Ngày 24/11, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Dân sự năm 2015 (sửa đổi), theo đó ghi nhận việc chuyển đổi giới tính là hợp pháp. Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật, người chuyển giới có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch, có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi.
Luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh) đánh giá, việc pháp luật nước ta ghi nhận việc chuyển đổi giới tính là phù hợp với sự phát triển của xã hội, tôn trọng quyền con người, đi đúng theo tinh thần của Hiến pháp 2013, đồng thời bảo đảm tính hội nhập, phù hợp với thông lệ quốc tế, và không trái với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc.
Luật sư Trần Tuấn Anh - Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh.
Tuy nhiên, luật sư Tuấn Anh cho rằng, việc hợp pháp chuyển đổi giới tính sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến người chuyển giới, tiêu biểu nhất đó là quyền nhân thân và quyền tài sản. Cụ thể, sau khi chuyển đổi giới tính, người chuyển giới sẽ phải đối mặt với một loạt các vấn đề liên quan đến hộ tịch, hôn nhân gia đình, các giấy tờ, bằng cấp, chứng chỉ... Dẫn đến việc xác lập lại một loạt các quyền tài sản, quyền sở hữu…
“Tôi lấy ví dụ một người là nam, do khiếm khuyết cơ thể hoặc sinh lý, sau khi thực hiện đầy đủ các thủ tục và chuyển lại giới tính của mình là nữ. Thông thường thì việc đầu tiên người đó phải thực hiện là đi làm thủ tục đổi tên, thay đổi lại giới tính trên các giấy tờ. Như vậy, hàng loạt các giấy tờ phải thay đổi như chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu, bằng cấp, chứng chỉ, giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản (như giấy tờ nhà, đất, xe ô tô, xe gắn máy...). Trong trường hợp đối với những giấy tờ có thể sửa, đổi được thì người đó chỉ mất công làm thủ tục thay đổi. Song, có khá nhiều loại giấy tờ chỉ cấp một lần và không cấp lại (bằng tốt nghiệp, chứng chỉ hành nghề...) thì sẽ khá khó khăn trong việc thay đổi”¸ luật sư Tuấn Anh nói.
Luật sư Tuấn Anh cũng đánh giá, những người chuyển giới đã lập gia đình và có con cái sẽ gặp nhiều phức tạp hơn những người chưa lập gia đình hoặc chưa có con trong việc xác lập lại quyền nhân thân, hộ tịch và các quyền tài sản có liên quan, trong đó bao gồm cả quyền để lại di sản thừa kế đối với vợ, chồng và các con.
“Trong trường hợp vợ hoặc chồng chuyển giới, xác định lại giới tính thì sẽ xảy ra trường hợp, cả 2 vợ chồng đều mang giới tính nam và đều mang giới tính nữ. Tuy nhiên, Luật Hôn nhân gia đình không thừa nhận hai người có giới tính giống nhau tiến tới hôn nhân. Như vậy, nếu giấy đăng ký kết hôn mới ghi cả vợ và chồng cùng chung một giới tính thì có hợp pháp không?
Sẽ phức tạp hơn nữa nếu 2 vợ chồng đã có con, bởi khi bố hoặc mẹ thay đổi về thông tin cá nhân, giới tính thì đều phải điều chỉnh lại giấy khai sinh cho con để người con được pháp luật công nhận các quyền liên quan đến người bố hoặc người mẹ. Ví như quyền thừa kế; quyền được nuôi dưỡng; quyền cấp dưỡng...
Một vấn đề nảy sinh khác là không thể ghi một người sau khi chuyển giới từ nam thành nữ vẫn là bố, ngược lại không thể ghi một người là nữ sau khi chuyển giới thành nam vẫn được gọi là mẹ”, luật sư Tuấn Anh phân tích.
Sau khi thay đổi giới tính, người chuyển giới sẽ phải đối mặt nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến việc thay đổi thông tin trong đăng ký kết hôn…
Từ những nhìn nhận, đánh giá của mình, luật sư Tuấn Anh cho rằng, việc luật hóa chuyển đổi giới tính cần tiến hành theo lộ trình “dài hơi”, mang tính hệ thống để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người chuyển giới và không gây nhiều xáo trộn trong đời sống pháp lý xã hội.
“Tôi cho rằng, việc luật hóa chuyển đổi giới tính cần có sự phối hợp, thống nhất để sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành có liên quan để vấn đề chuyển giới không phải là một trở ngại cho những người sắp được trở về với giới tính thực của mình”, luật sư Tuấn Anh nói.