con trò chuyện, rèn luyện sức khỏe, vui chơi, tạo sự nhanh nhẹn, hoạt bát khi nghỉ dài ngày. Chú ý chia sẻ với con những vấn đề khó khăn đang gặp, tạo không khí vui vẻ, đầm ấm để trẻ có thêm động lực học tập và không bị tù túng tại nhà. Hơn thế, đây cũng là dịp để cha mẹ dạy trẻ thành thạo kỹ năng bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho bản thân và cộng đồng…
PGS.TS Trần Thị Minh Hằng (Khoa Tâm lý giáo dục – Học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng: Ở trẻ em, việc nghỉ học kéo dài, hạn chế vui chơi bên ngoài, làm bạn với iPad, điện thoại nhiều… ảnh hưởng không tốt tới tâm sinh lý. Như người lớn, trẻ em cũng có rối loạn lo âu lan tỏa trong đại dịch Covid-19, bị stress do cách ly dài ngày không được đi chơi và gặp gỡ bạn bè, không đến trường học, gián đoạn học hành...
Vì vậy theo PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, phụ huynh không nên để trẻ chơi game suốt ngày khi nghỉ học, sẽ làm đảo lộn nếp sinh hoạt cũng như có thể gây ra vấn đề nghiện hành vi (nghiện game, Internet).
Thời điểm này, gia đình có vai trò quan trọng để tạo cho trẻ sự cân bằng tinh thần. Bố mẹ có thể không phải là nhà sư phạm giỏi nhưng chắc chắn phải trở thành nhà giáo dục để đồng hành với con trong các điều kiện hoàn cảnh...