Bố mẹ làm ngay điều này để trẻ dễ dàng hòa thuận với thành viên mới

GD&TĐ - Có rất nhiều cách để trẻ bày tỏ thái độ bức xúc với em bé như cãi nhau, xô xát... Lúc này, cha mẹ cần bình tĩnh xử lý để sự việc không đi quá xa.

Sau một hồi tranh giành, khóc lóc chúng lại thân thiện, ríu rít. Ảnh minh họa.
Sau một hồi tranh giành, khóc lóc chúng lại thân thiện, ríu rít. Ảnh minh họa.

ThS Trần Phương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ mẹ và bé chỉ cách xử lý trong từng tình huống cụ thể để trẻ dễ dàng thỏa thuận với thành viên mới trong gia đình.

Khi em bé thứ hai bắt chước anh, chị

Thông thường, bé thứ hai sẽ cố bắt chước bé thứ nhất về mọi thứ như cách chơi, cách đi và cách giành nói chuyện hoặc chơi với mẹ. Tuy nhiên, anh chị của chúng chưa chắc đã thích điều này. Do đó, việc hai bé hay xung đột là điều dễ hiểu. Trường hợp này không nên trách mắng hay đánh bé lớn hoặc yêu cầu bé phải nhường em.

Cách hành xử đúng nhất là mẹ sẽ tách hai bé ra, cả hai không ai được lấy món đồ chơi đó và mẹ sẽ giữ nó. Dĩ nhiên cả hai bé đều khóc, nhưng sẽ quên ngay và quay lại chơi cùng.

Sau đó, cha mẹ hãy chọn một thời điểm nào đó dạy hai bé biết cách chia sẻ lẫn nhau bằng chính món đồ đó. Ví dụ như cho bé lớn chuyền sang bé nhỏ hơn và để bé nhỏ chuyền lại cho mẹ, mẹ sẽ truyền lại cho bé lớn. Bài tập này đều có ích cho tất cả các bé từ 10 tháng - 48 tháng tuổi.

Những hoạt động này sẽ giúp cả hai dần nhận thức trách nhiệm và sự gắn bó cần có trong việc giao tiếp và ứng xử hành vi. Đồng thời, cho trẻ hiểu rằng nếu có tranh chấp xảy ra thì cả hai đều bị “mất quyền lợi”.

Trẻ thường xảy ra tranh cãi với em bé vì những bất đồng. Ảnh minh họa.

Trẻ thường xảy ra tranh cãi với em bé vì những bất đồng. Ảnh minh họa.

Làm gì khi trẻ đánh em?

Mặc dù đã phân tích hay giải thích nhiều lần mà anh, chị lớn vẫn thường lén đánh em bé hoặc cố tình khiến em tổn thưởng, cha mẹ cần thay đổi “chiến thuật”.

Trước tiên, cha mẹ tuyệt đối không để mình nóng nảy và sốt ruột mà quát lên với trẻ hay… đánh trẻ. Hãy nhớ rằng, hành động bộc phát này chứng tỏ bạn có lỗi trong việc cư xử chưa khéo, để cho đứa con lớn của mình bị tổn thương mà làm như thế, chứ không hoàn toàn là lỗi ở chúng.

Lúc này, hãy nén cơn giận và chắc chắn phải tìm ra nguyên nhân “sao con làm như vậy?”. Trẻ sẽ có cơ hội để giãi bày, giải toả những điều mà chúng cho là bất công hoặc ấm ức. Lắng nghe con và giải tỏa tâm lý cho con, để bé hiểu rằng tất cả là một gia đình và một gia đình thì bao giờ cũng nên yêu thương, đoàn kết, che chở, bảo vệ cho nhau.

Sau đó, hãy chỉ cho trẻ xem em bé bị đau tội nghiệp như thế nào. Và nếu em làm vậy với con thì cha mẹ cũng xót xa như thế nào.

Trong trường hợp, sau rất nhiều cố gắng của người lớn mà trẻ vẫn không có biến chuyển, giữ nguyên thái độ thù địch với em thì hãy đưa trẻ đến các trung tâm tư vấn càng sớm càng tốt. Các bác sĩ tâm lý, chuyên gia tâm lý rất có kinh nghiệm trong những tình huống này để giúp trẻ và cha mẹ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Để con cùng tham gia việc trông em

Người lớn có thể giao cho bé những công việc đặc biệt, bé có thể khiến bạn ngạc nhiên vì những gì có thể làm.

Bạn cũng có thể hỏi ý kiến của bé: “Con nghĩ em sẽ thích mặc áo vàng hay áo xanh?” hoặc “Con có muốn giúp mẹ kể chuyện cho em nghe không?”.

Các bé ở độ tuổi này thường có năng khiếu tự nhiên để bày trò như hát, nhảy hoặc làm mặt xấu và em bé là một khán giả biết thưởng thức. Bé không chỉ thích sự chú ý mà sẽ cảm thấy tự hào khi chọc em cười.

Khi được giao trách nhiệm, bản thân trẻ sẽ thấy mình là người quan trọng không chỉ với em mà còn với cha mẹ. Vì thế, hãy tạo cơ hội để trẻ lớn được cùng bố mẹ tham gia chăm sóc em bé.

Dù trẻ nhỏ, nhưng không có nghĩa trẻ không tiếp thu được những gì bạn nói. Đơn giản là trẻ cần nhiều thời gian hơn. Và bố mẹ nên kiên nhẫn, từ từ tạo cho trẻ thói quen biết quan tâm đến em bé ngay từ trong bụng mẹ cũng như khi em bé chào đời. Hãy tìm cách lôi kéo trẻ vào việc chăm sóc em để trẻ thấy có trách nhiệm với em và không thấy bị “bỏ rơi”.

Khi bé tranh cãi hay xảy ra xô xát

Bố mẹ cần phải dạy con cách đối phó với tình huống tranh cãi. Khi trẻ đã bình tĩnh trở lại và cởi mở hơn, hãy tâm sự với con về tình huống đánh nhau lúc trước. Không ít những ông bố bà mẹ vì quá mệt mỏi trước những “cuộc chiến” thường xuyên của trẻ nên đã để cho chúng “tự xử”. Bố mẹ sẽ rất bất ngờ khi thấy trẻ sau một hồi tranh giành, khóc lóc chúng lại thân thiện, ríu rít “anh anh, em em”.

Tuy nhiên, bố mẹ không nên hoàn toàn để trẻ tự giải quyết mà hãy âm thầm dõi theo chúng bởi trong quá trình tranh cãi. Vì những đứa trẻ có thể không làm chủ được hành vi của mình dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Khi cuộc cãi vã của các con lên đến đỉnh điểm và bản thân các bé không thể tự giải quyết với nhau được thì người lớn cần đứng ra làm trọng tài hòa giải. Lúc này, bạn không cần phân xử xem ai đúng ai sai mà bạn nên hỏi rõ ngọn ngành cũng như lắng nghe chăm chú lý do của từng bé rồi diễn đạt lại điều mà con muốn nói.

Ví dụ như “Con không thích vì chị không cho con mượn đồ chơi à?”, “Vì thế nên các con cãi nhau à?”... Một cách khá kì lạ là khi trẻ biết được rằng mẹ hiểu mình thì bé sẽ cảm thấy bình tĩnh trở lại và khi đã nói được ra điều mình suy nghĩ với anh chị em cãi nhau với mình thì nhiều trường hợp cuộc cãi vã của trẻ sẽ tự động lắng xuống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ