Đằng sau câu chuyện Người thổi sáo thành Hamelin

GD&TĐ - Câu chuyện Người thổi sáo thành Hamelin (Pied Piper of Hamelin) có lẽ đã rất quen thuộc với nhiều người, theo chủ đề vô ơn và báo thù được kể đi kể lại qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, dường như rất ít người biết câu chuyện trên dựa trên sự kiện có thật và dần được phát triển thành cổ tích. 

Người thổi sáo theo sau là lũ trẻ ở Hamelin
Người thổi sáo theo sau là lũ trẻ ở Hamelin

Truyền thuyết thổi sáo đuổi chuột

Chuyện Người thổi sáo thành Hamelin có thể tóm tắt như sau: Vào năm 1284 xảy ra sự tàn phá dữ dội của chuột ở Hamelin, thời đó vốn là một cảng phồn vinh ở sông Weser, vùng Saxony hạ, Đức. Mỗi ngày, những sà lan đầy bắp và lúa cập cảng và nhập hàng vào các nhà máy. Từ đây, chúng biến thành bánh mì và bánh ngọt, được phân phối đến các cửa hàng phục vụ nhu cầu của cư dân.

Tuy nhiên, những mặt hàng này cũng quyến rũ loài chuột, chúng tìm đến các kho chứa ngô, lúa mì, tấn công các cửa hàng bánh và để lại loài bọ chét ở khắp mọi nơi. Cuộc sống ở Hamelin trở thành cơn ác mộng đối với người dân nơi đây. Tuyệt vọng vì không tìm ra được giải pháp nào để diệt chuột, ông thị trưởng công bố cái giá một ngàn đồng guilder vàng cho ai đuổi được lũ chuột ăn hại ra khỏi Hamelin.

Cư dân chứng kiến lũ chuột kéo đi theo tiếng sáo
 Cư dân chứng kiến lũ chuột kéo đi theo tiếng sáo

Ngay ngày hôm sau, một thanh niên lạ mặt trong bộ y phục màu sắc sặc sỡ đến thành phố. Anh ta tuyên bố mình là một người bắt chuột và hứa sẽ quét sạch lũ ăn hại này ra khỏi thị trấn để lãnh thưởng. “Pied Piper” sau đó lấy một ống sáo nhỏ ra khỏi túi và bắt đầu chơi một điệu nhạc du dương. Và trước sự chứng kiến đầy kinh ngạc của người dân thị trấn, hàng ngàn con chuột lũ lượt kéo ra khỏi các ngôi nhà, kho hàng, các lò bánh và bắt đầu theo sau người thổi sáo. Vẫn chơi sáo say mê, Pied Piper dẫn bầy chuột như đang bị thôi miên ra khỏi thị trấn và đến sông Wesrer, tại đây chúng phóng từng con một xuống nước và chết chìm.

Khi Pied Piper quay trở lại quảng trường của thị trấn để nhận thường, thị trưởng chỉ mỉm cười và đưa cho anh chỉ 50 đồng guilder. Tức giận, Pied Piper ra khỏi thị trấn và nguyền sẽ trả thù sự bội ước này.

Vài ngày sau đó là ngày lễ thánh John và Paul, và trong khi những người lớn đang ở nhà thờ, người thổi sáo quay trở lại, mặc trang phục toàn màu xanh và thổi một ống sáo khác. Lần này không có chuột nhà hay chuột đồng nào cả nhưng trẻ em trong thành phố đều chạy đến và nhảy múa với anh ta. Ngày càng nhiều đứa trẻ ra khỏi nhà hợp thành từng đàn theo anh vào núi rồi tất cả cùng biến mất. Chỉ có một đứa bị què chân không theo kịp đoàn, một đứa bị điếc không nghe tiếng sáo và một đứa mù còn ở lại thị trấn. Tổng cộng có 130 đứa trẻ bị mất tích trong ngày đó. Trong một thời gian dài, truyền thuyết về người thổi sáo chỉ là truyện dân gian lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác của cư dân Hamelin, cho đến khi câu chuyện bắt đầu có nhiều người biết hơn qua sự thuật lại của anh em Grimm.

Chuyện thật qua các tư liệu

Tuy nhiên, câu chuyện thật còn có nhiều tình tiết hơn cả chuyện hư cấu nữa. Nhiều bằng chứng cho thấy có sự kiện đau thương sâu sắc xảy ra ở thị trấn này của Đức vào ngày 26 tháng 6 năm 1284. Sở dĩ chúng ta biết chính xác ngày xảy ra sự kiện là nhờ một bản ghi trên một cửa kính đã biến màu của nhà thờ ở quảng trường thành phố (nhà thờ này đã bị tàn phá vào năm 1660). Trên kính của cửa sổ có hình ảnh của một người thổi sáo và những dòng chữ: “Vào năm 1284, ngày của thánh John và Paul, 26 tháng 6, một người thổi sáo mặc trang phục đầy màu sắc đến Hamelin và đưa 130 đứa trẻ đi mất”. Ngày này xuất hiện một lần nữa trong biên niên sử của thành phố. Vào năm 1384, mục nhập mới của sách biên niên ghi đơn giản: “Đã 100 năm kể từ ngày những đứa trẻ của chúng ta ra đi”.

Bức tranh cổ nhất về Pied Piper sao chép từ cửa kính của nhà thờ Market ở Hamelin
 Bức tranh cổ nhất về Pied Piper sao chép từ cửa kính của nhà thờ Market ở Hamelin

Những tài liệu về câu chuyện trên bắt đầu xuất hiện vào những thế kỷ sau đó, vẫn cùng nội dung như vậy. Trong một tài liệu tham khảo vào giữa thế kỷ thứ 15 được tìm thấy trong biên niên sử bằng tiếng Latin của thành phố Lunenberg, Đức, người thổi sáo được mô tả như là một chàng trai tuấn tú, ăn mặc đẹp khoảng 30 tuổi, vào thị trấn Hamelin và “bắt đầu đi khắp thành phố thổi chiếc sáo bạc thuộc loại đẹp nhất”.

Nhân vật trung tâm của câu chuyện, người thổi sáo, rất phổ biến vào thời Trung cổ. Những chàng thổi sáo thường được thuê để dẫn đầu trong các buổi lễ nơi công cộng. Họ mặc những trang phục đầy màu sắc, tượng trưng cho thân phận thấp kém của những người chuyên mua vui, như anh hề chốn cung đình và những người đao phủ. Hầu hết những người thổi sáo sống rày đây mai đó và thường được xem là những kẻ gây rối.

Câu chuyện gốc không có đề cập gì đến chuột. Loài gặm nhấm này chỉ bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ thứ 16, thời điểm mà châu Âu bị đại dịch và vì vậy sự liên kết giữa người thổi sáo mang lại rắc rối và loài gây ra bệnh dịch không khó để tưởng tượng. Dù gì đi nữa, chuột cũng đã trở thành một phần quan trọng của câu chuyện và chính phiên bản này được truyền bá bởi những người như Robert Browning và anh em Grimm.

Theo Amusingplanet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.