Tích cực phối hợp trong chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS

GD&TĐ - Ngày 22/11 tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế đã phối hợp với các tổ chức UNICEF và CRS tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định số 570/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014 - 2020.  

Tích cực phối hợp trong chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS

Các Thứ trưởng Đào Hồng Lam (Bộ LĐ-TB&XH), Nguyễn Thị Nghĩa (Bộ GD&ĐT), Nguyễn Thanh Long (Bộ Y tế), cùng Trưởng đại diện UNICEF, CRS đã chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe đại diện lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế báo cáo kết quả 3 năm thực hiện các mục tiêu của Quyết định 570/QĐ-TTg và phương hướng nhiệm vụ của các ngành trong những năm tiếp theo.

Tại Hội nghị, ông Jesper Moller - Phó Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam, bà Julfies Keane - Trưởng đại diện tổ chức CRS tại Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế về việc hỗ trợ các quốc gia thực hiện hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Các tham luận của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Thái Nguyên, Trung tâm Giáo dục lao động xã hội II (Ba Vì, Hà Nội), Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh, Hải Phòng đã chia sẻ kinh nghiệm của các địa phương về công tác chăm sóc, điều trị kết quả thực hiện kết nối dịch vụ chăm sóc cho trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS.

Hiện nay, trong cả nước có 121.723 trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trong đó số trẻ em bị nhiễm HIV là 6.800 trẻ, số bị ảnh hưởng trực tiếp bởi HIV/AIDS là 68.000 trẻ, số có nguy cơ cao nhiễm HIV là 41.794 trẻ.

Các Bộ, ngành Y tế, Giáo dục đã ban hành nhiều văn bản hỗ trợ cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cùng với sự vào cuộc tích cực của tất cả các tỉnh/thành trong toàn quốc, sau khi ban hành và triển khai Kế hoạch hành động quốc gia đã có 92,2% số huyện trong toàn quốc xây dựng kế hoạch thực hiện.

Đã có 70% cơ sở trợ giúp trẻ em, cơ sở chăm sóc và điều trị cho trẻ em nhiễm HIV, các tổ chức xã hội có liên quan đến trẻ em HIV được cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (mục tiêu đặt ra đến 2020 là 90%).

Ngành Giáo dục đã đạt được 84% trường học tạo cơ hội cho trẻ bị ảnh hưởng HIV/AIDS được đi học theo nhu cầu (mục tiêu đến năm 2020 là 100%).

Giai đoạn 2014 - 2016, tổng kinh phí thực hiện Quyết định 570 từ nguồn ngân sách là 165 tỷ, huy động hỗ trợ của tổ chức quốc tế và vận động cộng đồng được 81 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vẫn còn 30% trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS chưa được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tâm lý, dinh dưỡng, tiếp cận chính sách của Nhà nước… theo nhu cầu.

30% các em vẫn chưa có thẻ bảo hiểm y tế, gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe. Trong xã hội và môi trường học đường, vẫn còn sự kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em này và các chính sách đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS chủ yếu mới quan tâm được tới nhóm đối tượng trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS thuộc các hộ nghèo, cận nghèo.

Những thách thức đó đòi hỏi Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế phải tìm ra các giải pháp tích cực, phù hợp thực tế và quyết liệt hơn trong công tác phối hợp liên ngành, tăng cường triển khai các hoạt động cung cấp thông tin, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật và kiện toàn mạng lưới liên kết các dịch vụ chăm sóc toàn diện trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại các cấp….

Theo Báo cáo đánh giá kết quả sau 3 năm thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tổng hợp từ ba Bộ thì đến nay đã có khoảng 70% trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong diện quản lý được cung cấp các dịch vụ về y tế giáo dục, tư vấn, hỗ trợ dinh dưỡng và phát triển thể chất, chăm sóc thay thế, vui chơi, giải trí và các chính sách xã hội được quy định (mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 là 90%).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ